'Những ô người' Hàng Trống

'Những ô người' Hàng Trống
TP -Một hoa giáp Tiền Phong, không thể không tính đến những cái ô ở Khu tập thể 128 Hàng Trống. Những ô người. Ống người. Các ngăn diện tích vừa đủ kê một chiếc giường một hay giường cá nhân chỗ mỗi phóng viên báo Tiền Phong tại gác 2.

> Làm báo Tiền Phong online: Hành trình đến “báo một ngón tay”
> Cố nhân - hồn vẫn quanh đây!
> Chuyện buồn kể muộn

Khi tôi nhập tịch về Khu tập thể của báo ở 128 Hàng Trống này thì căn gác I của khu nhà đã xôm tụ những căn hộ của các bậc từng khai sơn phá thạch tờ báo Đoàn trên chiến khu Việt Bắc và sau này.

Những bác Tôn Đức Lượng, vợ chồng ông Vũ Quý (Vũ Giang) - Lê Thị Túy, Đinh Văn Duy, Đỗ Văn Thoan, Cao Năm... Báo Đội thì có ông Phong Nhã (tác giả Đội ca, Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn chúng em nhi đồng...), vợ chồng bác Quản Tập... Gọi là căn hộ cho oách chứ mỗi căn chưa đến chục mét vuông mà lèn nhà đông cũng phải 5-6 người. Trên gác 2 thì hộ ông Nguyễn Thanh Dương, Tổng Biên tập Tiền Phong (sau này chuyển sang báo Nhân Dân).

Khu tập thể 128 Hàng Trống. Ảnh: như ý
Khu tập thể 128 Hàng Trống. Ảnh: như ý.

Khu tập thể đông chật này người của chế độ mới lần lượt nhập tịch về từ cuối 1954, nguyên ủy là cái nhà chuyên bán các thứ đồ cũ gọi là nhà tầm tầm. Cũng nghe nói, thời điểm Ngô Đình Diệm bị chính quyền mới lưu giữ, ông Diệm đã từng ở đây ít ngày. Chính quyền đã cố công thu phục vị này ngoặt cuộc đời sang một hướng khác nhưng đã không thành.

Lại nói tiếp trên gác 2 có một phòng ở lớn áp tường với nhà ông Nguyễn Thanh Dương. Khoảng gần 40 mét vuông sàn gỗ lim dành cho những phóng viên độc thân ở. Ông Nguyễn Đình Thiềm, Chánh Văn phòng báo, một ngày mùa hè của năm 1977 đã trực tiếp dẫn tôi lên bảo đây là cái nôi đào tạo nên các thế hệ của tờ báo Đoàn... Sao mà lắm nôi thế? Nhớ bữa trước ông Lê Văn Ba, Trưởng ban Công nghiệp của báo, là thủ trưởng trực tiếp của tôi cũng trịnh trọng rằng Ban đây là cái nôi...

 Bây giờ hình như chả còn thành viên nào của những ô, những ống ấy còn lưu lại ở 128 Hàng Trống? 

Chưa kịp có cảm giác ngán ngẩm mà lấy làm lạ, thậm chí háo hức nữa khi ngó những chiếc giường cá nhân sít sịt nhau, quần áo chăn màn nhiều giường chưa kịp dọn còn bề bộn. Thoáng nhanh cảm giác căn phòng ở các nhà báo này còn luộm thuộm nhếch nhác hơn nơi ở của đám sinh viên chúng tôi nhiều! Nhưng đáng nể là chủ nhân của những món đồ nhếch nhác ấy lại là các... phóng viên nhà báo! Ăn chưa biết thế nào, nhưng ở như thế mà họ làm việc sáng tác được mới là đáng nể?

Ban ngày nếu không đi công tác thì tối hơn 10 giờ khuya, các thành viên lần lượt về tổ. Đầu tiên là phóng viên Ban Quốc tế chuyên tiếng Pháp Diệp Quang Hưởng quê Thái Bình (cũng lạ mấy năm ở cùng phòng nhưng tôi chưa thấy anh Hưởng dùng một câu ngoại ngữ nào?) Anh Hưởng cực ngăn nắp. Giường chiếu cứ gọi là vuông vắn tinh tươm. Người dậy sớm nhất phòng cũng là anh. Nếu không bận mải với ván cờ cùng anh em, Diệp tiên sinh cũng là người đi ngủ trước nhất. Rồi lần lượt những Dương Xuân Nam (Dương Kỳ Anh) bao giờ cũng về cùng Nguyễn Văn Minh.

Hồi ấy có chỉ thị phóng viên báo không được làm thơ viết văn gửi báo khác. Màn bên thi thoảng lại thoảng chất giọng lầm bầm nháp thơ của anh Xuân Nam. Mê làm thơ, nhưng ở phòng làm việc, Dương Kỳ Anh lắm lúc ngồi ngây như tượng những tưởng đang suy nghĩ viết bài kỳ thực tâm trí đang phiêu du đẩu đâu nghe tiếng cửa kẹt giật mình nhỏm dậy đậy cái ngăn kéo. Trong đó đang có những bài thơ viết dở...

Nguyễn Hoàng Sơn thì lặng lẽ hơn, đi cũng như về và việc làm thơ cũng vậy. Có thơ in báo xung quanh mới biết... Phan Cung Việt luôn về muộn nhưng bạo dạn hơn. Có bài nào tâm đắc là anh phát luôn vừa đủ nghe bằng chất giọng miền trong hơi lạ nhưng nghe quen đâm bắt tai lắm (bây giờ mỗi sáng ở công viên 1-6 gần KTT báo ở Ao Phe, gần Ô Chợ Dừa, ngó Phan dậy sớm vẩy tay rất đều có cảm tưởng như Phan vừa mới ở khu tập thể Hàng Trống ra đây?).

Phan có thói quen vẩy tay từ thuở ấy, ngay trong phòng. Hình như suốt 36 năm nay, Phan liên tục vẫy tay như thế? Thuở ấy độc thân. Và nay cũng rứa, dẫu cho gần 40 năm đã vèo qua.

Nhà báo Xuân Ba. Ảnh: Trung Dũng
Nhà báo Xuân Ba. Ảnh: Trung Dũng.

Say món cờ tướng phải kể đến nhà báo Trịnh Minh Hỗ. Anh Hỗ thường đấu cờ với anh Hưởng. Tôi không thạo món này nên chẳng biết ai cao cờ hơn? Lắm đêm, hai lão còn dìu nhau ra sân... Ngủ được một giấc còn mơ hồ tiếng quân cờ thoảng nhẹ mà vẫn chí chát.

Sau này chuyển về Viện Triết, Hỗ vẫn sang Tiền Phong tỷ thí với Hưởng. Ông anh ruột của Minh Hỗ, anh Huấn cũng mê cờ. Anh Huấn khi đó ở bộ đội về đang học Trường Y, ở cùng với ông em trong khu TT. Tính điềm đạm, nhỏ nhẻ. Anh Huấn có cái hòm gỗ thông to đùng. Tôi biết trong đó có những thứ báu vật. Đầu tiên là nồi cá kho mặn đứt lưỡi và mỳ sợi. Biết tôi háu đói, có đêm thắng cờ, anh Huấn hào phóng bảo đói thì lấy mì nấu mà ăn. Một vật bất ly thân nữa là anh luôn kè kè cuốn từ điển tiếng Anh dầy cộp. Có lẽ nhờ những chỉn chu, mực thước như thế mà sau này anh Huấn lần lượt ở các cương vị Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ rồi Thứ trưởng Bộ Y tế.

Bốn ông trong phòng có gia đình là ông Lưu Quang Huyền, ông Lê Tiến Độ, Diệp Quang Hưởng và Đào Quản. Vợ các anh công tác ở xa hoặc quê nên những sự thăm hỏi gặp gỡ này khác của họ, cánh độc thân chúng tôi suốt ngày ở cơ quan hay đi công tác ít dịp được chứng kiến... Nhưng cũng may? Bởi nếu có thấy thì tinh những nhếch nhác buồn thời bao cấp khốn khó!

Lại nữa, bây giờ có mà ngủ khối bởi căn phòng đông chật thuở ấy đêm đêm lại rền vang các cung bậc của sự... ngáy! Hùng vĩ nhất có lẽ là chất ngáy của ông Đào Quản. Ấn tượng nữa là ông bác Lưu Quang Huyền. Rồi mới đến nhà báo Thanh Hữu, Trưởng ban Bạn đọc (cầu mong anh đại xá và linh hồn anh che chở cho anh em chúng tôi). Nhưng ấy là khi thức chứ hồi đó cánh chúng tôi được cái dễ ngủ. Có hãi, có giật mình chăng là ở tầm tuổi này những giường êm nệm ấm, toa lét kề bên chợt thảng thốt nghĩ lại cái thời sít sịt nhau, tầng dưới tầng trên mỗi sáng hơn trăm người già trẻ nhớn bé chờ nhau hai hố xổm WC.

Độ non mươi năm, những cái ô sít sịt ấy đã nhường chỗ cho 5 cái ô thưng bằng cót ép. Số là anh em phóng viên người lấy vợ, người tình nguyện nằm bàn cơ quan nhường chỗ cho số có vợ mới chuyển về Hà Nội trong đó có tôi nên mới nảy ra diện tích khoảng hơn 6 mét vuông cho mỗi ô.

Cái ô đầu tiên là vợ chồng nhà văn Lê Minh Khuê. Cả hai tính tình cùng thơm thảo nên nhà ấy là ngân hàng của tôi. Bởi vay chị Khuê rất dễ nên đỡ hẳn khoản nợ tiền rượu quán bà Mộc sát báo Nhân Dân mà tôi thường mua chịu. Ô thứ hai là nhà báo Lưu Quang Huyền.

Ông Huyền là một trong mấy anh em ở báo Tiền Phong đi B như Sơn Tùng, Phạm Hậu, Tâm Tâm... tăng cường cho Đoàn TNNDCM miền Nam để ra tờ Thanh Niên. Ông Huyền thời gian ở chiến trường nhiễm chất độc da cam đau yếu nhưng tính rộng rãi, ăn to nói lớn.

Mỗi khi về khu TT, gặp chị Khuê đứng nánh bên cầu thang với cái cười cam chịu Lại có ngày hội non sông... Nghe chưa hết cả hai phá lên cười. Hội non sông là cụm từ chúng tôi quy ước với nhau mỗi khi nhà ông Huyền có khách quê ra. Muốn kiếm chút yên tĩnh thì phải tạm lánh đi. Bộc trực, thẳng thắn, hồn nhiên...

Có lẽ những tính cách ấy được sử dụng ở khu vực ô, ống này không hợp? Cứ suy từ cái ngăn cái ô nhà tôi ra thì biết. Cũng oang oang ồn ào chả kém. Một dạo có ông bác tôi trong quê ra chữa mắt. Tội nghiệp cho ông già, đương đêm hôm mà mắt kém phải lọ mọ dò dẫm qua cái cầu thang gỗ chênh vênh để xuống tầng một đi tiểu nên vợ tôi phải sắm cái bô.

Đêm ấy tôi thấy bị cấu đau điếng. Lồm cồm ngồi dậy theo hướng chỉ của vợ thì thấy ông bác đang vắt vẻo ngự trên bậc ô cửa sổ trổ ra Hồ Gươm hồn nhiên làm cái việc bài tiết. Tôi toát mồ hôi hột hiểu ý vợ, nếu bây giờ bất thần kêu lên, ông già giật mình lộn cổ ngay xuống đường. Đành lại gần, đợi xong, đỡ cụ xuống... Đương khuya mà tiếng cười lan khắp 5 cái ô khi ông già nói như chữa thẹn chả biết các anh các chị ăn bạc thước hay răng mà sống trong cái ống ni được...

Cái ống kề ô tôi là mấy ông độc thân, khi thì bác Lê Tiến Độ khi thì Nguyễn Văn Minh và nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn. Hồi ông Minh mới lấy vợ lấy cái ống này làm tuần trăng mật. Khi lên Phó tổng mới chuyển.

Ngăn cuối cùng là chất liệu để cấu thành dung lượng của một cuốn phim dài hoặc một cuốn tiểu thuyết tày tặn? Chao ôi là cái ống của bác Đào Quản.

Kỳ diệu thay cho sự sống! Rằng người ta sống được cũng không phải là khó lắm? Khúc nhôi này có lẽ bác Đào Quản phải viết tự truyện để thiên hạ tường thêm, 2 vợ chồng nuôi 3 cô con gái lít nhít và sinh hạ thêm một đứa gái nữa trong căn phòng hơn 6 mét vuông. Khu nhà ấy mà người trở mình đầu ống, cuối ô cuối ống còn rõ mồn một?

Bây giờ hình như chả còn thành viên nào của những ô, những ống ấy còn lưu lại ở 128 Hàng Trống?

Xin vong linh ông bác ngày nào vắt vẻo trên cửa sổ ngó ra hồ Trả Gươm chứng cho. Chúng cháu không ăn bạc thước mà chúng cháu làm ở báo Tiền Phong một thời với bao kỷ niệm mà chẳng dễ chi mờ nhòe cho được. Bởi khu tập thể với những ô những ống như một lát cắt mà soi lên khắc thấy khúc nhôi của một hoa giáp Tiền Phong?

Mà còn của một thuở, một thời Hà Nội lam lũ?

Chót thu 2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
Trấn Thành, Thu Minh đều bị chê
TPO - Nhận xét về ca sĩ Phạm Anh Duy, cả Thu Minh và Trấn Thành bị khán giả chỉ trích miệt thị ngoại hình đàn em. Trong tập 12 "Bài hát của chúng ta", bốn gương mặt nghệ sĩ phải nói lời chia tay với chương trình.