Những người lính thầm lặng bên Đại tướng

Những người lính thầm lặng bên Đại tướng
TP - Một ngày sau khi Đại tướng đi xa, chiếc xe nhà binh của Đoàn cận vệ thép (Lữ đoàn 144 - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam) đưa chúng tôi đến hai địa điểm đặc biệt là tư gia Đại tướng ở phố Hoàng Diệu và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - nơi Đại tướng điều trị những năm tháng cuối đời.

> Đại tướng thần tượng của giới trẻ
> Đại tướng thương nhất người lính

Tại hai nơi này, những người lính cận vệ đang nén chặt nỗi đau để thực hiện những nhiệm vụ như lúc người chưa đi xa.

Những không gian tiễn biệt

Đến Lữ đoàn 144 là đến một chốn cũ, nơi chúng tôi đã nhiều lần tác nghiệp. Sự chính quy, cẩn trọng trong công việc, nhưng cũng không thiếu tác phong trẻ trung, lịch thiệp và tươi vui là cảm nhận chung về những người lính nơi đây. Hôm nay, trong những cái bắt tay gặp lại, trong những ánh mắt hơn một lần tiếp chạm, trong những câu chuyện, tất thảy đều nhận thấy nỗi buồn len lỏi. Chúng tôi - những phóng viên, các anh - những người lính cận vệ và hàng triệu người dân Việt đều đang trải qua một nỗi đau, một mất mát, cùng chung một mối giao cảm...

Số 1B Nguyễn Tri Phương, nơi Lữ đoàn 144 đóng đại bản doanh, những ngày này, tính kỉ luật của môi trường nhà binh vẫn bất biến, chỉ sự trẻ trung, tươi vui là nhường chỗ cho trầm mặc, lặng lẽ. Những câu chuyện không còn rổn rảng, tiếng hô, tiếng bước chân của những người lính tập trung đội hình chuẩn bị đi đổi gác cũng chẳng rộn rã như thường ngày. Khu nhà ở, trên các hành lang dẫn đến không gian sinh hoạt của người lính, không thấy lời ca, tiếng hát, những tiếng cười thường nhật...

Chiến sĩ Trần Thế Thanh đứng gác trước nhà Đại tướng ở phố Hoàng Diệu, chiều 5/10
Chiến sĩ Trần Thế Thanh đứng gác trước nhà Đại tướng ở phố Hoàng Diệu, chiều 5/10.

Không gian trầm lặng ấy vẹn theo chúng tôi đến số 30 Hoàng Diệu, nơi Đại tướng, người thân sinh sống và Bệnh viện 108, nơi Đại tướng trải qua những ngày cuối đời trên giường bệnh. Tiếp xúc trực tiếp với những người lính làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho Đại tướng tại các địa điểm trên, không khó để nhận ra sự hiện hữu của nỗi buồn trên gương mặt cán bộ, chiến sĩ nơi đây, với những ánh nhìn xa xôi, những giọt nước mắt...

Hơn mười giờ tối ngày 5/10, bên kia đường, đối diện số 30 Hoàng Diệu, người dân đứng chật kín trên vỉa hè... Nhân dân đến đây, trước ngôi nhà này, nơi lưu giữ không gian sống và những gì thân thương nhất gắn với cuộc đời Đại tướng, như kiếm tìm sự đồng vọng của niềm thương tiếc, nỗi xót xa. Hà Nội sẽ thao thức những đêm dài trước một vĩ nhân đã đi vào cõi vĩnh hằng, để lại cho lịch sử những trận đánh lẫy lừng, vượt lên mọi không gian và thời gian…

Binh nhất Trần Thế Thanh (chiến sĩ thuộc Tiểu đội 18, Trung đội 8, Đại đội 2, Tiểu đoàn Cảnh vệ 1) - người lính gác ở cổng ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu, lặng đi một hồi mới thốt được nên lời khi nói về Đại tướng. Anh bàng hoàng, buồn thương và tiếc nuối khi nghe tin bác ra đi. Anh cũng không quên được cái ngày cách đây chừng 2 tháng, khi được đơn vị giao nhiệm vụ cùng đồng đội canh gác nhà Đại tướng. Với anh, đó là sự vinh dự và tự hào, dù chưa một lần được gặp Đại tướng. Thanh xót xa vì anh sẽ không bao giờ có cơ hội được tận mắt thấy vị tướng huyền thoại ấy sải bước trên khoảng sân rộng của căn nhà này.

Anh Công, một người lính công vụ của Đại tướng nhiều năm nay, thân thiện khi tiếp xúc với chúng tôi. Anh nói về Đại tướng với sự thành kính vô hạn. Trên đường đến đến Bệnh viện 108, Thiếu tá Đồng Quang Việt- Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 144 và Thiếu tá Nguyễn Huy Du - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh vệ 1 cùng chung nhận xét là anh Công gầy đi nhanh quá. Nỗi đau trong anh, anh chưa diễn đạt với chúng tôi thành lời...

Và không gian đặc quánh trầm mặc, ưu tư lan tỏa từ Lữ đoàn 144 đến không gian các chiến sĩ cảnh vệ của Lữ đoàn làm nhiệm vụ, như một nén tâm hương kính cẩn dâng lên con người lỗi lạc của dân tộc, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1.559 ngày và 18.708 ca gác

Những ngày Đại tướng mệt và nằm điều trị tại nhà A11 (nơi điều trị sức khỏe cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước) của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bên cạnh những giáo sư, bác sĩ làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho Đại tướng, còn có những người lính ở Đoàn cận vệ thép từng giờ, từng phút âm thầm bảo vệ nơi này.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp phóng viên Tiền Phong trong thời gian điều trị bệnh tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 năm 2008. ẢNH: HồNG VĨNH
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp phóng viên Tiền Phong trong thời gian điều trị bệnh tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 năm 2008. ẢNH: HồNG VĨNH .

Cuộc trò chuyện với Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Tiến Ngành (Trung đội trưởng Trung đội 4, Đại đội 4, Tiểu đoàn Cảnh vệ 1 - đơn vị làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Đại tướng tại Bệnh viện 108) liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng khóc của anh.

Thiếu tá Ngành là người trực tiếp theo dõi nhịp tim của Đại tướng qua một phòng cách ly. Thời khắc trái tim Đại tướng ngừng đập, cả Khoa điều trị đặc biệt ầm vang tiếng khóc, chỉ mình anh đứng chết lặng, tuyệt không một giọt nước mắt rơi. Nhưng lúc này đây, chứng kiến anh òa khóc nức nở, chúng tôi hiểu rằng khi nhịp tim Đại tướng dừng lại, ở anh là sự chết lặng của nỗi đau, mọi giác quan tê liệt và nước mắt chẳng thể trào cho đến phút giây bình tâm này.

Anh và đồng đội bảo vệ, yêu thương và lo lắng cho sức khỏe của Đại tướng bằng những tình cảm thiêng liêng nhất. Thứ tình cảm ấy không đơn thuần là hệ quả của sự ngưỡng vọng một bậc vĩ nhân với những chiến công hiển hách mà còn là sự bồi đắp từ quá trình được gặp gỡ, tiếp xúc hằng ngày với vị tướng của nhân dân.

Và chỉ một chi tiết thôi cũng đủ nói lên niềm kính yêu vô hạn của những người lính cận vệ có vinh dự thay mặt cho toàn quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đại tướng, đó là các anh đều nhớ chính xác tổng số ngày Đại tướng nằm viện kể từ năm 2009 đến ngày ông mất là 1.559 ngày. Con số hơn 1.500 ngày ấy, đồng nghĩa với 18.708 ca gác và vô vàn những lo lắng, thương yêu mà các anh dành cho Đại tướng.

Qua lời kể của thiếu tá Ngành, hình ảnh Đại tướng hiện lên quá đỗi bình dị, gần gũi và thân thương. Thiếu tá Ngành cho biết, anh nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện 108 từ năm 2005, giai đoạn 2005-2009, Đại tướng thỉnh thoảng vào viện. Những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giai đoạn trên, cán bộ, chiến sĩ luôn nhận được sự quan tâm ân cần của Đại tướng, từ những điều nhỏ nhất như việc ăn ở, sinh hoạt, cuộc sống thường ngày. Năm 2009, Đại tướng nằm viện thường xuyên hơn, lúc còn khỏe, Đại tướng vẫn luôn hỏi thăm cuộc sống của anh em.

Năm 2010, một đơn vị biếu Đại tướng một bức tranh cát khổ lớn khắc họa chân dung Đại tướng, 4 chiến sĩ cảnh vệ ở nhà A11 có nhiệm vụ khiêng bức tranh lên phòng khách của Đại tướng ở Bệnh viện đều được Đại tướng thân mật hỏi tên từng người.

Sau đó, Đại tướng mời cả tiểu đội làm nhiệm vụ ở nhà A11 lên chụp ảnh lưu niệm. Đến tận bây giờ, thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Đồng Văn Quyền, Tiểu đội trưởng Tiểu đội cảnh vệ bảo vệ mục tiêu nhà A11, vẫn không thể quên được cảm giác hạnh phúc và vinh dự lúc ấy, bởi đó là lần đầu tiên anh và các chiến sĩ được ở gần Đại tướng nhất.

Cũng tại Bệnh viện 108, những chiến sĩ cảnh vệ của Lữ đoàn 144 đã cùng trải qua những cung bậc cảm xúc trước diễn tiến bệnh tình của Đại tướng. Từ niềm vui khi nghe tin Đại tướng khỏe hơn đến nỗi buồn, sự lo lắng khi tình hình sức khỏe Đại tướng xấu đi.

Những lần sức khỏe Đại tướng diễn biến xấu nhất, phải truyền máu, cả Trung đội 4 cùng xung phong tham gia hiến máu. Đợt hiến máu gần đây nhất là vào tháng 9, hai chiến sĩ Nguyễn Văn Ngọc và Trần Văn Tiệp may mắn cùng nhóm máu với Đại tướng, và họ đều mong những giọt máu của mình góp phần nhỏ duy trì lâu hơn sự sống của ông...

Nói thay tâm tư của những người lính ở Đoàn cận vệ thép, Đại tá Nguyễn Ngọc Quế - Lữ đoàn trưởng chia sẻ: “Được bảo vệ Đại tướng là nhiệm vụ quan trọng và vinh dự, nhưng hơn thế nữa còn là những tình cảm đặc biệt nhất của chúng tôi- những người lính đối với người anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân. Những lời dạy, sự quan tâm, động viên của Đại tướng đối với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị sẽ theo chúng tôi suốt cuộc đời. Nhân cách lớn và phong cách giản dị, gần gũi của Đại tướng chính là tấm gương mà chúng tôi nguyện noi theo”.

Thành lập ngày 30/10/1951, Lữ đoàn 144 (tiền thân là Tiểu đoàn 187 – lực lượng bảo vệ Bộ Tổng tư lệnh – Cơ quan Bộ Quốc phòng) được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng như huấn luyện chiến sĩ làm nhiệm vụ công tác canh phòng cho các cơ quan, học viện, nhà trường, bệnh viện trực thuộc Bộ Quốc phòng đóng quân trên địa bàn thành phố Hà Nội; tham gia bảo vệ các cuộc họp, sự kiện lớn; chống khủng bố và giải cứu con tin…

Tháng 8/1996, trong lời đề tựa cho cuốn lịch sử truyền thống của Lữ đoàn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Lữ đoàn Cảnh vệ 144 đã phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tuyệt đối trung thành, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG