Những người xông đất địa đạo Củ Chi

Những người xông đất địa đạo Củ Chi
TP - Trong bảng xếp hạng 10 đường hầm hấp dẫn nhất thế giới do tạp chí nổi tiếng National Geographic bình chọn có địa đạo Củ Chi của Việt Nam. Nhiều du khách nước ngoài đã vượt hàng vạn dặm tới Củ Chi, để “hóa thân” thành người lính quân giải phóng nếm trải những cảm giác của cuộc chiến tranh ngay trong ngày Tết.

> 'Kiệt tác quân sự' Việt Nam khiến thế giới choáng váng

Củ Chi Tết Quý Tỵ 2013. Quốc, nhân viên hướng dẫn đưa gần hai chục khách Nhật vào hầm. Họ là những người đã đứng tuổi, từng nghe nhiều về cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Trong dịp nghỉ Tết mặt trăng, họ đã chọn Việt Nam làm điểm nghỉ ngơi và ăn Tết. Mỗi người có một cái máy ảnh. Chụp lia lịa. Liên tục hỏi hướng dẫn viên. Quốc nói: “Bọn em đưa khách xuống đây, không nghỉ Tết ngày nào”.

250 km đường hầm nằm sâu dưới lòng đất bí mật che chở cho những người dân chiến đấu chống lại vô số máy bay, bom đạn, nơi chỉ cách Sài Gòn 60 km rất hút khách. Quốc nói: “Khách đang tò mò hỏi xem lỗ thông hơi ở đâu”. Quốc dẫn họ đến một ụ mối, nơi có lỗ thông hơi bé như cái hang cua.

Những cánh rừng gần như nguyên sinh bao bọc lấy mảnh đất khô cằn. Ít ai ngờ một hệ thống đường hầm chằng chịt nằm sâu dưới lòng đất, có chỗ nằm dưới 8 m. Những nắp hầm bé xíu được bật lên rất bất ngờ.

Một đoàn khách Mỹ, còn khá trẻ, chui xuống hầm để chụp ảnh. Họ vui vẻ kêu lên: “Chụp đi, chụp đi”. Ai đó bảo: “Chúc may mắn”. Cửa hầm sập xuống. Lá cây được phủ kín. Lát sau, anh chàng Mỹ nhô lên, thở, vui vẻ bảo: “Tối quá!”. Chiếc hầm cá nhân chỉ đủ lọt một người với một khẩu súng.

Hệ thống hầm ngầm Củ Chi được xây dựng từ năm 1946 trên vùng đất có tinh thần cách mạng kiên cường. Con người ta được tôi rèn trong sự khắc nghiệt của vùng đất hiếm nước ngọt. Các đường hầm được đào thêm, theo tháng năm và sự khắc nghiệt của chiến tranh, cuối cùng nó có tổng chiều dài lên tới 250 cây số.

Một thống kê cho biết trên toàn chiến trường Củ Chi có trên 50.000 chiến sĩ ngã xuống, trong đó có 34.063 liệt sĩ sinh ra và lớn lên trên đất Sài Gòn. Đền Bến Dược ở khu địa đạo lưu danh 44.357 anh hùng liệt sĩ, nhưng vẫn còn không ít người vô danh.

Bài văn bia tại đền Bến Dược ghi: “Chiến thắng lớn từ hy sinh to lớn. Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường? Con của mẹ ra đi không bao giờ trở lại, mẹ khóc mỗi hoàng hôn...” . Con số thống kê cũng cho biết phía bên kia mặt trận có khoảng 20.000 lính - sĩ quan Mỹ và Việt Nam Cộng hòa chết trên các miệng hầm bí mật.

Các du khách nước ngoài thường hỏi: “Sống trong đường hầm bí mật như thế, vậy nhà vệ sinh ở đâu?”. Nhà vệ sinh cũng là điều bí mật. Du khách kể với nhau rằng một cựu binh Mỹ nói có lần họ phục kích ở ven sông, lúc thủy triều lên. Họ nghĩ rằng Việt Cộng sẽ rời hầm đi vệ sinh. Nhưng không ngờ chính những người lính Mỹ ấy lại bị phục kích và họ phải rút quân.

Cùng nâng nòng pháo
Cùng nâng nòng pháo.

Cuộc sống khắc nghiệt ở địa đạo Củ Chi thu hút hơn những công trình tráng lệ. Thống kê trong một năm, di tích dinh Độc Lập, công trình kiến trúc lớn nhất miền Nam, có gần 780.000 lượt khách... trong khi đó khách tới tham quan địa đạo Củ Chi lên tới hơn 1,26 triệu lượt.

Đoàn du khách Nhật kéo nhau chui qua một đoạn hầm ngầm chừng hơn chục mét. Đoàn khách Mỹ có vài người quay lui và chỉ dám đi trên mặt đất. Một thanh niên Mỹ nói với tôi rằng anh sợ bị kẹt lại vì đường hầm quá nhỏ với anh. Một người khác sợ bị lạc trong lòng đất!

Du khách đứng bên miệng hầm xem lại những bức ảnh chụp trong hầm tối. Người ta nói với nhau rằng chụp ảnh trong hầm Củ Chi không phải dễ. Hầm chật, quanh co, khá ẩm thấp. Nhiều máy ảnh kỹ thuật số mà chụp không rõ hình, không bấm máy được. Vài người nói rằng họ chụp được ai đó lướt đi trong hầm, mặc áo xanh lá cây, nhưng không rõ mặt.

Không khí đậm đặc của đất trời mùa xuân đón người chui hầm khi họ vừa rời khỏi địa đạo. Du khách đứng bên miệng hầm xem lại những bức ảnh chụp trong hầm tối. Người ta nói với nhau rằng chụp ảnh trong hầm Củ Chi không phải dễ. Hầm chật, quanh co, khá ẩm thấp. Nhiều máy hình số mà chụp không rõ hình, không bấm máy được.

Vài người nói rằng họ chụp được ai đó lướt đi trong hầm, nhưng không rõ mặt, mặc áo xanh lá cây. Khi xem kỹ, đó là khách của đoàn khác phía trước. Những cuộc trò chuyện như thế khiến hành trình khám phá Củ Chi thêm sôi nổi.

Khi vượt qua được những đường hầm, dường như ai cũng tự tin hơn. Hai nữ du khách Đài Loan đã thể hiện sức mạnh của mình bằng việc nâng nòng chiếc xe tăng đã bị bắn hỏng. Các đoàn khách cũng “cử tạ” bằng nòng xe tăng. “Chúng tôi đã thành công”- hai nữ du khách Đài Loan rất phấn khích khi lay chuyển một phần chiếc xe tăng đã gục xuống sau trận chiến năm nào.

“Tôi đã học làm người lính ở Củ Chi bằng việc bắn súng AK47” - một du khách cho biết. Những tiếng súng vẫn vang lên hàng ngày ở Củ Chi. Tiếng súng ở trường bắn dành cho du khách. Mỗi viên đạn được bán với giá chừng 40.000 đồng. Một dây đạn 10 viên. Khách chỉ bắn trong vài phút đã hết sạch đạn. Sự hao tổn của chiến tranh.

Một du khách nói: “Một ngày có 3.000 khách bắn súng thôi, doanh số sẽ đạt 1 tỷ đồng”. Một người khác lại bảo: “Vậy các anh không tính tiền khu di tích này phải mua đạn hay sao? Đạn thật 100% đấy!”.

Anh Sổ, nhân viên ở quầy bán đạn nói, mỗi ngày có mấy trăm khách bắn súng. Họ thích bắn súng tiểu liên M16 vì khẩu này nom đẹp hơn khẩu súng máy M30. Giá đạn M16 đắt hơn đạn súng máy 5.000 đồng mỗi viên.

“Có khách bắn tới 50 viên mới thôi” - anh Sổ nói - “Mấy chục năm nhưng đạn vẫn nổ đều mà không lép”. Chiến tranh đã xảy ra với đủ mọi thứ đạn dược tối tân. Anh trai của anh Sổ hi sinh bởi trúng đạn pháo khi anh rời hầm lên dự một cuộc mít tinh. “Khá nhiều người trúng đạn pháo trong ngày hôm đó” - anh Sổ nói với tôi.

Quán nước miễn phí
Quán nước miễn phí.

Chui hầm, leo dốc, bắn súng, cuối cùng đoàn khách của Mỹ dừng lại trong lều căng tin. Trong đoàn có một cô gái Hàn Quốc và bạn trai người Mỹ thường trò chuyện với nhau. Họ là sinh viên. Chàng trai Mỹ về thăm quê bạn gái và cả hai sang Việt Nam du lịch. Sino, một nữ du khách Brunei đi xe lăn cũng vừa ghé tới. Cô nói cô rất vui khi đến được Củ Chi cùng chị mình.

Nơi cửa rừng, một bữa ăn miễn phí dọn ra, gợi nhớ những quán quân nhân phục vụ một thời dọc các con đường hành quân với những người mẹ già không quản bom đạn tiễn các con đi không hẹn cụ thể ngày trở về.

Bữa cơm chiều đạm bạc bên những chiếc bàn gỗ đã sờn, có sắn luộc chấm muối vừng. Nước chè rót ra chiếc chén cũ. Các du khách ăn sắn, trầm trồ. Cái đói được đẩy lui bằng thứ lương thực đặc trưng của vùng đất đồi khô cằn Củ Chi. Cẩm Tú, cô chủ quán mặc áo bà ba đen, cho biết cô cùng các đồng nghiệp ở khu di tích “làm việc xuyên Tết”.

Thậm chí cô bảo hôm mồng một Tết “khách đến cùng lúc và rất đông. Khách từ mấy chục nước khác nhau nên chúng em không biết đoàn nào, người nào đã xông đất cho địa đạo năm nay”.

2 - 2013

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG