Bộ ba quyền lực sau Kim Jong-un
Mới đây, hãng tin Reuters (Anh) đăng bài viết độc quyền về những người đàn ông đặc biệt đằng sau chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Ba người đàn ông này thường xuất hiện cùng Chủ tịch Kim Jong-un trong các bức ảnh và cảnh quay trên truyền hình của phương tiện truyền thông Triều Tiên.
Họ nằm trong danh sách quan tâm hàng đầu của các cơ quan tình báo và an ninh phương Tây vì họ là những nhân tố chủ chốt trong chương trình hạt nhân và tên lửa của “đất nước bí ẩn nhất thế giới”, theo Reuters.
Họ là Ri Pyong-chol, cựu tướng không quân cấp cao; Kim Jong-sik, nhà khoa học tên lửa kỳ cựu; và Jang Chang-ha, người đứng đầu trung tâm cung ứng và phát triển vũ khí.
Từ những hình ảnh trên phương tiện truyền thông có thể thấy, họ nhận được sự tin nhiệm và yêu quý từ nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên. Họ và ông Kim Jong-un có các hành vi, cử chỉ thân thiết hơn so với các quan chức cấp cao khác như cười, nắm tay hay những cái ôm thân tình…
Reuters tiết lộ, không giống như hầu hết các quan chức khác, hai trong số ba người đã bay cùng với ông Kim trên chiếc máy bay riêng Goshawk-1, được đặt tên theo con chim biểu tượng của Triều Tiên.
Với đảng cầm quyền Bình Nhưỡng, bộ ba cũng bằng cấp quân sự và khoa học là yếu tố cần thiết cho các chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.
“Kim Jong-un đang giữ các chuyên gia kỹ thuật bên cạnh để có thể liên hệ trực tiếp và thúc giục họ đẩy nhanh công việc. Điều này phản ánh sự cấp bách của ông trong việc phát triển tên lửa”, An Chan-il, sĩ quan quân đội Triều Tiên đào ngũ sang Hàn Quốc và đang điều hành một trung tâm tư vấn ở Seoul.
“Kim Jong-un đang đào tạo một thế hệ mới tách biệt với những thân cận của cha ông để lại”, một quan chức Hàn Quốc yêu cầu giấu tên nói với Reuters.
Đệ nhất “sủng thần”
Nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc và Bộ Tài chính Mỹ cho biết, trong ba chuyên gia của ông Kim Jong-un, người nổi bật nhất là ông Ri. Ông Ri (SN 1948) là cựu chỉ huy không quân, từng theo học trường đại học tốt nhất Triều Tiên.
Ông Ri được đào tạo ở Nga, bắt đầu được trọng dụng vào cuối những năm 2000. Hiện, ông Ri giữ chức Phó giám đốc Ban kinh doanh vũ khí thuộc đảng Lao động, chịu trách nhiệm phát triển chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Ông Ri đã đến thăm Trung Quốc 1 lần và Nga 2 lần. Năm 2008, ông gặp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với tư cách là chủ huy không quân. Năm 2011, ông này cũng cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il đến thăm một nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu của Nga.
Ông Kim Jin-moo, chuyên gia phân tích Triều Tiên ở Seoul, nhận xét: “Ri giống như nhân vật trung tâm trong chương trình tên lửa.
Nhà khoa học tên lửa
Kim Jong-sik ban đầu là một kỹ thuật viên hàng không dân dụng. Sau khi được Kim Jong-un trọng dụng, ông này mặc quân phục của một vị tướng tại Ban kinh doanh vũ khí.
Nguồn tin của Reuters cho biết, vai trò của Kim Jong-sik được công nhận sau khi Triều Tiên lần đầu phóng thử thành công tên lửa vào năm 2012.
Đoạn phim trên truyền hình Triều Tiên cho thấy, ông Kim Jong-sik đi cùng nhà lãnh đạo Kim Jong Un trên máy bay riêng để tới bãi thử tên lửa. Khi tới nơi, ông Kim tháp tùng vị chủ tịch trẻ tuổi đi trên thảm đỏ và nhận hoa từ nhiều quan chức khác.
Hiện, tuổi và các thông tin chi tiết về ông vẫn còn chưa rõ.
Người bí ẩn
Trong bộ ba, người được biết đến ít nhất là Jang Chang-ha, Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Quốc phòng Triều Tiên, trước đây có tên là Học viện Khoa học Tự nhiên 2.
Cơ quan này phụ trách nghiên cứu và phát triển hệ thống vũ khí tiên tiến trong nước, bao gồm tên lửa và vũ khí hạt nhân, Bộ Tài chính Mỹ cho biết vào năm 2010 trong quyết định đưa cơ sở này vào danh sách đen. Ông Jang cũng bị liệt vào "danh sách đen" của Bộ Tài chính Mỹ vào tháng 12/2016.
Theo giới truyền thông Hàn Quốc, dưới sự lãnh đạo của Jang, viện này có khoảng 15.000 nhân viên, trong đó có khoảng 3.000 kỹ sư tên lửa.
Reuters trích dẫn nguồn tin cho hay, Kim Jong-sik và Jang Chang-ha không sinh ra từ các gia đình ưu tú, như nhiều nhân vật cấp cao khác trong chính quyền của ông Kim Jong-un. Tuy vậy, cùng với ông Ri Pyong-chol, họ đã được lãnh đạo Triều Tiên lựa chọn.
Michael Madden, một chuyên gia về lãnh đạo Triều Tiên, nhấn mạnh: “Họ là những người đưa chương trình tên lửa của Triều Tiên vào thế kỷ 21”.