Khoảng 7h sáng, cô Phạm Thị Duyên (51 tuổi, quê ở Giao Thủy, Nam Định) đã mở tiệm sửa xe trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP. HC). Nói tiệm cho sang vì vốn dĩ “tiệm” của cô chỉ là chiếc xe đẩy chất đầy đồ nghề từ hơn 20 năm qua đến nay đã gắn bó với cô theo cách mà cô gọi vui là “vật bất ly thân”. Trừ xe tay ga, còn lại không loại xe máy nào cô không biết sửa. Được biết đây là nghề của chồng cô khi vừa vào Sài Gòn. Lúc vợ chồng cô đi, con gái cô mới hơn 10 tuổi được gửi ở quê nhà, thế mà bây giờ cháu ngoại cô đã lên 6. Nén lại nỗi nhớ quê, nhớ cháu, ngày ngày cô vẫn ra góc đường này để kiếm sống bằng nghề sửa chữa xe máy.
Chồng của cô Duyên là thợ sửa xe máy có tiếng ở Nam Định, thế nhưng ở làng quê của cô, xe không có để chạy nói chi đến việc sửa chữa. Vợ chồng cô vào Sài Gòn, ban đầu cô chỉ theo phụ chồng việc lặt vặt, nhưng vì chịu khó cô học được nhiều cách sửa xe, dần dần trở thành “thợ chính” khi nào không hay. Mọi người xung quanh khi xe hỏng đều mang đến cho cô Duyên sửa, cũng bởi quý sự nhiệt thành và chân chất của cô, họ tin tưởng vào tay nghề cũng như chưa bao giờ lo lắng về giá cả. “Tôi thường hay đến đây để nhờ cô Duyên sửa xe, cô là người chịu khó và rất chân thật. Sửa xe chỗ cô tôi không bao giờ hỏi giá trước bởi cô tính giá rất phải chăng và không bao giờ “kể bệnh” của xe như những thợ khác” - chị Nguyễn Thị Hạnh – “mối ruột” của cô Duyên chia sẻ.
Theo cô Duyên, lúc trước còn chồng cô thì kinh tế thoải mái hơn, nhưng bây giờ mỗi ngày cô chỉ kiếm được vài chục đến 100.000 đồng là nhiều, cô chia sẻ: “Cách đây gần 1 năm, chồng cô bệnh rồi qua đời, thấy cô một mình ở xứ người, con cái nhiều lần kêu cô về quê, thế nhưng cô đã gắn bó với nghề này lâu rồi, không làm nữa thì nhớ lắm”.
Cũng như cô Duyên, bà Nguyễn Thị Thắm (65 tuổi, thợ sửa xe ở Q.10) chia sẻ: “Đừng nghĩ đàn bà như tụi tôi không làm được việc nhé, xe kiểu gì tôi cũng sửa được, các anh thợ quanh đây đôi khi còn qua hỏi tôi cách sửa đấy. Lúc trước tôi nhiều “đệ tử” lắm, nhưng các chú ấy khi lành nghề đã ra mở tiệm riêng hết nên tôi vẫn ngồi sửa ở đây”.
Bà Thắm cũng học nghề từ chồng, nhưng bà thành công ở chỗ chịu khó học hỏi. Ngày trước bất kỳ ai sửa xe giỏi bà đều theo học, ban đầu họ nghĩ bà nói chơi, sau đó lại bất ngờ trước sự nghiêm túc và khả năng tiếp thu của bà. Chồng bà khi xưa là chiến sĩ bộ đội, nhưng sau đó ông chuyển qua làm thợ cơ khí, về sau này ông mở tiệm ven đường để sửa chữa và tân trang xe cũ để bán lại.
Khoảng 30 năm trước, ông Trần Văn Đạt (chồng bà Thắm) là thợ phục chế xe, đó lại là thời hưng thịnh của việc mua xe cũ phục chế lại rồi bán như xe mới, một ngày ông bà bán được 5-6 chiếc xe các loại. Bà thấy việc kinh doanh tốt nên cũng học nghề từ chồng để phát triển hơn. Thế nhưng bây giờ việc mua xe cũ phải qua nhiều giai đoạn chuyển nhượng nên bà chỉ sửa xe qua ngày.
Bà Thắm nhìn xa xăm: “Nói là thợ cho sang, chứ bây giờ tôi chỉ vá ép, bơm hơi là nhiều, trai tráng bây giờ họ giỏi lắm, làm lại nhanh. Tôi già rồi, nhiều khi khách lạ họ ngại nên không nhờ sửa, với tay chân chậm chạp họ phiền hà, nên giờ thu nhập cũng chẳng bao nhiêu”.
Tiệm sửa xe của bà Thắm mỗi ngày chỉ vá khoảng 4 chiếc xe.
Trên đường Âu Cơ (Q.Tân Bình) người dân không ai không biết đến tiệm sửa xe của dì Ba, 67 tuổi dì có thâm niên hơn 30 năm vá xe các loại. Từ tiệm vá xe của ba mẹ, dì Ba học được rẩt nhiều công việc của một thợ sửa xe “chính hiệu”. Theo dì, 30 năm trước là "thời hoàng kim" của tiệm sửa xe nhà dì. Ngày trước người ta giao hàng chủ yếu là xe ba gác, xe lam, xe tải nhỏ… thường hay bị thủng xăm, nổ vỏ, dì cùng ba mẹ làm việc hết cống suất cũng không kịp khách.
Bây giờ các loại xe đã tân tiến hơn, xe ba gác bị cấm, xe chở hàng được nâng cấp, cùng con đường ngày một được hoàn thiện khiến tiệm của dì ngày một khó khăn. Tuy nhiên, dì Ba là người lạc quan và yêu nghề hơn bản thân mình, dì chia sẻ: “Đúng là giai đoạn này khó khăn lắm, nhưng tôi không phải là người dễ từ bỏ, đây là nghề mà cha đã truyền lại cho tôi, cũng bằng nghề này tôi nuôi các em khôn lớn, vá xe vừa giúp đỡ gia đình tôi, vừa như người bạn đồng hành trong cuộc đời tôi, vui cũng vá xe, buồn cũng vá xe”.
Nhà dì Ba có 9 người thì 7 người em được dì truyền lại kinh nghiệm thế nhưng ai cũng chỉ dừng lại ở việc vá xe, chỉ duy nhất dì Ba là biết sửa máy. Ngày trước dì là chị lớn trong nhà nên được cha truyền nghề tỉ mỉ, khi cha dì mất, dì trở thành thợ chính trong nhà, khách ở đây rất tin tưởng vào tiệm của dì Ba, vì dì làm kỹ, lại lấy công rất rẻ. Những “mối ruột” của dì nếu không sửa xe cũng thường vào chia sẻ, ủng hộ dì trong ngày ế ẩm. Ông Phan Thành Nghĩa (60 tuổi, ngụ Q.Tân Bình) cho biết: “Dì Ba là người hiền lành, sống vui vẻ, chan hòa với mọi người, từ khi biết tiệm của dì đến nay, khi xe hư là tôi vào đây sửa, phần vì ủng hộ, phần vì tôi đã quen thuộc nơi đây từ 30 năm trước.”
Khi được hỏi dì Ba có thấy mặc cảm không khi người phụ nữ lại làm công việc như một anh thợ, dì Ba điềm tĩnh: “Ngày xưa mấy anh thanh niên cũng hay hỏi tôi câu này, lúc đầu tôi cũng hơi ngượng ngùng, nhưng lâu dần tôi thấy nghề nào cũng được, miễn nó đừng tổn hại tới ai, và có thể nuôi sống gia đình, tôi không ngại với nhiều ánh mắt, tôi chỉ cần biết mình đang làm một công việc chân chính, thì dù là phụ nữ cũng có quyền làm công việc vốn dĩ của đàn ông”.