Những trang báo ở Nhà trưng bày Hoàng Sa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhà trưng bày Hoàng Sa trên đường Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) là địa chỉ đỏ về giáo dục chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Ở đó, bên cạnh những tư liệu pháp lý chủ quyền còn có những tư liệu báo chí về chủ quyền biển đảo được Nhà trưng bày dày công sưu tầm, trưng bày, triển lãm, giới thiệu đến người dân, du khách, đưa vào các trường học…

Những trang báo quý

Tháng 6 này, những đoàn du khách, người dân đến Nhà trưng bày Hoàng Sa dường như đông hơn. Ông Lê Tiến Công - Chánh Văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa, Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa cùng cộng sự đang tập hợp hàng trăm bài báo tuyên truyền về biển đảo Hoàng Sa trên báo chí trong và ngoài nước thời gian gần đây để bổ sung vào kho tư liệu của nhà trưng bày.

Những trang báo ở Nhà trưng bày Hoàng Sa ảnh 1

Một trang báo Tiền Phong được Nhà trưng bày sưu tầm và đưa vào tư liệu báo chí về chủ quyền biển đảo. Ảnh: Nguyễn Thành

Vậy là ngoài bộ sưu tập báo chí “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” do cố nhà báo Trần Thanh Phương và vợ là bà Phan Thu Hương đã sưu tập các tờ báo về Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu năm 1979 đến tháng 10/2011, được trưng bày, thì Nhà trưng bày tiếp tục sưu tầm các trang báo, bài viết trong các giai đoạn lịch sử về bảo vệ chủ quyền. Nhất là trong thời kỳ báo chí hiện đại, với các trang báo giấy, báo điện tử, báo chí đa phương tiện trong và ngoài nước với hàng trăm bài viết, bản tin, hình ảnh sinh động.

“Báo chí góp vai trò rất lớn trong việc tuyên truyền chủ quyền biển đảo. Xu hướng báo chí hiện đại ngày càng nhiều loại hình báo chí tuyên truyền đa dạng dưới nhiều hình thức. Ngoài báo chí trong nước, nguồn tư liệu báo chí nước ngoài của các hãng tin, đài truyền hình lớn của các nước nói về chủ quyền biển đảo Việt Nam cũng được nhà trưng bày sưu tầm. Nhiều tư liệu quý của báo chí Pháp, báo chí nước ta đầu thế kỷ XX nói về Hoàng Sa cũng đã được số hóa tư liệu”.

Ông Lê Tiến Công - Giám đốc Nhà trưng bày Hoàng Sa

“Nhà trưng bày còn sưu tập các tài liệu báo chí trong và ngoài nước, từ các trung tâm lưu trữ thể hiện quá trình quản lý hoạt động của UBND huyện Hoàng Sa từ năm 1997 đến nay với các nghị quyết, các chương trình hoạt động cụ thể… Các hoạt động tuyên truyền đã được thể hiện rõ nét qua báo chí và báo chí cũng chính là nguồn tư liệu để phục vụ tuyên truyền, có vai trò rất quan trọng và có dấu ấn trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể”, ông Công cho biết.

Đơn cử như trong sự kiện tàu Hải Dương 981 tròn 10 năm về trước, báo chí trong và ngoài nước đã thể hiện rất rõ vai trò và hiệu quả tuyên truyền, thể hiện được tính chính nghĩa, ý chí của Việt Nam, của văn hóa và sức mạnh mềm trong tuyên truyền bảo vệ chủ quyền. Hoạt động của nhà trưng bày Hoàng Sa ghi nhận tất cả tư liệu trong và ngoài nước phản ánh quá trình đấu tranh đó cũng như những đóng góp của báo chí trong hoạt động tuyên truyền bảo vệ chủ quyền.

Những trang báo ở Nhà trưng bày Hoàng Sa ảnh 2

Ông Lê Tiến Công và cộng sự sắp xếp xử lý tư liệu báo chí về chủ quyền biển đảo. Ảnh: Nguyễn Thành

Năm 2018, Nhà trưng bày tham mưu UBND huyện Hoàng Sa tổ chức triển lãm tư liệu báo chí về Hoàng Sa, với 300 bài báo tiêu biểu cho các chuyên đề được dư luận đánh giá cao. Hiện nay, Nhà trưng bày vẫn đang tiếp tục sưu tầm các tư liệu báo chí, đặc biệt là giai đoạn hoạt động sôi nổi từ khi ông Đặng Công Ngữ làm Chủ tịch đầu tiên của UBND huyện Hoàng Sa (2009-2014). Chính ông Ngữ là người có công kết nối Nhà trưng bày Hoàng Sa với báo chí và tuyên truyền các hoạt động rất nhiều.

Ông Đặng Công Ngữ nghỉ hưu, đến giai đoạn ông Võ Công Chánh, rồi ông Võ Ngọc Đồng (hiện nay) lần lượt làm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, hoạt động tuyên truyền đã được các cơ quan báo chí “tiếp thêm lửa” với nhiều tin bài về các hoạt động sinh động, ý nghĩa không chỉ trong nước mà còn lan tỏa ra thế giới thông qua các bài viết trên các trang báo giấy, báo điện tử, góp phần khẳng định tiếng nói chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đa dạng nội dung và hình thức tuyên truyền

Bên cạnh các hoạt động trưng bày giới thiệu tại chỗ, Nhà trưng bày Hoàng Sa liên tiếp tổ chức các hoạt động chuyên đề, các cuộc triển lãm lưu động giúp công chúng, nhất là các bạn trẻ có thể tiếp cận thông tin tư liệu chủ quyền biển đảo Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa một cách dễ hiểu nhất.

Những trang báo ở Nhà trưng bày Hoàng Sa ảnh 3

Học sinh tìm hiểu chủ quyền biển đảo ở Nhà trưng bày Hoàng Sa. Ảnh: Nguyễn Thành

Thường mỗi đợt tuyên truyền, triển lãm tư liệu sẽ cơ cấu theo các nhóm khác nhau. Trong đó, sẽ có nhóm tư liệu liên quan đến pháp lý, quá trình thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, nhóm tư liệu liên quan đến văn hóa biển, quá trình sản xuất, vươn khơi bám biển, canh giữ bảo vệ chủ quyền biển đảo…

Để làm không gian phong phú và cách tiếp cận không quá nặng nề khiến người xem nhất là giới trẻ, học sinh nhàm chán, Nhà trưng bày luôn đổi mới để làm đa dạng các hình thức tuyên truyền. Sau mỗi đợt triển lãm, trưng bày sẽ tổng kết và thay đổi các nhóm chủ đề cho phù hợp. Gần đây, Nhà trưng bày cũng đề nghị các cơ sở trường học bổ sung thông tin tài liệu thông qua việc cung cấp các bức tranh vẽ, ký họa của các em học sinh về biển đảo, môi trường biển, văn hóa vùng biển…để việc giới thiệu hấp dẫn, sinh động hơn, phù hợp với lứa tuổi học sinh.

Từ các tài liệu báo chí sưu tầm được, trong hoạt động tuyên truyền Nhà trưng bày cũng đã lồng ghép đưa các hình ảnh tư liệu, các bài viết về biển đảo, chủ quyền vào hoạt động tuyên truyền tại các trường học. Cùng với tư liệu báo chí viết về Hoàng Sa, tranh ảnh học sinh về biển đảo, về truyền thống vươn khơi bám biển, Hải quân bảo vệ chủ quyền… là cách nhẹ nhàng, dễ dàng tiếp cận đối với các bạn trẻ.

Toàn bộ hiện vật, tư liệu sưu tập được Nhà trưng bày Hoàng Sa đã số hóa, đồng thời gắn mã QR code để cung cấp thông tin bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh cho người dân và du khách tham quan. Một góc tầng 3 của nhà trưng bày, trang trọng nhất dành cho khu “Hoàng Sa - Nhân chứng lịch sử” với 31 bức hình các nhân chứng từng có thời gian sống, làm việc ở Hoàng Sa và các hình ảnh hoạt động gặp mặt, giao lưu giữa các nhân chứng. Độc đáo, dưới mỗi bức hình các nhân chứng là các mã QR code nhỏ, chỉ cần du khách dùng điện thoại di động quét qua mã này lập tức sẽ hiển thị nội dung giới thiệu về nhân vật câu chuyện của họ thông qua giọng đọc dạng postcard hoặc video, đoạn phim ngắn nhân chứng kể chuyện Hoàng Sa một thời.

Lãnh đạo Nhà trưng bày cho biết: Anh chị em nhà trưng bày đã thu thập tài liệu lời kể nhân chứng từ báo chí. Đồng thời, trực tiếp đến từng nhân chứng thu âm, ghi hình cẩn thận. Tất cả được xử lý chuyên nghiệp trước khi đưa lên hệ thống. Đây là một hình thức mới, hiện đại, đầy trực quan cho người dân và du khách khi đến tham quan, tìm hiểu về lịch sử chủ quyền biển đảo Việt Nam tại Nhà trưng bày Hoàng Sa.

MỚI - NÓNG