Phân luồng để đảm bảo an toàn
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng vừa ký ban hành công văn hỏa tốc gửi các sở ngành, địa phương về việc phối hợp tổ chức lễ khánh thành cao tốc Bắc - Nam, đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Công an tỉnh chủ trì phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Nam và các đơn vị liên quan, triển khai các phương án bảo đảm an toàn, an ninh, phân luồng tổ chức giao thông, y tế, phòng cháy chữa cháy tại khu vực tổ chức lễ khánh thành.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Công ty Điện lực Bình Thuận đảm bảo nguồn lưới điện phục vụ tại khu vực tổ chức lễ khánh thành. VNPT Bình Thuận cùng các đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải phục vụ kết nối trực tuyến với điểm cầu Thanh Hóa cho buổi lễ.
Ngày 29/4, dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được khánh thành và đưa vào khai thác đối với phần tuyến chính. |
Từ 26 - 28/4, Hội đồng Kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng cơ bản tiến hành kiểm tra hiện trường công trình; kiểm tra kết quả nghiệm thu hoàn thành của chủ đầu tư và các điều kiện để đưa dự án vào khai thác, sử dụng.
Dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, nối Đồng Nai và Bình Thuận, khởi công tháng 9/2020 với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, quy mô 6 làn xe. Toàn bộ dự án được chia làm 4 gói thầu, trong đó địa bàn tỉnh Đồng Nai dài gần 52 km với 2 gói thầu XL03 và XL04, chiều dài qua tỉnh Bình Thuận hơn 47 km với 2 gói thầu XL01 và XL02.
Điểm đầu nằm trên đoạn tuyến nối từ quốc lộ 1A đi Mỹ Thạnh, tỉnh Bình Thuận thuộc điểm cuối dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Điểm cuối giao với tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn thuộc huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Theo kế hoạch, ngày 29/4, dự án đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ được khánh thành và đưa vào khai thác đối với phần tuyến chính. Cụ thể, từ 8h ngày 29/4, lễ khánh thành 2 dự án thành phần sẽ đồng loạt tổ chức tại địa bàn tỉnh Bình Thuận (km0+000, xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam - thuộc dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây) và tại tỉnh Thanh Hóa (phía Nam hầm Thung Thi, km 307 +740, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung - thuộc dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45).
Lễ khánh thành được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu tỉnh Thanh Hóa với điểm cầu chính tại tỉnh Bình Thuận. Sau lễ khánh thành, ô tô sẽ được lưu thông trên 2 tuyến cao tốc này.
Riêng dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết theo kế hoạch ban đầu được đưa vào khánh thành, khai thác trong dịp nghỉ lễ 30/4. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời quyết định lùi thời điểm khánh thành cùng với dự án đoạn Nha Trang - Cam Lâm vào ngày 19/5.
Lái xe lưu ý gì?
Để phục vụ lưu thông trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra nhiều khuyến cáo với các phương tiện. Theo đó, đến thời điểm hiện tại các điểm giao của cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn chưa được thi công trạm thu phí, đồng nghĩa với việc người dân không phải đóng phí khi lưu thông. Bộ Giao thông vận tải khẳng định, các đoạn cao tốc Bắc - Nam sắp đưa vào khai thác sẽ chưa thu phí phương tiện.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tốc độ tối đa cho phép là 120 km/h, tốc độ tối thiểu là 60 km/h. |
Nguyên nhân là tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước. Chính phủ đã xây dựng đề án thu phí hoàn vốn các tuyến đường do Nhà nước đầu tư nhưng đến nay đề án vẫn chưa được thông qua. Dù không thu phí, phương tiện muốn di chuyển hết 99 km tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây vẫn phải có thẻ thu phí tự động ETC.
Một điểm lưu ý khác là cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tốc độ tối đa cho phép là 120 km/h, tốc độ tối thiểu là 60 km/h. Mức quy định này tương tự cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đây cũng là tốc độ cao nhất được phép lưu thông tại Việt Nam.
Hiện tại trên tuyến cao tốc này vẫn chưa có trạm dừng chân và trạm xăng, Bộ Giao thông Vận tải khuyến cáo lái xe nên kiểm tra xe trước khi chạy vào. Nếu đi từ hướng cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, có thể dừng ở trạm dừng chân trên cao tốc để kiểm tra, đổ xăng.
Theo thiết kế, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có tổng cộng 7 nút giao, tương ứng với 7 lối ra. Tuy nhiên dịp khánh thành chỉ đưa vào khai thác 3 nút giao gồm điểm đầu (kết nối với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây), điểm cuối là nút giao Ba Bàu và nút giao với quốc lộ 1A ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.