Những nữ Quân y trên tuyến đầu chống dịch, Kỳ 1: 'Trận đánh lớn' đầu tiên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong cuộc chiến với COVID-19, cùng với hàng vạn quân nhân trực tiếp xung phong ra tuyến đầu, hàng trăm nữ quân nhân ở Học viện Quân y, trong đó có nhiều nữ học viên tuổi đôi mươi đã tình nguyện vào các tâm dịch bằng mệnh lệnh trái tim cùng lời thề Hippocrates thiêng liêng.

Hai chị em cùng đi chống dịch

Đều theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa ở Học viện Quân y, hai chị em ruột là Thượng sĩ Nguyễn Hà Anh (lớp 50B, Hệ 4) và Thượng sĩ Nguyễn Hà My (lớp 51A, Hệ 2) đã viết nên câu chuyện đẹp về sự dấn thân của những người trẻ trong đại dịch.

Tháng 8/2021, Bộ Quốc phòng lệnh cho Học viện Quân y cấp tốc triển khai lực lượng vào TPHCM và các tỉnh phía Nam trực tiếp tham gia chống dịch và hỗ trợ các địa phương. Mặc dù không có tên trong đội hình chi viện khi Học viện lập danh sách đoàn công tác, Hà Anh và Hà My đã viết đơn xung phong tình nguyện lên đường và xác định đây là “trận đánh lớn” đầu tiên của họ trong hành trình thực hiện sứ mệnh của những người lính mang biểu tượng hồng thập tự trên ve áo quân nhân.

Những nữ Quân y trên tuyến đầu chống dịch, Kỳ 1: 'Trận đánh lớn' đầu tiên ảnh 1

Thượng sĩ Nguyễn Hà Anh (bên phải) tại lễ xuất quân vào Nam chống dịch, ngày 23/8

Hà Anh nhớ lại: “Khi đó, Học viện đang chuẩn bị tổ chức cuộc thi Olympic tiếng Anh. Tôi được giao nhiệm vụ làm MC và Hà My là thành viên Ban cố vấn của cuộc thi này. Nhưng hai chị em tôi xin nhà trường đổi người để được trở thành những người lính xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Hà My lên đường trong đợt xuất quân đầu tiên của Học viện Quân y vào ngày 21/8 và tham gia chống dịch tại quận Tân Bình. Sau đó hai ngày, tôi cũng lên đường vào TPHCM”.

Với vai trò nhân viên y tế tại Trạm y tế lưu động - lực lượng phản ứng nhanh có mặt tại khắp các phường, quận ở TPHCM trong những ngày dịch bệnh leo thang căng thẳng nhất, khoảng thời gian gần 3 tháng miệt mài thực hiện nhiệm vụ để lại trong tâm trí Hà Anh những ký ức khó quên cùng những trải nghiệm thấm đẫm nghĩa đồng bào.

“Với người lính quân y chúng tôi, bất cứ nơi nào nhân dân cần là chúng tôi có mặt, bất cứ lúc nào đất nước gọi thì chúng tôi sẵn sàng. Và tôi đã mang theo tinh thần dâng hiến ấy trong hành trang khi nhận nhiệm vụ chống dịch tại TPHCM”.

Thượng sĩ Nguyễn Hà Anh

Hà Anh kể: Hôm đó, khi đang thực hiện nhiệm vụ tại phường 14 ở quận Bình Thạnh, tôi nhận được cuộc gọi cấp cứu vào lúc 6 giờ sáng. Giọng nói gấp gáp của người nhà bệnh nhân F0 khẩn khoản nhờ chúng tôi đến cấp cứu ngay khiến tôi cũng hoang mang. Nhanh chóng trấn tĩnh, tôi vội mặc đồ bảo hộ và lên xe đi tới địa điểm được người dân cung cấp. Do chưa hiểu biết về địa hình nên tôi không nhận ra địa chỉ này nằm ở phường 4 cũng thuộc quận Bình Thạnh. Trên xe, tôi cố gắng liên lạc với Trạm y tế ở phường 4 nhờ chỉ đường và giữ liên lạc qua điện thoại để hướng dẫn người dân tự tập thở cho người nhà, đồng thời trấn an rằng chúng tôi sẽ sớm đến với họ.

“Nhưng ngay khi đến nơi, lập tức tôi gặp một vấn đề khác. Nhà của bệnh nhân F0 rất nhỏ và đang được cách ly trên lầu 2 của căn nhà. Đồng chí nam dân quân đi cùng tôi không kịp mặc đồ bảo hộ, vì thế tôi quyết định tự mình bê bình oxy lên để cấp cứu cho bệnh nhân, dù rất nặng so với thể lực của mình. May mắn là tôi đã kịp thời thực hiện đánh giá và cho bệnh nhân thở oxy cho đến khi có đội y tế của phường 4 đến tiếp nhận”, Hà Anh nói.

Hoàn thành nhiệm vụ với Nhân dân

Những nữ Quân y trên tuyến đầu chống dịch, Kỳ 1: 'Trận đánh lớn' đầu tiên ảnh 2

Thượng sỹ Nguyễn Thị Duyên thăm khám cho một em nhỏ là F0 ở TPHCM

Là một trong những điển hình của phụ nữ Học viện Quân y đi dự Đại hội Phụ nữ Quân đội lần thứ VII vừa diễn ra tại Hà Nội, Thượng sỹ Nguyễn Thị Duyên (học viên lớp 51B, Hệ 2) đã tham gia đoàn gần 1.000 cán bộ, học viên đi chi viện cho miền Nam vào ngày 23/8. Trong những đợt dịch trước đó, Duyên và rất nhiều bạn học đã viết đơn tình nguyện nhưng do tình hình vẫn trong tầm kiểm soát nên chưa được tham gia.

“Chúng tôi vừa đi học trên giảng đường về ký túc xá thì có lệnh lên đường. Thời gian gấp gáp, tôi và đồng đội chỉ kịp khẩn trương chuẩn bị quần áo và tư trang cần thiết. Mỗi bạn đều viết quyết tâm thư, với tinh thần thực hiện tốt nhất nhiệm vụ được giao. Biết tin tôi vào Nam, gia đình rất lo lắng vì sợ con gái chân yếu tay mềm cùng nguy cơ lây nhiễm. Nhưng là một chiến sĩ quân y, tôi đủ tự tin về các kiến thức đã được học và hiểu rõ về virus SARS-CoV-2 nên đã thuyết phục được bố mẹ yên tâm”, Thượng sĩ Duyên nói.

Tại TPHCM, Duyên cùng hai đồng đội được phân công về xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh để thành lập Tổ quân y lưu động.

Những ngày đầu tới xã An Phú Tây, Duyên và các bạn khá “sốc” khi thấy tỉ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 rất đông, có ngày lên tới cả trăm bệnh nhân mắc mới, trong khi Tổ quân y lại chỉ có 3 người. Khối lượng công việc nhiều khiến Duyên có lúc bị đuối sức bởi những lần đi lấy mẫu cộng đồng phải mặc đồ bảo hộ kín mít và nóng nực từ sáng đến tận 1 giờ chiều. Nhiều lúc đói, khát nước cô cùng đồng đội cũng phải cố nhịn để hoàn thành nốt công việc...

“Trang bị phòng hộ được cấp phát trước khi vào miền Nam. Sau đó Học viện gửi từng đợt hỗ trợ thêm vào. Mặc dù không được thoải mái sử dụng, nhưng chúng tôi cũng không phải thiếu thốn trang bị phòng hộ, nhiều lúc đồ phòng hộ mới chưa kịp chuyển đến thì chúng tôi cũng vận dụng tái sử dụng một số thứ”, Duyên nói.

Kỷ niệm mà Duyên nhớ mãi là ngày 14/9, một bệnh nhân 49 tuổi thấy mình có triệu chứng sốt, chảy nước mũi đã gọi điện thông báo tình trạng và xin test. Tổ quân y đến nhà test nhanh cho bệnh nhân cho kết quả dương tính với COVID-19, sau đó làm xét nghiệm cho cả nhà thì đều mắc bệnh. Khi đó, bệnh nhân và hai người con đều có biểu hiện hoảng loạn, sợ hãi quá mức.

Để kịp thời trấn an tinh thần cho gia đình bệnh nhân, bằng kiến thức đã học và các số liệu nghiên cứu đã công bố ở thời điểm đó, Duyên ôn tồn giải thích những vấn đề bệnh nhân thắc mắc và đưa ra số liệu khả quan về những bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh rồi hướng dẫn cả gia đình uống thuốc, ăn uống, vệ sinh nhà cửa…

“Hằng ngày, tôi đều gọi điện vào buổi sáng và buổi chiều để theo dõi tình hình sức khỏe của gia đình bác ấy để giúp họ dần ổn định tâm lý và tích cực thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe. 14 ngày sau, cả nhà đã khỏi bệnh và trở về cuộc sống bình thường. Bác ấy vẫn hay gọi điện tâm sự và cảm ơn khiến tôi rất vui vì đã hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân giao phó”, Duyên kể.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG