Nợ xấu bằng ngoại tệ chưa bán được cho VAMC

Nợ xấu bằng ngoại tệ chưa bán được cho VAMC
Lãnh đạo Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC) cho biết, đã xử lý hơn 26.000 tỷ nợ xấu nhưng không có khoản vay nào bằng ngoại tệ.

Theo Thông tư về cơ chế mua bán nợ xấu, Công ty Quản lý và Khai thác Tài sản Việt Nam (VAMC) có thể mua các khoản nợ bằng ngoại tệ nhưng đồng tiền giao dịch vẫn phải là VND, tỷ giá áp dụng tính tại thời điểm ký kết hợp đồng. Như vậy, nếu bán nợ cho VAMC, ngân hàng sẽ phải mua bù đắp ngoại tệ trên thị trường để cân đối trạng thái.

Chưa có khoản nợ xấu bằng ngoại tệ nào được bán cho VAMC
Chưa có khoản nợ xấu bằng ngoại tệ nào được bán cho VAMC. Ảnh: Anh Quân (VnExpress)

Do đó, khi tỷ giá có thời điểm tăng bất ngờ trong 2 ngày cuối tuần trước, cũng có ý kiến cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc các nhà băng phải mua gom trên thị trường để quy đổi các khoản nợ xấu cho vay bằng ngoại tệ bán cho VAMC.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net ngày 11/12, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch thường trực VAMC - khẳng định đến nay công ty chưa tiến hành mua bất cứ khoản nợ xấu nào bằng ngoại tệ. Ông cũng cho biết, đến nay công ty đã "dọn dẹp" khoảng 26.000 tỷ nợ xấu cho 26 ngân hàng.

"Cũng có ngân hàng ngỏ ý bán nợ xấu bằng ngoại tệ nhưng hiện chưa mua được. Toàn bộ các khoản nợ chúng tôi xử lý từ trước đến nay đều là VND", ông Hùng nói.

Theo quy định, các ngân hàng vẫn có thể bán nợ xấu cho vay bằng ngoại tệ, miễn đảm bảo đủ các điều kiện. Trong trường hợp này, VAMC cho biết, nếu các tổ chức tín dụng không thể tự cân đối được nguồn ngoại tệ, công ty có thể sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước để lên phương án hỗ trợ. Tuy nhiên, đại diện VAMC khẳng định hiện chưa đặt vấn đề xin cơ chế bởi tạm thời chưa có kế hoạch mua những khoản vay này và tỷ giá đang rất ổn định.

Một trong những nguyên nhân khiến nợ xấu ngoại tệ khó bán cho VAMC được cho là nằm ở khía cạnh tài sản đảm bảo. Trong số 26.000 tỷ nợ xấu VAMC đã mua, phần lớn vẫn được thế chấp bằng bất động sản (chiếm khoảng 70%).

Trong khi đó, phần nhiều khoản vay ngoại tệ hiện nay đều liên quan tới xuất, nhập khẩu nhưng tài sản đảm bảo lại chủ yếu là hàng hóa tồn kho. Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói thêm, ngân hàng giải ngân để tài trợ vốn lưu động, mở chứng thư bảo lãnh nên đồng ý thế chấp bằng hàng hóa.

"Nay nợ xấu phát sinh, hàng hóa còn nhiều nhưng ngân hàng nói với rất khó bán khoản nợ này cho VAMC vì chưa đủ điều kiện", vị doanh nhân này chia sẻ.

Bản thân các nhà băng cũng thừa nhận việc quản lý kho hàng hóa lưu động rất phức tạp, rủi ro cao nên việc dọn dẹp nợ xấu các khoản này qua VAMC không đơn giản. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thẳng thắn nói với VnExpress: "Hàng hóa tồn kho nếu nhận mua, VAMC sẽ rất khó quản lý vì nhiều rủi ro vô cùng. Thế nên họ từ chối mua cũng là điều dễ hiểu thôi".

Theo dự kiến, VAMC sẽ xử lý khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013. Với tiến độ mua bán hiện nay (hoàn thành 80-90%), lãnh đạo công ty này tin rằng sẽ đạt kế hoạch. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, VAMC không mua nợ xấu để chạy theo thành tích mà phải rà soát thật kỹ lưỡng từng trường hợp. Vị này cho hay, cũng có không ít ngân hàng nợ xấu cao nộp hồ sơ từ đâu và ngỏ ý bán rất nhiều nhưng qua thẩm định, VAMC chỉ dám mua rất ít vì chưa đạt điều kiện.

Theo VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.