Những xác chết chơ vơ giữa thủ đô Haiti

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Gần ngã tư ở thủ đô của Haiti cuối tuần này, một xác chết cháy đen nằm giữa đường, xương và chân thò ra khỏi đống tro chỉ được trùm bằng tấm vải.
Những xác chết chơ vơ giữa thủ đô Haiti ảnh 1

Một thi thể bị bỏ mặc trên đường phố thủ đô Port-au-Prince của Haiti. (Ảnh: AP)

Đêm 7/3, Jimmy Boursiquot, một thợ mộc sống gần đó, nghe thấy 2 tiếng súng nổ. Nhìn ra ngoài cửa sổ lúc 20h24, ông nhìn thấy 2 người đàn ông lái xe bỏ đi, bỏ lại thi thể ở vị trí cách văn phòng quản lý trường đại học và một trong những công ty viễn thông lớn nhất Haiti không xa. Vài giờ sau, những người đàn ông quay lại và đốt cái xác.

Đường phố thủ đô Port-au-Prince nồng nặc mùi hôi thối từ những tử thi. Đó là một trong những dấu hiệu khủng khiếp của tình trạng bạo lực và rối loạn ở quốc gia Caribe của 11 triệu dân.

Liên Hợp Quốc cho biết, khi quốc gia thiếu một nhà nước hoạt động hiệu quả, các nhóm vũ trang bạo lực đã nắm quyền kiểm soát hơn 80% thủ đô. Tiếng súng vang lên liên tục. Người dân thỉnh thoảng mới dám ra khỏi nhà, và cảnh tượng họ dễ bắt gặp là những thi thể bị bỏ lại trên phố.

Một số người dân phải tự di chuyển hoặc đốt xác, vì không còn ai làm điều đó. Các dịch vụ công cộng đang hoạt động ở mức hạn chế. Thùng rác chất đống trong khu ổ chuột; bệnh tả đã xuất hiện trở lại. Các băng đảng khủng bố người dân bằng những vụ hãm hiếp hệ thống, bắt cóc bừa bãi và giết người hàng loạt, nhưng không bị trừng phạt.

Đợt tấn công vào 2 nhà tù lớn nhất thành phố cuối tuần trước đã giải thoát hàng nghìn tù nhân, trong đó có một số tội phạm khét tiếng nhất đất nước. Các băng đảng trở nên mạnh hơn, chúng thực hiện những vụ tấn công vào sân bay và cảng chính của thành phố, đốt cháy ít nhất chục đồn cảnh sát.

Tối 8/3, giao tranh dữ dội xảy ra giữa các băng đảng và cảnh sát ở Champs de Mars, công viên lớn nhất giữa thành phố Port-au-Prince. Các băng nhóm ném bom xăng vào trụ sở Bộ Nội vụ và nã súng vào dinh tổng thống.

Bệnh viện đóng cửa; lực lượng an ninh khó có thể ứng phó. Thủ tướng ra nước ngoài để vận động lực lượng cảnh sát quốc tế hỗ trợ, nhưng không thể trở về nước trong tuần này như dự kiến.

Lyonel Milfort, giám đốc một nhà xác, cho biết đã nhận được 20 cuộc gọi từ người dân yêu cầu đến nhận thi thể trong tuần qua, nhưng ông từ chối tất cả.

Milfort cho biết, khi các băng đảng đang phong tỏa đường phố, ông không thể mạo hiểm điều nhân viên ra ngoài.

Milfort làm công việc này từ năm 2002. Các đợt bạo lực trước đây cũng khiến ông phải dừng công việc trong 2-3 ngày, nhưng chưa bao giờ kéo dài cả tuần như lần này.

“Những gì tôi đang chứng kiến hôm nay là chưa từng thấy. Thật đau lòng khi khắp nơi đều có những thi thể bị chó ăn và những xác chết chỉ được phủ tấm trải giường”, ông nói.

Romain Le Cour, một nhà khoa học chính trị thực hiện nghiên cứu ở Port-au-Prince trong những tuần gần đây, cho biết bạo lực và bất ổn là một trong những điều tồi tệ nhất mà Haiti phải gánh chịu trong nhiều thập kỷ.

Trận động đất năm 2010 khiến 220.000 người thiệt mạng, nhưng đã có phản ứng cấp quốc gia và quốc tế nhằm mang lại cho người dân Haiti cảm giác rằng cuộc khủng hoảng đã được ứng phó bằng hành động.

“Lúc này điều khủng khiếp nhất là cảm giác bị bỏ rơi. Họ không biết trông vào ai. Thủ tướng Ariel Henry vẫn im lặng. Người Haiti thậm chí còn không biết ông ấy đang ở đâu”, Le Cour nói.

Sân bay bị tấn công khi Thủ tướng Henry đang cố gắng trở về từ Kenya, thay vào đó ông đã đáp xuống Puerto Rico hôm 5/3.

Người phát biểu nhiều nhất ở Haiti hiện nay là Jimmy “Barbecue” Chérizier. Cựu sĩ quan cảnh sát hiện là thủ lĩnh băng đảng quyền lực nhất đất nước đã đưa ra tối hậu thư cho Thủ tướng Henry: Từ chức hoặc đối mặt với một cuộc nội chiến.

Vị trí tổng thống bị bỏ trống kể từ vụ ám sát ông Jovenel Moïse năm 2021, đến nay vẫn chưa được giải quyết. Quốc hội trống rỗng từ khi nhiệm kỳ cuối cùng của các nhà lập pháp kết thúc năm ngoái. Điều đó khiến Thủ tướng Henry phải lãnh đạo chính phủ còn lại, nhưng không được lòng dân.

Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ nói với Washington Post rằng trong năm qua, các quan chức Mỹ đã thúc ép vị thủ tướng 74 tuổi vốn là bác sĩ giải phẫu thần kinh hợp tác với một hội đồng chuyển tiếp để tổ chức bầu cử.

Tuy nhiên, ông Henry thể hiện “không sẵn sàng nhượng lại quyền lực thực sự”. Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield và các nhà lãnh đạo cộng đồng Caribe một lần nữa kêu gọi ông Henry nhượng bộ.

Theo Washington Post
MỚI - NÓNG