Những ngòi bút dưới họng súng mafia

Không ít nhà báo, phóng viên bị đe dọa tính mạng vì những bài viết chống lại mafia.
Không ít nhà báo, phóng viên bị đe dọa tính mạng vì những bài viết chống lại mafia.
Gần hai năm nay, tên của nhà báo Michele Albanese nằm trong danh sách cần phải trừ khử của một băng mafia nên ông phải sống cùng với một đội cảnh sát 24/24 giờ.

Đối với không ít người, sự nghiệp và niềm đam mê với nghề của họ nằm trong 30 dòng chữ. Hơn thế nữa, cuộc sống của họ cũng nằm trong đó. Họ có rất nhiều ở Italy, những người ít được biết đến, hoặc chỉ được biết dưới dạng những cái tên, vì họ là các nhà báo, các blogger chống mafia và đang sống và làm việc dưới sự bảo vệ của cảnh sát.

Michele Albanese không phải là một cái tên bình thường trong làng báo Italy. Không phải vì ông quá nổi tiếng và bài báo nào của ông cũng giống như một quả bom làm rung chuyển dư luận, mà vì từ gần hai năm nay, tên ông nằm trong danh sách cần phải trừ khử của một băng trong hệ thống Ndrangheta, mafia xứ Calabria, miền Nam Italy và từ lúc đó tới giờ, ông sống cùng với một đội cảnh sát, những người bảo vệ ông 24/24 giờ, dù ông ở nhà, ngoài đường, trong tòa báo, gặp gỡ các nguồn tin. "Ndragheta muốn trừ khử tôi", ông nói trên nhật báo La Repubblica. "Tôi nhớ tới tất cả những điều giản dị tôi đã từng làm trước kia, chẳng hạn như đến gặp gỡ bạn bè".


Những bài viết của Albanese về các hoạt động bẩn thỉu và tội ác của một băng đảng ở Gioia Tauro, Calabria, đã khiến chúng giận dữ, và kể từ khi chúng đe dọa giết ông, bắt đầu từ việc đốt cháy xe của ông, sau đó gửi cho ông những viên đạn trong phong bì, ông không còn cuộc sống nữa. Ngay cả khi bố già của băng đảng ấy đã bị bắt sau 11 năm lẩn trốn, thì tính mạng của ông vẫn bị đe dọa, và sống cùng với đội bảo vệ, ông cảm thấy mình như bị giam lỏng, khi nguy cơ không hề giảm, bởi những thành viên còn lại của băng đảng này vẫn tiếp tục gửi đến cho Albanese những lời dọa dẫm mới. Nhưng người phóng viên ấy không chịu đầu hàng. "Tôi vẫn tiếp tục làm việc với sự quyết tâm và chăm chỉ như trước kia", ông khẳng định.

Albanese chỉ là một cái tên được đưa ra trong một bản báo cáo dài 104 trang của Ủy ban chống mafia quốc gia Italy mới rồi, trong một sự kiện đặc biệt: lần đầu tiên sau nửa thế kỉ tồn tại, Ủy ban này tiến hành một cuộc điều tra vào những hành động đe dọa của mafia với người phóng viên. Báo cáo đưa ra các số liệu liên quan đến số phận của các nhà báo bị mafia dọa giết dựa chủ yếu vào một trang web đáng tin cậy có tên "Ossigeno per l'informazione" (Ô xi cho thông tin). Trang web này có một bộ đếm, hàng ngày cung cấp cho độc giả con số có bao nhiêu phóng viên bị mafia đe dọa. Các thống kê cho thấy, kể từ 2006 đến 2014, có tới 2.060 nhà báo bị các băng nhóm mafia đưa vào tầm ngắm trừ khử. Chỉ tính riêng năm ngoái, số phóng viên bị đe dọa là 521 người, từ 30 đến 50 trong số đó nằm trong diện bảo vệ của cảnh sát.

Họ không chỉ bị dọa giết ở miền Nam Italy, địa bàn truyền thống mà mafia hoạt động mạnh nhất, mà ở khắp nơi trên đất nước này, từ xứ Emilia đến Lombardy, từ Sicily cho đến Calabria, từ Puglia cho đến Campania. Ngay ở ở Ostia, cách thủ đô Rome vài chục cây số, cứ khi nào cây bút Federica Angeli của nhật báo La Repubblica viết một điều gì đó về hoạt động của mafia ở đây, chị lập tức bị đe dọa bằng những cú điện thoại nặc danh vào nửa đêm. Có một ngày, chiếc xe để trong garage nhà chị bốc cháy và cả những quả bom tự tạo được một kẻ nào đó ném vào cửa nhà chị, gây nên nỗi sợ hãi cho gia đình. Nhưng Angeli không đầu hàng. Enzo Palmesano là một trường hợp khác của "nghề báo mafia". Một trùm camorra (mafia vùng Campania) đã trực tiếp gọi điện đến Tổng biên tập nhật báo Corriere di Caserta để gây áp lực buộc ông này phải sa thải Palmesano, vì đã "chống lại lợi ích" của gia đình hắn ta. "Họ đã làm tất cả những gì có thể để cô lập tôi và tạo ra một sa mạc quanh tôi", Palmesano nói. "Thậm chí họ đã từng đe dọa giết tôi về những gì tôi đã viết và không ngần ngại nhắc đến việc tôi sẽ có một kết cục giống như Giancarlo Siani".

Đấy là tên của một phóng viên đã bị mafia giết hại vào năm 1985, sau khi khiến chúng "khó chịu". Từ sau cái chết ấy, người ta mới bắt đầu quan tâm đến nhiều hơn đến công tác bảo vệ phóng viên, những người luôn cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến chống mafia trên hành trình kiếm tìm sự thật của họ. Nhưng trong cuộc chiến này, khi sự thật bị phơi bày cũng là lúc cuộc sống của họ đi vào bóng tối. Không ít phóng viên nổi tiếng đã sống trong sự bảo vệ của cảnh sát, như Roberto Saviano, tác giả của cuốn "Gomorra" tố cáo sự tàn bạo và lộng hành của băng casalesi ở vùng Campania, vốn đã sống gần 10 năm qua với cảnh sát nhiều hơn là cha mẹ mình, nhưng cũng có rất nhiều những phóng viên khác ít nổi tiếng hơn, không ai biết đến.

Ester Castano mới 25 tuổi khi loạt bài phóng sự của cô gây chấn động dư luận. Bởi từ những bài báo ấy, chính quyền của Sedriano, địa phương đầu tiên ở vùng Lombardy ở miền Bắc Italy, đã bị giải thể bởi đã để mafia thâm nhập. Sự kiện ở Sedriano mang tính lịch sử, bởi trước Sedriano, người ta vẫn tin rằng, các địa phương ở miền Bắc nước Italy là "không thể thâm nhập". Nhưng điều tra của Castano cho thấy thị trưởng của thị trấn này đã dính líu sâu với mafia và những lời đe dọa đối với Castano chỉ chấm dứt sau khi viên thị trưởng này bị bắt. "Điều tệ hại nhất mà các phóng viên chống mafia phải đối mặt không phải là những lời đe dọa của mafia mà là các chính trị gia", cô nói. "Họ đã tìm mọi cách để ngăn chặn chúng tôi, kể cả bằng những ngôn từ bẩn thỉu".

Dù thế nào đi nữa, thì cuộc sống của những phóng viên có tên tuổi hay không trước và sau khi nằm trong tầm ngắm của mafia đều giống nhau: một vài dòng tin hoặc phóng sự về hoạt động của các băng nhóm, và rồi, sự đe dọa bắt đầu đến. Một cái lốp bị xịt, cửa kính căn hộ bị ném vỡ, một cái đầu lợn đẫm máu trước cửa nhà, chiếc xe nổ tung vì một quả bom, và rồi một ngày nào đó, một viên đạn từ đâu đó, hoặc một "tai nạn" giao thông sẽ tìm đến người phóng viên đó. Kể từ năm 1960 đến nay, đã có 9 phóng viên bị mafia giết hại một cách tàn bạo và rất nhiều người khác bị thương trong các vụ đe dọa hoặc mưu sát của chúng. Nhưng những cái chết và sự đe dọa ấy không ngăn cản được các phóng viên. Họ vẫn viết, dùng những tin bài của mình như một cách để chiến đấu chống cái ác. Chiến đấu, như một lẽ sống.

Theo Theo Báo Tin Tức
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.