Trong cuộc gặp kín này, bà Lam nói rằng giờ đây bà “còn rất ít” dư địa để giải quyết cuộc khủng hoàng vì nó đã trở thành vấn đề về chủ quyền và an ninh quốc gia đối với Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ.
“Nếu tôi có lựa chọn, điều đầu tiên tôi làm là từ chức, đưa ra một lời xin lỗi sâu sắc”, bà nói.
Hong Kong đang chìm sâu trong chiến dịch biểu tình quy mô lớn suốt từ tháng 6 đến nay, bắt đầu từ việc phản đối dự luật dẫn độ do chính quyền của bà Lam đề xuất nhằm cho phép dẫn độ tội phạm tình nghi về đại lục để bị xét xử.
Dự luật đã bị gác lại, nhưng bà Lam không thể chấm dứt cơn phẫn nộ của số đông.
Người biểu tình mở rộng đòi hỏi của họ rằng phải rút hoàn toàn dự luật dẫn độ, một sự nhượng bộ mà chính quyền đặc khu cho đến nay vẫn khước từ. Cuối tuần qua tiếp tục chứng kiến chiến dịch biểu tình quy mô lớn.
Bà Lam nói rằng Bắc Kinh vẫn chưa đạt tới cực điểm. Bà nói Bắc Kinh chưa đưa ra bất kỳ thời hạn chót nào để chấm dứt khủng hoảng, khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến dịp kỷ niệm quốc khánh.
Bà nói Trung Quốc “hoàn toàn không có kế hoạch” triển khai quân đội xuống đường phố Hong Kong.
Các lãnh đạo thế giới đang theo dõi sát sao xem Trung Quốc có cử quân đội đến dẹp người biểu tình hay không.
Bà Lam nói rằng bà có rất ít lựa chọn một khi vấn đề đã được nâng lên “cấp độ quốc gia”, nghĩa là thuộc thẩm quyền xử lý của Bắc Kinh, “đến mức chủ quyền và an ninh quốc gia, chưa nói đến đợt căng thẳng chưa từng thấy giữa 2 nền kinh tế lớn của thế giới.
Trong bối cảnh đó, bà nói rằng “dư địa chính trị cho một trưởng đặc khu, người không may phải phục vụ 2 người chủ theo hiến pháp, đó là chính phủ trung ương và người dân Hong Kong, là dư địa để hành động cực kỳ hạn chế”, bà nói.
Reuters dẫn lời 3 người tham dự sự kiện xác nhận bà Lam đã nói những ý như vậy trong cuộc gặp kéo dài nửa giờ đồng hồ.