Coi đây là “thảm họa nhân đạo” bắt nguồn từ một loại tội phạm nghiêm trọng cần trừng trị thích đáng, tuyên bố của Việt Nam đã gọi đúng tên và đánh giá đúng tầm mức đặc biệt nghiêm trọng của sự việc. Công an Việt Nam cũng đã khởi tố điều tra đường dây buôn người liên quan đến các nạn nhân…
Tràn ngập một không khí xót thương, và cả trách giận trên khắp các diễn đàn, truyền thông trong và ngoài nước. Bao nhiêu câu hỏi “tại sao?, vì sao?” được đặt ra, mà vẫn chưa thực sự có câu trả lời thấu đáo.
“Ai cũng có thể là nạn nhân mua bán người. Nếu nghi ngờ, hãy trình báo”, những tấm biển mà Đại sứ quán Anh treo trên nhiều tuyến xe bus ở Hà Nội hồi đầu tháng 8 vừa rồi – trong chiến dịch truyền thông nhân Ngày Thế giới chống nô lệ 30/7/2019, thì lúc ấy những nạn nhân trên cái xe tải đông lạnh thảm họa kia, đang ở đâu, làm gì?! Cha mẹ, anh em họ đang làm gì, nghĩ gĩ? Có mấy người biết 30/7 cũng là ngày mà Việt Nam chọn là Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người, được Chính phủ ban hành từ 2016?
Theo lộ trình bây giờ mới vỡ ra, thì vào thời điểm trên nhiều người trong số đó đã bắt đầu gia nhập vào “hành trình nô lệ”. Thậm chí từ nhiều năm trước, với hàng ngàn người đồng hương trước đó.
Hai chữ “nô lệ” giờ nhắc đến, chúng ta vẫn thấy xa lạ, tưởng như chỉ có ở thời cổ đại xa xăm nào đó. Nhưng trên thực tế, ngay khái niệm “nô lệ hiện đại” hiện cũng đang bị “cũ” đi một cách nhanh chóng. Không phải bởi có tới trên 21 triệu người nô lệ (theo thống kê của Liên Hiệp Quốc) đang tồn tại giữa thế kỷ 21 này. Mà còn vì những biến tướng, những hình thái mới của nó.
Nhóm người Trung Quốc sang hẳn Đà Nẵng thuê khách sạn kinh doanh nô lệ tình dục trên những cô gái trẻ tự nguyện tìm đến. Một thứ nô lệ trên nền tảng công nghệ 4.0. Ở góc độ nào đó, những người nhập cảnh trái phép vào một quốc gia khác để làm lao động một cách khổ sai, lén lút, phó mặc cho những băng nhóm chăn dắt, sẵn sàng bức hại có phải là nô lệ không, những nô lệ “tự nguyện”?
Thế giới hình dung như những mỏm cao và hố sâu, tượng trưng cho sự chênh lệch của các quốc gia, về mọi giá trị, nhất là về vật chất và giá trị sức lao động. Có những dòng người luôn tìm cách thoát hố sâu bằng mọi giá. Họ xé hộ chiếu đốt mọi giấy tờ tùy thân, sẵn sàng trở thành những kẻ vô căn cước trên thế giới bao la đầy cạm bẫy, chết chóc rình rập.
Những nam nữ thanh niên kia vì sao tự chọn cho mình con đường hiểm nghèo ấy? Khi kinh tế gia đình và bản thân không/chưa phải quẫn bách, đời sống cũng khá yên bình. Họ ra đi, vì giá trị sức lao động ở quê nhà còn “bèo bọt” khó đổi đời? Vì ảo tưởng, vọng ngoại? Vì lề thói làng xã, ít ai chịu “kém miếng” ai? Vì bị cơn lốc xuất ngoại ồ ạt cuốn theo? Thật khó cắt nghĩa một cách rõ ràng.
Tất nhiên hành trình của những lưu dân đến các vùng đất mới luôn là thực tế qua ngàn năm lịch sử. Đến thời hiện đại, luôn có những rào cản cần thiết, từ cam kết giữa các quốc gia, đến vai trò của chính phủ từ những cấp chính quyền cơ sở, nhằm bảo đảm quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc một cách tự do và chính đáng cho người dân.
Nhưng “đường về nô lệ” vẫn đang kéo dài khắp hành tinh này. Để thấy thế giới còn bao việc…