Liên hoan diễn ra từ 3-15/12 do Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc-Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc phối hợp tổ chức.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT tỉnh Ninh Bình khẳng định liên hoan là dịp giới thiệu tới công chúng trong nước và du khách quốc tế những giá trị của loại hình nghệ thuật xẩm độc đáo của Việt Nam. Ninh Bình đăng cai liên hoan lần này bởi đây được coi là cái nôi của bộ môn nghệ thuật hát xẩm.
Ninh Bình cũng là quê hương của cố nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu - nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX. Thời gian qua Ninh Bình có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển các CLB hát xẩm, trong đó có nhiều trẻ em và người cao tuổi theo học. Được biết người tham gia liên hoan nhỏ tuổi nhất là trẻ hơn 7 tuổi.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở VHTT Ninh Bình nói về kế hoạch đưa xẩm trở thành di sản phi vật thể quốc gia, tiến tới di sản UNESCO
Trung tâm Hội nghị tỉnh Ninh Bình trở thành “đại bản doanh” hội ngộ của 15 CLB tham gia dự thi như CLB xẩm Hà Thành, xẩm Hải Phòng, CLB xẩm Quảng Ninh, Nam Định, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Thanh Hóa… Mỗi CLB được tham gia 3 tiết mục (mỗi tiết mục 15 phút), trong đó có cả tác phẩm xẩm cổ và tác phẩm mới. BTC sẽ trao bằng khen và tiền thưởng cho 5 giải A (20 triệu đồng), 5 giải B (15 triệu đồng), 5 giải C (10 triệu đồng) và 30 giải khuyến khích (5 triệu đồng).
Nói về việc đặt lời mới cho xẩm, nhạc sĩ Thao Giang, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của liên hoan cho biết, nội dung các bài xẩm hiện nay phong phú hơn. Ngoài những bài xẩm cổ, các CLB cũng sáng tác nhiều bài xẩm mới với đề tài phong phú. Một số bài xẩm ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, thậm chí còn đề cập đến nhiều vấn đề “nóng” của xã hội, mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Chẳng hạn vừa qua nhóm Xẩm Hà Thành còn sáng tác xẩm cổ vũ đã uống rượu không lái xe, xẩm Tiễu trừ giặc biển.
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, liên hoan tạo không gian nghệ thuật để các nghệ nhân giao lưu. Sau sự kiện này, tỉnh Ninh Bình sẽ cùng các tỉnh khu vực phía Bắc chuẩn bị lập hồ sơ đề nghị Bộ VHTTDL trình Thủ tướng công nhận hát xẩm là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, tiến tới kế hoạch xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.