Loạt biểu tình ở thành phố từng là thuộc địa của Anh bắt đầu từ đầu tháng 6 để phản đối dự luật dẫn độ cho phép đưa các nghi phạm về đại lục xét xử.
Chưa rõ liệu thông báo dự kiến được đưa ra cuối ngày hôm nay có giúp chấm dứt biểu tình hay không.
Nhưng chỉ số chứng khoán Hang Seng HSI của Hong Kong đã tăng sau khi có thông tin này, với lượng giao dịch tăng 3,3%. Chỉ số bất động sản cũng tăng 6%.
Rút dự luật dẫn độ là một trong những đòi hỏi cốt lõi của người biểu tình. Trước đó, bà Lam nói dự luật “đã chết”, nhưng không rút lại.
Hong Kong được trao trả cho Bắc Kinh theo công thức “một đất nước, hai hệ thống” nhằm giúp người dân thành phố được hưởng quyền tự do nhiều hơn, bao gồm quyền tự do biểu tình và có một hệ thống tư pháp độc lập. Vì thế, dự luật dẫn độ bị cho là sản phẩm chịu ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Hôm 2/9, Reuters dẫn một đoạn ghi âm cuộc gặp của bà Lam với các lãnh đạo doanh nghiệp vào tuần trước, trong đó nhà lãnh đạo này thừa nhận đã gây ra “sự tàn phá không thể tha thứ” khi đưa ra dự luật dẫn độ, bà nói sẽ xin lỗi và từ chức nếu được lựa chọn.
Cũng trong cuộc họp kín này, bà Lam nói rằng bà có rất ít dư địa để giải quyết cuộc khủng hoảng vì nó đã trở thành một vấn đề về chủ quyền và an ninh quốc gia, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.
Trước đó, Chính phủ Trung Quốc gạt bỏ đề xuất gần đây của bà Lam để tháo ngòi xung đột, bao gồm việc rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, Reuters dẫn lời 3 nguồn tin nắm được vấn đề cho biết.
Khi được hỏi về thông tin này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh “ủng hộ, tôn trọng và hiểu” quyết định của bà Lam.
Còn Thời báo Hoàn cầu nói rằng thông tin Bắc Kinh gạt đề xuất giải quyết khủng hoảng của bà Lam là “tin giả”.
Trung Quốc phủ nhận đang can thiệp vào vấn đề Hong Kong, nhưng cảnh báo hôm 3/9 rằng họ sẽ không ngồi yên nếu bất ổn đe dọa an ninh và chủ quyền quốc gia.
Bất ổn ở Hong Kong vẫn chưa có dấu hiệu dịu bớt tính đến đêm 3/9.
Trong đêm đó, cảnh sát chống bạo động bắn súng đạn cao su và dùng hơi cay để đối phó với người biểu tình tụ tập ngoài đồn cảnh sát Mong Kok và nhà ga tàu điện ngầm Prince Edward. Một người đàn ông được đưa ra khỏi nhà ga này bằng cáng cứu thương và đeo mặt nạ oxy, theo hình ảnh được chiếu trên truyền hình.
Các thước phim ghi lại lúc cảnh sát bắt người đàn ông này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Các nhóm biểu tình và nhà hoạt động nói rằng đây là bằng chứng tố cáo sự thô bạo của cảnh sát và tình trạng này cần phải bị điều tra.