Những 'Vua lúa' cao nguyên

Những 'Vua lúa' cao nguyên
TP - Cánh đồng rộng lớn nhất Tây Nguyên 37 năm trước, nơi “người lính già” Trần Kiên - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk làm tổng chỉ huy nay đã bạt ngàn lúa thơm với nhiều ông “Vua lúa”.

> Cánh đồng mẫu lớn lợi cho ai?
> Vựa lúa vùng cao nguyên

Nằm ngửa thấy Trần Kiên, nằm nghiêng thấy Buôn Triết

Câu thành ngữ truyền miệng này có vài dị bản. Còn ở Đắk Lắk, lớp trung niên trở lên vừa nghe đoạn đầu lập tức vọt mồm “Buôn Triết”! Ấn tượng một thời cả tỉnh dồn sức đi khai hoang vỡ đất trên công trường Buôn Triết gắn liền với cá tính của vị tổng chỉ huy quyết đoán sâu đậm đến mức không thể nào quên.

Gánh lúa lên đường làng
Gánh lúa lên đường làng.

Năm 1976, cả tỉnh thiếu đói. Bát cơm nào cũng độn bắp chèn khoai. Tỉnh ủy Đắk Lắk cấp tốc bàn giải pháp phát triển nông nghiệp bằng cách cùng lúc mở ra hàng loạt công trường khai hoang, đào kênh thủy lợi tại Ea Súp, Ea Kao, Ea Quang, Ya Wầm… Nhận định vùng đầm lầy Buôn Triết hoang vu chạy dài bên sông Krông Ana có thể cải tạo thành vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên và Nam Trung bộ, đích thân Bí thư Tỉnh ủy Trần Kiên xuống ăn ở giữa vùng đầm lầy để chỉ huy các cánh quân cuốc cày đốt dọn ròng rã suốt 5 năm.

Cả thời kỳ dài cán bộ lãnh đạo các ban ngành đoàn thể theo lệnh Bí thư đem cả hồ sơ dấu má xuống công trường để đồng cam cộng khổ, công văn phải ký duyệt “ cộp, rẹt” ngay trên đùi giữa cánh đồng. “Người lính già" Trần Kiên cơm nắm cá khô đêm ngày lặn lội ngang dọc cả chục cây số khắp công trường để thúc giục sâu sát. Năm 1978 sự kiện cả công trường nức lòng, là Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm, dẫm sình cầm vồ đập đất, tuyên dương ý nghĩa mở đồng.

Cả thời kỳ dài cán bộ lãnh đạo các ban ngành đoàn thể theo lệnh Bí thư đem cả hồ sơ dấu má xuống công trường để đồng cam cộng khổ, công văn phải ký duyệt “cộp, rẹt” ngay trên đùi giữa cánh đồng.

“Người lính già" Trần Kiên cơm nắm cá khô đêm ngày lặn lội ngang dọc cả chục cây số khắp công trường để thúc giục sâu sát.

Năm 1978 sự kiện cả công trường nức lòng, là Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thăm, dẫm sình cầm vồ đập đất, tuyên dương ý nghĩa mở đồng. Nơi ông cầm vồ phát biểu từ đó được vinh danh là cánh đồng 8-4, ghi nhớ ngày Tổng Bí thư về thăm.

Ông Dương Thanh Tương nguyên Phó Chủ tịch tỉnh, lúc đó là Bí thư Đoàn khối các cơ quan Dân Chính Đảng nhận lệnh huy động 3.000 đoàn viên thanh niên cơ quan trường học xuống công trường, kể: Tiền của, phương tiện, cái gì cũng thiếu, chúng tôi chỉ cậy khí thế, sức trẻ, niềm tin và lòng nhiệt tình để vượt qua mọi khó khăn.

Chiếc xe Jeep biển số 47001 Chủ tịch tỉnh Y Blôc Êban ưu ái giao cho Tỉnh Đoàn điều phối lực lượng lao động trẻ nhiều lần được dùng chở bệnh nhân sốt cấp tính về phố cấp cứu, thậm chí đưa viện binh mang đường sữa bột ngọt đi thương thuyết “đổi hàng” với đám tàn quân Fulro.

Máy móc không có, thanh niên xếp hàng dài chuyền tay từng khối đất để đắp đập, cuốc sình, mượn voi trong buôn ra giẫm lèn cho chắc mặt đập, rồi kẹp trâu đi cày…

Sát cánh cùng Bí thư Trần Kiên, đội ngũ cốt cán ngày ấy như Phó Bí thư tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần, Chủ tịch UBND thị xã Nguyễn An Vinh đã cùng lãnh đạo các cơ quan ban ngành miệt mài làm việc, huy động cả triệu ngày công lao động nội ngoại tỉnh vào cuộc.

Những “Vua lúa” thời nay

Đầu thập kỷ 1980, nông trường 8-4 được thành lập tiếp quản hơn 2.000 ha ruộng vừa khai phá. Ít ai ngờ, chỉ sau vài năm điều hành chểnh mảng, những con đập đất thô sơ đã bị sóng sông phá vỡ từng đoạn.

Trước nạn chim chuột, thú rừng phá phách hoành hành và lũ lụt không cách gì ngăn nổi, nông trường liên tục mất mùa thua lỗ đã lặng lẽ giải tán.

Ông Kỷ cấy lúa
Ông Kỷ cấy lúa .

Ông Nguyễn An Vinh nay đã 73 tuổi, kể: "Cánh đồng Buôn Triết bị lãng quên, hoang vắng cho tới năm 1986. Theo chủ trương của Trung ương Đoàn, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết lãnh đạo lực lượng TNXP toàn quốc khi đó đã lên Đắk Lắk, động viên Bí thư Tỉnh Đoàn Dương Thanh Tương thành lập Tổng đội TNXP Đắk Lắk.

Tôi lúc bấy giờ là Phó Chủ tịch tỉnh, đã cùng anh Tương chỉ đạo Tổng đội TNXP đồng thời huy động nhân dân tiếp tục khai khẩn mở rộng cánh đồng Buôn Triết, nối liền từ các xã Buôn Triết, Buôn Tría của huyện Lắk sang các xã Ea Bông, Quảng Điền, Bình Hòa, Dur Kmăl của huyện Krông Ana, tạo nên vựa lúa rộng hơn một vạn hecta.

Đầu xuân 2013, chúng tôi trở lại nơi xưa từng là đại công trường Buôn Triết. Từ thành phố Buôn Ma Thuột, ô tô bon bon một trăm cây số theo hướng Quốc lộ 27 rồi rẽ vào mạng lưới giao thông liên huyện, liên xã, chỉ mất hơn hai tiếng đồng hồ đường nhựa là tới nơi.

Cánh đồng rộng mở bát ngát, mà đường viền xa tắp là vòng cung mây trắng núi xanh. Vạt nhỏ lúa chín vàng óng đang gặt, nông dân gánh chất từng ụ trên đường làng. Thửa lớn ruộng đang cày ải chờ ngày cấy. Có khoảng đã bát ngát lúa non xanh, chấp chới cánh cò trắng muốt. Đủ mọi cung bậc, sắc màu đẹp đẽ như tranh thủy mặc".

Anh Nguyễn Đăng Trọng, 30 tuổi, Chủ tịch UBND xã Buôn Triết cho biết phần cánh đồng Buôn Triết đang canh tác thuộc xã bây giờ rộng 1.872 ha, được đắp bồi phù sa hàng năm, vụ chính năng suất bình quân 8 tấn/ha, vụ mùa nếu không gặp lũ tiểu mãn cũng đạt 5-6 tấn.

Sau nhiều năm lao động cật lực để đẩy lui thú dữ côn trùng, những cộng đồng dân cư kinh tế mới đã dần ổn định cuộc sống. Nhiều nông dân lam lũ từ Thái Bình, Hải Dương, Quảng Nam vào đây mang theo tay nghề trồng lúa nước thuần thục và đức tính cần cù, tiết kiệm, đã không ngừng tích lũy dồi dào gia sản ruộng vườn.

Trong số đó, có những người sở hữu hàng chục hecta ruộng lúa hai vụ, mỗi năm thu hoạch được hàng trăm tấn lúa, như các ông Nguyễn Đức Lợi, Lã Như Kỷ (quê Thái Bình), Nguyễn Văn Hối, Lê Văn Mười, Lê Mai (quê Quảng Nam). Bình quân lương thực toàn xã đạt 2,2 tấn lúa/người/năm. Mặt hồ Buôn Triết rộng trên 300 ha vẫn phát huy tốt tác dụng tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản.

Vua lúa Lã Như Kỷ chở lúa về kho
Vua lúa Lã Như Kỷ chở lúa về kho.

Bảy năm trước tôi đã viết bài giới thiệu về “Vua lúa” Lã Như Kỷ trên báo Tiền Phong. Bây giờ gặp lại, ông khoe vẫn canh tác ngon lành 20 ha ruộng 2 vụ, mỗi năm thu không dưới 150 tấn lúa.

Ngoài ra, còn điều hành tốt hợp tác xã dùng nước, cấp nước cho 500 ha ruộng của 360 hộ ở những chân ruộng mà hệ thống kênh mương của nhà nước không nối tới, thu được hơn 1 tỷ đồng tiền nước chia cho 10 thành viên góp vốn vào HTX.

Sau khi đến 2 căn nhà của ông cất hai bên bờ sông để tiện làm lúa, tôi tới căn nhà thứ ba của Vua lúa ở đường Mai Hắc Đế giữa thành phố Buôn Ma Thuột “để các cháu học đại học tiện đi nại”, gặp chủ nhiệm HTX Lã Như Kỷ cùng phó chủ nhiệm Tạ Quang Thắng sơ mi đóng thùng vừa lái ô tô chạy từ huyện Ea Súp về.

Ông Kỷ hào hứng kể bằng giọng quê đặc chất Thái Bình: “Thấy Buôn Triết nàm hay quá, ở Ea Súp bà con cũng muốn chúng tôi về đó nàm dịch vụ lông nghiệp. Chúng tôi đang nghiên cíu mở thêm chi nhánh HTX dùng nước, và xin tỉnh cấp cho vùng đất chuyên sản xuất núa giống để lông dân đỡ phải đi xa…”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG