Vừa qua, báo Tiền Phong đã phản ánh một số vấn đề về dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường như các bất cập liên quan đến lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC), bệnh viện thiếu phòng chuyên môn phải đề xuất bổ sung thêm 100 tỷ đồng để xây dựng...
Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương gửi công văn số 209, trả lời báo Tiền Phong về các vấn đề nêu trên.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, đối với hệ thống PCCC của công trình: nội dung phát sinh chủ yếu là các công việc thuộc luận chứng PCCC do dự toán ban đầu chưa tính. Riêng phần công trình chính đã được thẩm duyệt thiết kế PCCC, việc nghiệm thu về PCCC, Công an tỉnh Bình Dương đã có hướng dẫn số 87, ngày 12/4/2023 về việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực PCCC-CNCH.
Công an tỉnh Bình Dương đã triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực PCCC-CNCH tại dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường |
Đối với khu vực phòng mổ: theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công - dự toán được phê duyệt tại Quyết định số 58, ngày 1/4/2016 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương đã có phân chia các khu vực phòng mổ, có thiết kế và lập khối lượng cho các đầu mục công việc như sàn, trần, cửa, khí y tế và các hệ thống MEP khác.
Riêng nội dung vách thì được nêu đầu tư ở dự án khác để đồng bộ nội thất của phòng mổ, tuy nhiên nội dung này đến nay vẫn chưa được đầu tư, do đó chủ đầu tư đưa vô nhóm 5 để phát sinh, hoàn thiện công trình đảm bảo công năng hoạt động của bệnh viện.
Về trách nhiệm các đơn vị liên quan, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Dương, dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường là dự án lớn, trọng điểm của tỉnh, có các yêu cầu về kỹ thuật phức tạp, thời gian thực hiện dự án dài một số vật tư, thiết bị lạc hậu, không còn phù hợp, cá biệt có loại không còn sản xuất trên thị trường.
Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường ở Bình Dương nằm vị trí giáp đường Mỹ Phước Tân Vạn, liên thông các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh này |
Trong quá trình triển khai thi công, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan (tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công...) phải xử lý kỹ thuật thường xuyên để đảm bảo nội dung khối lượng công việc và tiến độ theo yêu cầu. Đồng thời tuân thủ các quy định quản lý và đầu tư công. Việc phát sinh khối lượng ngoài hồ sơ dự toán đã được duyệt, bổ sung (tăng, giảm khối lượng) và thay đổi bổ sung một số chủng loại vật tư, thiết bị cho phù hợp là không tránh khỏi.
“Trong thời gian qua, chủ đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương (đơn vị sử dụng) để kiểm tra, rà soát từng bước hoàn thiện công trình. Đồng thời, chủ đầu tư cũng yêu cầu bệnh viện tỉnh thành lập tổ tiếp nhận, vận hành công trình trong thời gian này để kịp thời nắm bắt, có phương án, kế hoạch tiếp nhận sau khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng”, công văn nêu.
Công trình bệnh viện có hai bãi đáp trực thăng và đường dẫn di chuyển bệnh nhân, đây được xem là bệnh viện lớn nhất Bình Dương, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và được người dân chờ đợi |
Theo kế hoạch, dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường đến tháng 11/2023 hoàn thành tất cả các gói thầu để vận hành thử trước khi đưa vào sử dụng chính thức.
Dự án Bệnh viện 1.500 giường ở Bình Dương có 17 tầng, vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng là dự án hình thành từ năm 2012, được bố trí vốn khởi công xây dựng từ năm 2014. Theo kế hoạch ban đầu, dự án đến năm 2016 sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, công trình sau đó ngưng thi công suốt gần 3 năm liền với lý do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Đến năm 2019, dự án được thi công trở lại và nhiều lần lỡ hẹn ngày về đích với nhiều lý do, trong đó ảnh hưởng bởi các năm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh và phát sinh thêm về mặt kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu.