Những mảnh đời trong trại giam

Những mảnh đời trong trại giam
TP - Phần lớn thanh niên tham gia buổi hội ngộ đều xăm trổ đầy mình, mặt mày lầm lỳ dữ tợn. Muôn nẻo đến với lao tù, khi ngộ ra tương lai vẫn còn cơ hội phía trước, ngày nào họ cũng mơ về bến hoàn lương.

> Tết tù của cựu hiệu trưởng mua dâm
> Gần 400 phạm nhân được giảm án, tha tù

Tuổi xanh sớm mất tự do

Trời còn mờ tối, chuyến xe 30 chỗ đã khởi hành, đưa đoàn Hội LHTN Việt Nam tỉnh Đắk Lắk vượt gần 100km hướng về trại giam Đắk Tân, huyện M’Đrắk.

Gần 8 giờ sáng, xe đến nơi. Đại tá Lương Xuân Ngợi,Giám thị trại giam, cho quản giáo điểm danh phạm nhân đón đoàn. Trong số 1.500 phạm nhân (PN) ở trại Đắk Tân, có gần 1.000 người độ tuổi thanh niên.

Nhiều gương mặt còn non nớt, đang sống trong sự chăm bẵm của gia đình đã sớm sa vào con đường lao lý. Có người cho biết, khi bị bắt họ mới biết mình phạm tội, lúc ngủ vẫn thon thót giật mình. Hằng ngày, trong khám tù chật hẹp, họ vẫn luôn mơ ngày được trở về với gia đình.

Đại tá Ngợi trầm ngâm: “Trách nhiệm của chúng tôi là phải cảm hóa, giáo dục PN. Có làm trong nghề mới biết yêu nghề. Phải biết đồng cảm, hiểu để sẻ chia, coi PN như người nhà thì quá trình cải tạo mới tốt. Thỉnh thoảng, tôi vẫn viết thư động viên họ cố gắng cải tạo thật tốt, xóa bỏ mặc cảm để sớm về với gia đình. Khi PN ra trại, chúng tôi còn liên hệ với doanh nghiệp giúp họ định hướng nghề nghiệp và tạo việc làm”.

Phạm nhân xúc động khi nghe kể chuyện gia đình
Phạm nhân xúc động khi nghe kể chuyện gia đình.

Nhằm giúp PN trẻ sớm thực hiện được ước mơ, Hội LHTN Đắk Lắk và Trại giam Đắk Tân đã ký cam kết về “Kế hoạch phối hợp giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên”. Cuộc giao lưu hôm nay là một trong các hình thức phối hợp nhằm mục tiêu đó.

Ban đầu PN còn rụt rè. Sau màn giao lưu văn nghệ, chơi trò đuổi hình bắt chữ thì họ hào hứng, cởi mở hơn.

Chia sẻ với PN, cán bộ Ban tuyên giáo Nguyễn Thị Linh kể: “Năm nay, mẹ tôi đã 60 tuổi. Tôi làm việc xa nhà, mỗi năm chỉ gặp mẹ một lần. Chẳng biết đến hết cuộc đời này, tôi còn gặp mẹ bao nhiêu lần nữa… Không gì là quá muộn các anh chị ạ, hãy quay đầu là bờ khi cha mẹ, người thân ta đang chờ”.

Nghe kể những câu chuyện về “Gia đình và lòng hiếu thảo”, hàng trăm PN bỗng im lặng, có người cúi mặt che giọt nước mắt.

“Cô ấy bảo chờ tôi về”

Với chiều cao trên 1,8m, đẹp trai, sở hữu giọng ca trời phú và một công việc thuận lợi, năm 2005 Nguyễn Kế Huy từng đoạt giải 3 Sao Mai tại TP Buôn Ma Thuột, năm 2010 ẵm thêm Huy chương Đồng Cúp các CLB Khiêu vũ thể thao toàn quốc. Nhưng ma lực đồng tiền đã khiến Huy hủy hoại tương lai.

Huy, năm nay 29 tuổi, không ngần ngại kể cho chúng tôi nghe về quãng đời lầm lỗi, nghẹn lời: “Khi bị bắt mới thấy thương cha mẹ, mỗi khi họ đến trại thăm, tôi thấy lòng mình đau thắt. Tôi là con một trong gia đình nên cha mẹ càng đau đớn hơn. Hằng ngày, vợ tôi vẫn vò võ một mình chờ ngày tôi trở về”.

Năm 2010, đang làm việc ở phòng khách hàng cá nhân của Ngân hàng Đông Á. Huy phát hiện chương trình cho vay 24 phút có lỗ hổng nên làm thẻ giả, sử dụng mạng nội bộ lập tài khoản để rút tiền của ngân hàng. Chỉ trong 6 tháng, Huy đã rút hơn 3 tỷ đồng và xin nghỉ việc.

Sẵn tiền, Huy nướng vào chi tiêu cá nhân, chơi bời và mở công ty riêng. Đến cuối năm, Huy bị bắt, án 9 năm 6 tháng tù giam.

“Có lần tôi khóc tâm sự với vợ, tôi bảo, nếu không chờ anh được thì em cứ đi thêm bước nữa, anh không trách vì án anh còn dài. Nhưng cô ấy bảo sẽ ráng chờ tôi. Tôi nhận ra rằng, dù nắm được nhiều tiền mà phạm pháp, mất tự do thì thật không đáng” - Huy tâm sự.

May mà bị bắt sớm

Cùng trò chuyện về cuộc đời, PN Vũ Nhật Tân 33 tuổi tỏ ra tiếc nuối:“Giá mà được quay lại”. Gia đình khó khăn, bố bị cao huyết áp nên Tân luôn mơ ước đạt 3 chữ sư để “làm thầy thiên hạ”.

Năm 16 tuổi, Tân được chữ “sư” đầu tiên khi đạt danh hiệu đôi nhảy đẹp nhất 7 tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Từ đó, vũ sư Nhật Tân cùng em gái đêm đêm đạp xe đạp đến quán bar khiêu vũ kiếm 100 nghìn đồng.

Năm sau, Tân được Liên đoàn Taekwondo Việt Nam cấp bằng huyền đai đệ nhất đẳng, mở lớp dạy võ - coi như hoàn thành chữ sư thứ 2.

Giấc mơ “tam sư” hiển hiện trong tầm tay khi Tân thi đậu ngành Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhưng vì cuộc sống sinh viên tự bươn chải, Tân đi bán vé số, đánh giày để kiếm sống.

Bị đám thanh niên khác coi khinh, Tân đánh nhau và bị đình chỉ học. Rồi Tân trở lại mở lớp khiêu vũ gần khu vực trường Đại học Tây Nguyên, sau đó chuyển sang làm quản lý cho một quán bar. Tại đây, Tân tham gia bán ma túy, lĩnh án 6 năm 6 tháng tù.

Tân chia sẻ: “Giờ tôi chỉ mong khi ra tù có được chiếc xe máy, cái nồi để đi bán cơm chiên, làm lại cuộc đời. Vì một chút nông nổi mà tôi phải trả giá quá đắt, gia đình ngẩng đầu không nổi. May mà tôi bị bắt sớm, nếu không càng thêm nhiều người khổ sở vì tính nết ngang ngược của tôi !”.

Người đẹp trại giam sợ… ế

Gương mặt dễ thương, thiếu úy Nguyễn Thị Hiền (SN 1988) - nữ cán bộ giáo dục và cải tạo phạm nhân ở trại giam Đắk Tân luôn được các PN trong trại quý mến gọi “cô giáo”. Hiền cười bảo: “Con gái mà làm ở đây rất khó có chồng mặc dù trại rất nhiều nam”.

Thiếu úy Hiền xinh đẹp nhưng sợ... ế
Thiếu úy Hiền xinh đẹp nhưng sợ... ế.

Tốt nghiệp ngành sư phạm văn nhưng ra trường Hiền lại làm cán bộ trại giam. Theo Hiền, đó là nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề và cũng nhờ có cái duyên với ngành công an.

Cha Hiền vốn làm việc ở trại giam Đắk Trung, còn anh và em trai đều làm ở Công an tỉnh. “Em được sinh ra cũng ngay tại trại giam, người đỡ đẻ không ai khác là PN trong trại”.

Với ưu thế là cán bộ nữ, Hiền dễ dàng tiếp xúc, tâm sự với nhiều PN. “PN có nhiều kinh nghiệm sống hơn mình nên mới đầu gặp hơi sợ nhưng qua trò chuyện, nhiều khi cảm thấy họ như cha, chú, anh của mình nên yên tâm. Khi được lắng nghe, được giãi bày, nhiều PN vừa thổ lộ, vừa khóc. Lắm lúc mình cũng khóc theo họ vì hoàn cảnh quá trớ trêu. Không chỉ kể về cuộc đời, nhiều PN còn làm thơ tặng cô giáo”, Hiền tâm sự.

Rời trại giam, tôi chợt nghĩ: Khát vọng làm lại cuộc đời của những mái đầu xanh lầm lỗi mạnh mẽ và cần được cảm thông, chia sẻ biết bao!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG