Những người dám từ bỏ ghế quan: Sòng phẳng với dân

 Hàng nghìn người xếp hàng trước cổng Cục thuế Hà Nội để nộp hồ sơ dự thi tuyển công chức. Ảnh: Ngọc Châu.
Hàng nghìn người xếp hàng trước cổng Cục thuế Hà Nội để nộp hồ sơ dự thi tuyển công chức. Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc có tới 30% công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” và tình trạng loạn cấp phó cho thấy nhiều vấn đề của bộ máy hành chính hiện nay. Việc các quan chức từ quan là hành động “sòng phẳng”, cho thấy trách nhiệm với dân.

Môi trường làm việc kém, nhiều người ra đi

Nhiều cựu quan chức nhà nước cho rằng, môi trường làm việc gò bó là nguyên nhân khiến họ đưa ra quyết định từ quan chứ không phải vì bất mãn tiền lương thấp. Theo bà thì sao?

Ngân hàng Thế giới cũng từng có khảo sát về hoạt động của bộ máy hành chính ở Việt Nam. Kết quả cho thấy, công chức nhà nước đều thừa nhận môi trường làm việc là quan trọng nhất, chứ không phải vấn đề tiền lương. Ngay các chế độ đãi ngộ, cơ hội thăng tiến, đào tạo cũng chỉ đứng ở vị trí sau yếu tố môi trường làm việc.

Tôi cho rằng, những người ra khỏi môi trường nhà nước do một phần bức xúc với cơ chế, môi trường làm việc. Ngồi một, hai năm thì chịu được, nhưng ngồi lâu dài không ai chịu nổi. Những người “ra đi” đều muốn tìm một môi trường mới, ở đó họ có thể phát huy, làm đúng sở trường và nhận được thù lao xứng đáng với năng lực của họ. Nếu họ về khối doanh nghiệp sẽ rất sòng phẳng. Làm việc theo năng lực thực tế.

Có câu chuyện trong bộ máy hành chính: Cùng làm việc với nhau, ai cũng biết năng lực của nhau thế nào, nhưng lương thưởng, đề bạt lại không phụ thuộc kết quả làm việc. Trong khi quốc tế họ rất coi trọng đánh giá dựa trên kết quả làm việc. Còn ở Việt Nam, cuối năm bình bầu, hầu như tất cả lao động tiên tiến hết. Còn người nào không đạt thì do vi phạm pháp luật nào đó. Trong một bộ máy có tới 90% người lao động tiên tiến thì vận hành phải tốt chứ. Điều đơn giản này cho thấy môi trường làm việc trong bộ máy nhà nước chưa tốt và dẫn tới rất nhiều người ra đi.

Nhiều công chức cũng kêu do tiền lương quá thấp không đủ sống?

Tại hội thảo trong tuần qua ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về cải cách thủ tục hành chính, tôi cũng nói câu chuyện môi trường làm việc dẫn đến nhiều cán bộ công chức vin vào tiền lương thấp để nhũng nhiễu, vòi hối lộ.

Công chức hay kêu một tháng lương chỉ được vài triệu đồng, nhưng quên mất khi đi công tác, một chuyến vào TPHCM là gần 6 triệu tiền vé máy bay chưa kể tiền xe cộ đưa đón, chi phí ăn ở… Tôi tính đơn giản, giảm 30% “công chức thừa” đó đi thừa đủ để tăng lương cho khối công chức còn lại.

Phải xem lại cơ chế tiền lương thấp có liên quan đến năng suất lao động trong cơ quan nhà nước và tình trạng “thừa người” hay không. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng đề cập đến tình trạng 30% công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về. Giờ chỉ cần cắt được 30% phần tiền lương đó để trả cho 70% cán bộ công chức còn lại, chắc chắn sẽ bù đắp được rất nhiều cho câu chuyện tiền lương công chức. Chính phủ cũng bớt lo gánh nặng có ngân sách để tăng lương mỗi năm hay không. Ngân sách chính ở việc “tiết giảm” các công chức thừa chứ đâu.

Cũng phải nói trong số 30% cán bộ sáng cắp ô đi, tối cắp ô về có không ít người giữ cương vị lớn. Ở đây không chỉ là vấn đề tiền lương cho công chức. Công chức hiện ngoài tiền lương, phải kể đến các chi phí về phương tiện làm việc, chi phí đi lại… Cộng lại các khoản, các công chức phải nhớ rằng không phải người dân chỉ nộp thuế để trả mỗi phần lương cho họ.

Những người dám từ bỏ ghế quan: Sòng phẳng với dân ảnh 1

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

“Lương thấp thì múc thật nhiều”

Trước đây cũng đã có đề xuất chi 1 tỷ USD để “thay máu” đội ngũ cán bộ công chức không hiệu quả. Vậy đặt vấn đề công chức, quan chức không làm được việc thì cần sớm “từ quan” có phù hợp nếu soi chiếu trong bộ máy hành chính hiện nay?

Nhiều người sẽ nói chi tiền như thế nhiều quá, lấy tiền ở đâu mà chi. Đấy là chỉ nhìn vào số tiền bỏ ra để “bù đắp” việc loại các công chức này ra khỏi bộ máy, mà không nhìn vào số tiền ngân sách tiết kiệm được hàng năm không phải chi vô ích cho những người đó.

30% công chức thừa này, ngoài tiền lương, nhà nước sẽ tiết kiệm được diện tích làm việc, máy móc làm việc, chi phí công tác cùng nhiều khoản tiền khác. Chưa kể việc, doanh nghiệp người dân sẽ tránh được bị hạch sách khi đến làm việc.

Ngay việc cải cách thủ tục thuế, theo tính toán, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, đồng thời giúp cắt giảm được nhân lực làm việc liên quan đến kê khai thuế. Ngành thuế cũng giảm được nhân lực, giảm bộ máy cồng kềnh. Tính ra, nhà nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền về sau. Trước mắt, các cơ quan nhà nước phải quyết liệt giảm bớt nhân viên thừa, tinh gọn bộ máy. Bộ máy của các đoàn thể cũng cần xem lại.

Tôi thấy những quan chức, công chức “từ quan” ít nhất họ cũng sòng phẳng với người dân. Họ không muốn ngồi đấy trong cảnh làm việc không được hết sức mình, không được đánh giá đúng mức trong khi đóng góp không tương xứng với tiền thuế mà người dân đóng góp để trả cho họ. Họ cũng là những người tốt, muốn thể hiện năng lực thực tế của mình thay vì chọn cảnh “lương thấp thì múc thật nhiều”. Nếu ở lại như vậy còn tồi tệ hơn.

Cảm ơn bà!

Kết quả nghiên cứu của đề tài “Tầm nhìn chiến lược thể chế chính phủ và lộ trình thực hiện” do CIEM thực hiện cách đây hơn 2 năm cho thấy, để xóa tình trạng cồng kềnh, dư thừa công chức phải có quyết tâm chính trị rất cao và phải cần một thời gian để “thay máu” toàn bộ hệ thống công chức hiện nay.

Chế độ “làm việc tập thể” kéo dài khiến cho bộ máy, các quy trình ra quyết định và việc điều hành, thực thi các quyết định của nhà nước rất khó cải thiện được tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

MỚI - NÓNG