Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn đi qua địa bàn xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ dài 6,41km, phải thu hồi hơn 11ha, với 194 hộ dân, trong đó có 51 trường hợp có nhà bị ảnh hưởng.
Theo ghi nhận của phóng viên, bên cạnh Tỉnh lộ 919 đoạn qua địa bàn xã Trường Xuân, có 6 căn nhà liền nhau được dựng bằng tôn, nằm gần cột mốc giải phóng mặt bằng dự án cao tốc. Đáng chú ý, xung quanh ngôi nhà này được người dân trồng nhiều loại cây như: xoài, dừa…. mà không có người ở.
Nói về việc này, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết, 6 căn nhà gần nhau được xây dựng trên đất lúa. Địa phương đã ra quyết định xử phạt hành chính vào ngày 6/4. Theo đó, mỗi hộ sẽ chịu mức phạt 4 triệu đồng. Tuy nhiên, 6 hộ dân kể trên không tiếp nhận quyết định xử lý vi phạm hành chính của xã.
6 căn nhà liền nhau được xây dựng trên đất lúa. Ảnh: Nhật Huy. |
“Khi chúng tôi triển khai quyết định xử phạt, họ không nhận. Sau đó, UBND xã gửi quyết định qua đường bưu điện, họ cũng không nhận. Xã phải trực tiếp xuống những căn nhà vi phạm để dán những quyết định xử phạt này lên vách" - ông Bình nói, đồng thời cho biết, dãy nhà này nằm trên khu vực có cắm mốc giải phóng mặt bằng. Thế nên chính quyền địa phương cần xác minh dãy nhà được xây dựng trước hay sau khi có thông báo công bố quy hoạch, để có hướng xử lý tiếp theo.
Ngoài trường hợp cất nhà kể trên, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân cho biết thêm, địa phương đang phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, xác minh 29 trường hợp người dân trồng cây trong đất của dự án cao tốc.
Được biết, UBND huyện Thới Lai có thông báo thu hồi đất đồng loạt từ ngày 5/12/2022 và công bố quy hoạch vào giữa tháng 11/2022.
Nhà kết cấu khung sắt, mái tôn và lót gạch. Ảnh: Nhật Huy. |
Trước khi quy hoạch, xã đã xin ý kiến người dân được kiểm kê tài sản trước để đẩy nhanh tiến độ và đã được thống nhất. Sau khi rà soát, có 29 trường hợp trồng cây trong phần đất quy hoạch và một trường hợp cất nhà trên đất lúa.
Theo ông Bình, 29 trường hợp này chủ yếu trồng chanh, hạnh, mít... nằm rải rác trên 6,41 km dự án cao tốc. Các cơ quan chuyên môn hiện tiến hành xác minh mốc thời gian trồng các cây này. Do đây thuộc lĩnh vực nông nghiệp nên Hội đồng bồi thường giao cho ngành nông nghiệp phụ trách xác minh: mật độ cây trồng, thời gian sinh trưởng....
Dãy nhà đều khoá cửa. Ảnh: Nhật Huy. |
Trước và sau dãy nhà này được trồng nhiều ăn trái như dừa, xoài... với mật độ khá dày. Ảnh: Nhật Huy. |
Theo ông Bình, sau khi nhận được kết luận xác minh của cơ quan chuyên môn sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Do là dự án trọng điểm nên cần xác minh, kiểm tra thận trọng và giải quyết, xử lý ngay từ ban đầu để tránh bồi thường không đúng.
Ông Bình cũng cho biết, khi có thông báo thu hồi đất, huyện đã hạn chế các quyền như trồng trọt, xây dựng trên đất quy hoạch. Nếu Hội đồng bồi thường huyện xác định được là trồng cây trước quy hoạch thì quyền bồi thường, quyền sử dụng đất vẫn còn, còn nếu trồng để đối phó thì sẽ bị bác bỏ.
Trong 29 trường hợp này, các trường hợp phù hợp hay không phù hợp sẽ được xử lý dựa trên cơ sở của ngành chuyên môn. 29 trường hợp đang chờ xác minh này sẽ không làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án vì chưa áp giá cụ thể.
6 căn nhà liền nhau nằm cạnh cột mốc GPMB dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: N.H. |
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Thới Lai cho biết, dự án cao tốc đi qua địa bàn 3 xã, nhưng chủ yếu xã Trường Xuân có 29 trường hợp trồng cây nằm trong dự án. Đối với các trường hợp này, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn của huyện đang xác minh cụ thể để báo cáo cho Hội đồng bồi thường xem xét.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu giao với QL 91, TP Châu Đốc, điểm cuối tại khu vực cảng Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng.
Toàn tuyến có chiều dài trên 188km, đi qua địa bàn 4 tỉnh/thành là An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng. Tổng mức đầu tư của dự án khoảng 44.700 tỷ đồng. Dự án dự kiến hoàn thành cơ bản toàn tuyến năm 2026 và hoàn thành đưa vào khai thác năm 2027.