Những ngôi nhà Bác Hồ từng ở tại Sài Gòn

TPO - Trong khoảng thời gian từ 1910-1911, Bác Hồ khi đó là một chàng trai trẻ đã đến Sài Gòn để chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước. Những nơi Bác Hồ từng lưu lại ở Sài Gòn, cái còn cái mất, đều gợi nhớ tới những ngày tháng hoạt động cách mạng của Nguyễn Văn Ba (tên của Bác Hồ lúc sống tại Sài Gòn) cùng những đồng chí của mình.

Theo tài liệu của Đảng bộ Quận 5, TPHCM, Bác Hồ tới Sài Gòn với cái tên Văn Ba. Có thể nói, hoạt động của Bác tại Sài Gòn hết sức bí mật, bởi ngay cả tên tuổi cũng được đổi đi. Từ một thầy giáo dạy ở trường Dục Thanh, bác Hồ sau đó đã xuất hiện trên con tàu Latouche Tréville tại bến càng Nhà Rồng với vai trò một phụ bếp với một bản lý lịch hoàn toàn khác. Bởi vậy, hành trình của Bác tại Sài Gòn được giữ kín và chỉ được biết đến sau năm 1975 khi nước nhà thống nhất.

Tài liệu của Công ty Liên Thành cho biết việc Bác Hồ tới Sài Gòn là do sự sắp đặt của công ty Liên Thành: “Ngày 06/06/1906, từ ý tưởng của chí sỹ Phan Châu Trinh. Công ty Liên Thành được thành lập tại Phan Thiết. Liên Thành là chủ sở hữu và sáng lập ra trường Dục Thanh Phan Thiết, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã từng dạy học. Và cũng chính Liên Thành góp phần tổ chức, gíup đỡ tài chính cho nhà ái quốc Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn và sang Pháp”.

Công ty cho biết: “1906 – 1916: Liên Thành khởi nghiệp và mở rộng các phân cuộc ở Đức Thắng, Huy Long, Phú Hào, Mũi Né và Phan Rí thuộc Phan Thiết. Năm 1917: Liên Thành dời Tổng cuộc (trụ sở chánh) vào phân cuộc Chợ Lớn, hiện nay là số 3-5 Châu Văn Liêm. Đây là nơi Bác Hồ có nghỉ lại trước khi ra đi tìm đường cứu nước, và đã được công nhận là di tích lịch sử”.

Những ngôi nhà Bác Hồ từng ở tại Sài Gòn ảnh 1

Trụ sở Công ty Liên Thành tại Sài Gòn (khoanh đỏ) là nơi Bác Hồ ở lâu nhất trong thời gian chờ lên tàu xuất dương.

Ngôi nhà số 5 Châu Văn Liêm hiện nay vẫn được giữ lại với bề ngoài không khác thời đầu thế kỷ 20 là bao. Ngôi nhà có hai tầng, bề ngang khá hẹp và bên trên lợp ngói nằm khá lạ mắt bên những ngôi nhà cao tầng xây dựng quanh đó.  

Những ngôi nhà Bác Hồ từng ở tại Sài Gòn ảnh 2

Nhà số 5 Châu Văn Liêm hiện nay. Ảnh: Trần Nguyên Anh

Bộ Văn hoá thông tin đã xếp hạng ngôi nhà số 5 Châu Văn Liêm là di tích lịch sử Quốc gia tại Quyết định số 1288-VH/QĐ ngày 16/1/1988. Theo quan sát của chúng tôi, ngôi nhà đã được sửa chữa nâng cấp so với trước đây. Di tích là căn nhà phố, rộng 4m, dài 8,8m, mái lợp ngói âm dương, có lót la phông bằng ván ép. Từ nền nhà đến trần cao 3m, chiều cao tầng lầu 4m, từ nóc đến mái cao 1m. Cầu thang lên lầu bằng gỗ. Trên lầu có ban công rộng 2m x 4m, cửa ra ban công bằng gỗ. Tuy vậy, hiện này trần nhà được gia cố, sơn sửa kiên cố hơn để đảm bảo an toàn cho du khách. Chị Thủy hướng dẫn viên cũng tâm sự: “Do nhà quá cũ, nứt, dột nhiều nên buộc phải sửa chữa”.

Những ngôi nhà Bác Hồ từng ở tại Sài Gòn ảnh 3 Khách tới thăm khu lưu niệm Châu Văn Liêm ngày sinh nhật Bác. Ảnh: Trần Nguyên Anh
Nguyễn Văn Ba - Bác Hồ,  không chỉ trú tại ngôi nhà số 5 Châu Văn Liêm mà các tài liệu đều đề cập đến một ngôi nhà khác nữa, đó là nhà  ông Lê Văn Đạt tại xóm cầu Rạch Bần, nay là số nhà 185/1 đường Cô Bắc, phường Cô Giang, quận 1, TPHCM (khi ấy là vựa bán chiếu).
Những ngôi nhà Bác Hồ từng ở tại Sài Gòn ảnh 4 Ngôi nhà mà Bác Hồ đã lưu lại ở gần cầu Ông Lãnh. Ảnh: Tư liệu khu lưu niệm số 5 Châu Văn Liêm.

Ngôi nhà cổ 185/1 đường Cô Bắc ngày nay đã không còn nữa. Ngôi nhà bằng gỗ theo theo thời gian hư hỏng và gia chủ cũng đã bán đất cho người khác xây nhà.

Khi phóng viên tìm đến địa chỉ 185/1, thấy những ngôi nhà xây dựng hiện đại mọc như nêm đã hình thành ra một cái ngõ nhỏ. Bà Phạm Thị Kim Dung nhà ở trong ngõ, từng làm y tá, kể: “Chỗ đất này trước kia khá rộng rãi, sát mặt đường là một ngôi chùa, nay chùa vẫn còn. Sau đó tới một vườn hoa, rồi tới ngôi nhà gỗ của cụ Đạt, nơi bác Hồ đã từng ghé ở lại”. Bà Dung kể:“Lúc giải phóng vô, bộ đội cũng tới tìm địa chỉ này. Nhiều người, kể các các nhà nghiên cứu cũng tới đây, nhưng con cháu ông Đạt đã chuyển đi nơi khác và đi nước ngoài hết cả rồi. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, bà ngoại tôi (có họ hàng xa với cụ Đạt) đôi khi dẫn qua nhà chơi. Nhà gỗ to mát, chỗ cửa hàng rào gỗ chính là nhà xe”.

Những ngôi nhà Bác Hồ từng ở tại Sài Gòn ảnh 5

Nhà số 185/1 đường Cô Bắc ngày nay

Tìm đến UBND Phường Cô Giang, phóng viên được chị Xuân, một cán bộ lâu năm của phường kể: “Bác Hồ từng ghé ở nhà cụ Đạt. Chúng tôi nghe kể thì cụ Đạt quen biết với bác Hồ. Cụ Đạt mất đã lâu, con là bác Tự sau năm 1975 cũng  làm việc ở UBND Phường này. Bác Đạt mất, tôi có đến viếng. Sau đó con gái của bác Đạt cũng làm ở phường, nhưng nay chuyển đi nơi khác”. Chị Xuân tâm sự: “Sau giải phóng, ngôi nhà được sửa chữa, mất vết tích xưa. Hơn nữa, khi đó việc bảo tồn cũng chưa được quan tâm nhiều như bây giờ”.

Dù năm tháng qua đi, nhưng những ngày tháng Nguyễn Văn Ba- Bác Hồ đã sống ở Sài Gòn vẫn thu hút rất nhiều bạn trẻ. Một tour du lịch được thiết kế “hành trình theo chân bác tại TPHCM” bao gồm đi thăm ngôi nhà 185/1 đường Cô Bắc, đến nhà số 5 Châu Văn Liêm, đến Bến Cảng Nhà Rồng…

MỚI - NÓNG