Những ngày phong Thành

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhật ký lúc 0 giờ

Tiếng lao xao ngoài kia. Không phải là gió.

Tôi vẫn thường đêm nghe gió trở mình như thế. Gió vấn vít tán bưởi nhà ông Nhã, rung lên đầu hồi, gió ruổi dài trong con ngõ nhỏ rồi mất hút vào thinh không. Có khi nửa đêm, gió mùa về, tiếng xào xạc nghe như tiếng thở dài.

Trạm y tế phường ngay cửa ngõ nhà tôi bỗng lao xao giữa đêm khuya vắng lặng, bóng người kín mít trong đồ bảo hộ đang vội vã khử khuẩn khuôn viên trạm xá. “Không có lẽ ca nhiễm Covid-19 đầu tiên của Vinh lại xuất hiện sát cạnh nhà mình?”, tôi chột dạ.

Những ngày phong Thành ảnh 1

Test tầm soát virus Covid-19

Tôi đạp xe ra phố, lòng dạ ngổn ngang, khi thành phố tôi đã dành hơn nửa đời cư ngụ giờ đây không còn yên bình nữa. Đại dịch như đám mây u ám, ập đến từng ngõ xóm, xộc vào từng căn nhà. Giờ đây, ngay giữa đêm hôm khuya khoắt, dịch bệnh đang hiển hiện ngay trước cửa ngõ nhà mình. Trạm y tế phường cách nhà tôi mấy bước chân, nghe phong thanh ca nhiễm Covid-19 đầu tiên phát hiện tại thành Vinh là nữ, làm nghề uốn tóc gội đầu, quê mạn Hà Tĩnh, thuê trọ tại phường Hà Huy Tập. Ca nhiễm đầu tiên trên địa bàn ngay trong phường tôi sinh sống, cách ly ngay tại trạm y tế cạnh nhà tôi, có chết không cơ chứ! Lúc chiều, tôi lảng vảng gần khu vực này, chỉ cách chỗ nữ bệnh nhân đang cách ly một bức tường.

Đêm đã sang canh 3. Trên cõi mạng đầy rẫy tin Covid-19. Cả thành phố đang nóng lên, bấn loạn loang tin ca nhiễm đầu tiên vừa phát hiện cách đó chưa đầy một giờ đồng hồ và cư dân mạng, chẳng ai bảo ai, bắt đầu hành trình truy vết khốc liệt, dồn đuổi nữ bệnh nhân khốn khổ. Những đồn đoán về thân phận, nghề nghiệp, mối quan hệ này nọ các kiểu, được tung ra.

Những ngày phong Thành ảnh 2

Phóng viên Tiền Phong tác nghiệp ở vùng dịch

Tôi lầm lũi đạp xe về phía trường ĐH Kinh tế Nghệ An, gió ngược chiều lạnh buốt. “Về đi, Covid đến rồi”, mấy chị công nhân vệ sinh môi trường tất bật, vội vã dọn nốt đống rác cuối cùng, quăng lên xe đẩy, quăng về phía tôi câu thông báo ngắn gọn. “Về đi, Covid đến rồi”, lần đầu tiên nghe tin Covid như nghe tin bão sắp đổ bộ đến. Tôi đã từng chờ đợi những cơn bão nát tan, khi đứng trước biển nghe mưa rơi, gió hú. Giờ đây, dưới ánh đèn mờ hiu hắt, con phố nhỏ phía trước bỗng trống trải, hun hút, bỗng như dài thêm và cô đơn tột cùng.

Đây là thời khắc Vinh bước sang một giai đoạn mới, những ngày phong thành. Sau một thời gian dài “zero Covid” và có cả một phần may mắn, “tuyến phòng thủ kiên cố” chống dịch vùng Bắc Trung Bộ đã toang hoang.

Đêm đã chuyển sang ngày, 23/6/2021.

Phong thành

“Cách ly!”, chỉ thị từ tỉnh, thành phố ban ra. Trước giờ Vinh phong thành, tôi bảo con gái lên xe, lượn quanh phố xá một vòng, cũng để tận nếm trải cái cảm giác trước giờ cả thành phố đóng cửa, nhà nào ở yên nhà nấy. Vinh, địa bàn có lượng ô tô tăng đột biến mấy năm lại nay, thành phố đứng thứ tư cả nước về số lượng ô tô mua sắm hàng năm và hầu như ngày nào cũng xảy ra cảnh ùn tắc, giờ trở nên vắng lặng lạ thường. Phố thị im lìm, thảng hoặc vài chiếc xe bịt bùng hú còi chạy như ma đuổi. Cảm giác trống trải, cô đơn xâm lấn. Khi cộng đồng bị cách ly, con người tách ra, không có sự giao tiếp, khi đó cuộc sống mới thật sự buồn tẻ, vô nghĩa và cô độc.

Những ngày phong Thành ảnh 3

Cảng hàng không Vinh thời điểm dịch Covid-19 bùng phát

Thành phố bắt đầu căng dây. Ca nhiễm đầu tiên của Vinh có địa chỉ thường trú tại ngõ 207, đường Hà Huy Tập, khiến cư dân không chỉ ở con ngõ này, mà một khu vực rộng lớn kéo dài từ ngã tư Quán Bàu đến đường Nguyễn Sỹ Sách cũng bị phong tỏa. Một vùng rộng lớn phường Hà Huy Tập nội bất xuất, ngoại bất nhập, các địa bàn lân cận cũng bị hạn chế đi lại. Nữ phóng viên báo Tiền Phong, Phạm Thu Hiền thuê trọ ngay trong ngõ 207, sống cạnh ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Vinh. Tôi điện thoại hỏi “Có tiếp xúc không?”, bảo: “Em vừa về quê, không tiếp xúc với bất cứ ai trong ngõ”. Hôm sau, Thu Hiền gọi điện, giọng lo lắng: “Huyện Diễn Châu vừa phát hiện mấy ca ngay trong xã nhà em, bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai về. Xin ý kiến anh là em ở lại đây “chiến đấu” hay di chuyển vào Vinh?”. Tôi yêu cầu phóng viên mua đồ bảo hộ, đeo khẩu trang cẩn thận rồi lên đường tác nghiệp. Càng chạy, dịch bệnh càng đuổi. Cách tốt nhất là đối mặt với nó.

Cần phải tiếp viện, tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch. Tôi chọn Trung tâm Bệnh nhiệt đới, “đại bản doanh” chống dịch Covid-19 và liên hệ với BS Quế Anh Trâm, giám đốc. “Tình hình là thời gian tới sẽ căng đấy. Sữa hộp, mì tôm, hỗ trợ được chị cứ chuyển ra cho anh em y tế”, BS. Trâm nói. Tôi nhắn tin cho mạnh thường quân Nguyễn Minh Hồng, nhân vật trong phóng sự “Cháo lòng, xích lô và siêu xe Limousine” đăng trên Tiền Phong, anh Hồng nhận lời ngay: “Tôi sẽ hỗ trợ mấy trăm suất cơm cho các y, bác sỹ chống dịch!”. Nói là làm, anh Minh Hồng điều ngay một chiếc xe tải cùng đội ngũ hậu cần, vận chuyển hàng trăm suất cơm nóng hổi tới bệnh viện. Dạo quanh một vòng trên Facebook, tôi quyên góp được một cơ số lớn mì tôm, sữa hộp, nước tăng lực chuyển tới hỗ trợ nhân viên y tế tại đầu não chống dịch, Trung tâm bệnh nhiệt đới Nghệ An.

Kể từ lúc phát hiện ca Covid-19 đầu tiên, tháng 6 năm 2021 cho đến đầu năm 2022, thành phố Vinh liên tục bị phong tỏa. Chỉ thị 15 vừa ban ra, lại thêm chỉ thị 16, dịch bệnh vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng, cho đến lúc toàn thành phố áp dụng biện pháp phong tỏa “cao hơn chỉ thị 16” thì mọi dịch vụ, sự đi lại gần như tê liệt. Có thời điểm không dám bước chân ra khỏi nhà, Vinh căng dây, rào chắn khắp nơi, cứ đi vài ba trăm mét là gặp một chốt. Muốn ra đường, phải có giấy đi đường; muốn có giấy đi đường thì phải lên Ủy ban phường xin giấy xác nhận, nhưng nhiều người muốn lên Ủy ban phường xin giấy xác nhận cũng không thể đi được vì… không có giấy đi đường.

Mọi ngõ ngách ra vào thành Vinh phong tỏa. Phóng viên Nguyễn Cảnh Huệ và Phạm Thu Hiền- Ban đại diện Nghệ An lúc chạy xuống cầu Bến Thủy chụp ảnh, gặp gỡ, hỏi chuyện những người “di cư” từ các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch; lúc lại len lỏi trong chợ đầu mối, chợ Vinh, tiếp xúc với các bà, các chị hàng cá, hàng rau, thu thập tư liệu viết bài. Hàng ngày, các ca nhiễm mới và tình hình chống dịch đều được Sở Y tế Nghệ An cập nhật trên nhóm zalo, hễ nhận được bản tin là tôi lập tức chuyển ngay cho các phóng viên triển khai. Cả khi nỗi sợ dịch bệnh bao trùm, khi cam go nhất, phóng viên bất chấp hiểm nguy, khoác đồ bảo hộ lên đường đi thu thập tin tức.

Nhiều khi, chúng ta lãng phí những phút giây bình yên bên người thân, bên bạn bè của mình. Chỉ đến khi bên bờ vực chia cách, mới hoảng hốt nhận ra rằng sự êm đềm là vô giá. Những ngày phong thành, thèm được đưa con đi dạo, đi xem phim, tắm biển; thèm được ngồi lai rai cà phê góc phố, nhìn ngắm thiên hạ thái bình.

Ngày 21 tháng 6 năm 2021 quả là một ngày khác thường, không một cành hoa chúc mừng. Cánh phóng viên chúng tôi đón ngày lễ trong lặng lẽ, trong âu lo và hỏi han, động viên nhau qua tin nhắn. Trên mọi nẻo đường quê, từng mớ rau, cân thịt theo những chuyến xe tấp nập đổ về thành phố, ứng cứu người dân vùng dịch. Hàng trăm tổ nhóm cứu trợ “vùng xanh” được thành lập, quyên góp lương thực, thực phẩm, ngày đêm tiếp tế “vùng đỏ” đang bị cách ly, phong tỏa. Tại mố Bắc cầu Bến Thủy, lực lượng thường trực gồm Công an Nghệ An, Thanh tra giao thông cùng các nhân viên y tế, thanh niên tình nguyện có mặt túc trực 24/24h. Không chỉ làm nhiệm vụ kiểm soát cửa ngõ thành Vinh, những người có mặt tại điểm nóng này đã dang rộng vòng tay đón bà con phương xa trở về, trao hàng nghìn túi quà, động viên người dân “chạy dịch”…

MỚI - NÓNG