Những lưu ý đặc biệt khi tham gia kỳ thi riêng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2023, các cơ sở giáo dục đào tạo đại học (ĐH) tiếp tục lựa chọn kết quả bài thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Nhưng những kỳ thi đánh giá năng lực có ma trận, cấu trúc hoàn toàn khác với những bài kiểm tra, thi tại phổ thông hiện nay khiến thí sinh dự thi gặp khó khăn, bất ngờ.
Những lưu ý đặc biệt khi tham gia kỳ thi riêng ảnh 1
Thí sinh không phải luyện thi khi tham gia kỳ thi đánh giá năng lực/tư duy. Ảnh: Như Ý

Tại chương trình tư vấn tuyển sinh “Thi đánh giá năng lực năm 2023: Lưu ý gì” báo Tuổi trẻ TPHCM tổ chức ngày 11/1, nhiều thí sinh quan tâm làm thế nào để thi đánh giá năng lực, tư duy đạt được kết quả tốt nhất. GS. TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay thiết kế của bài thi đánh giá năng lực chuẩn đầu ra chương trình đào tạo khác với bài thi đánh giá kiến thức. Với bài thi đánh giá kiến thức, thí sinh có thể ôn tủ để mong trúng một phần của đề. Bài thi đánh giá năng lực là khảo nghiệm năng lực của người học qua các câu hỏi đánh giá đa chiều như trực tiếp, gián tiếp, tư duy, suy luận. Vì vậy, việc ôn luyện chỉ đáp ứng được đánh giá kiến thức, không phù hợp với đánh giá năng lực.

“Chúng tôi nhiều lần khẳng định thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức chương trình THPT là có thể tham gia bài thi đánh giá năng lực. Các trung tâm luyện thi thường dựa vào đề tham khảo ra những đề na ná, gần gần, thí sinh dự thi sẽ cảm giác giống với đề thi thực. Nhưng thực tế, kho đề thi đánh giá năng lực rất lớn. Ngân hàng đề thi của ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay có tới 12.000 câu hỏi. Do đó, việc ôn luyện tại các trung tâm, lớp luyện thi không mang lại nhiều lợi ích và hiệu quả”, GS Thảo nói.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, cũng khẳng định kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức vừa qua cho thấy những thí sinh tiếp cận kiến thức một cách khoa học, hệ thống, học để hiểu bản chất, vấn đề luôn đạt điểm cao. TS Chính thông tin, đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM chỉ bao phủ một lượng kiến thức vừa phải nhưng yêu cầu thí sinh phải hiểu bản chất và mở rộng kiến thức. Vì vậy, nhớ kiến thức không phải là cách tốt nhất để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực đạt điểm cao. “Thí sinh cần phải hệ thống, liên kết lại kiến thức năm lớp 11, 12; hiểu khái niệm, bản chất, ứng dụng của các kiến thức đó”, TS Chính cho hay. Đồng thời khẳng định kinh nghiệm để đạt điểm cao trong bài thi đánh giá năng lực là kỹ năng đọc hiểu vì đề thi đánh giá năng lực rất dài nên cần khả năng đọc, nắm thống tin, logic tốt.

Về luyện thi, TS Chính cho rằng, việc này giúp thí sinh có kỹ năng tốt hơn khi tham gia thi đánh giá năng lực. Tuy nhiên cần phải cẩn thận, tỉnh táo vì các trung tâm dựa vào đề thi tham khảo của các ĐH Quốc gia để xây dựng nên đề luyện thi nhưng không được kiểm chứng. TS Chính khẳng định, từ trước tới nay, ĐH Quốc gia TPHCM không tổ chức luyện thi. Mỗi năm ĐH Quốc gia TPHCM chỉ công bố đề thi mẫu minh họa đánh giá năng lực. Do vậy, thí sinh cần tham khảo những thông tin chính thống.

Mở rộng điểm thi để tạo thuận lợi cho thí sinh

Năm nay, để tạo thuận lợi cho thí sinh, ĐH Quốc gia TPHCM mở thêm 4 điểm thi đánh giá năng lực tại Đồng Tháp, Lâm Đồng, Vĩnh Long, Tiền Giang và nâng số điểm thi lên 21 trải dài từ Đà Nẵng tới Bạc Liêu. Kỳ thi được tổ chức thành 2 đợt, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đợt 1 vào ngày 26/3, đợt 2 vào ngày 28/5. Thí sinh có thể đăng ký thi cả hai đợt. Ngày 1/2, cổng dự thi mở để thí sinh đăng ký.

Còn cấu trúc đề thi, độ khó của đề thi để đảm bảo sự đánh giá tương đồng cho tất cả đợt thi vẫn được giữ nguyên như những năm trước. Kết quả kỳ thi này có thể được dùng để xét tuyển vào khoảng 100 cơ sở giáo dục ĐH, CĐ. Đặc biệt năm 2023, ĐH Quốc gia TPHCM và ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ công nhận lẫn nhau kết quả hai kỳ thi đánh giá năng lực của hai đơn vị.

Thống kê năm 2022 của Trung tâm Khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, về những thí sinh đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực cho thấy có mối tương quan rõ rệt với kết quả học tập tại phổ thông hoặc các kỳ thi khác.

GS Nguyễn Tiến Thảo cho hay, năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ tổ chức 8 đợt thi. Quy mô dự kiến từ 8.000 - 20.000 thí sinh/đợt thi, hướng tới phục vụ khoảng 94.000 thí sinh. Theo GS Thảo, bài thi của kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội được thiết kế có tính toàn diện, ổn định, phân loại. Do đó, sẽ không có bất kỳ thay đổi gì về dạng thức, cấu trúc đề thi năm nay so với những năm qua mà chỉ có những điều chỉnh về hành chính như giới hạn số lần dự thi, tăng chế tài xử phạt thí sinh vi phạm quy chế thi, lệ phí đăng ký dự thi và thi.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, cho hay kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2023 sẽ được tổ chức nhiều đợt trong năm (dự kiến năm 2023 sẽ có ba đợt thi) và thí sinh không bị giới hạn các lần thi. Thí sinh sẽ làm bài thi trắc nghiệm trên máy tính trong một buổi thay cho nhiều buổi như năm ngoái. Cấu trúc và nội dung bài thi được điều chỉnh gọn nhẹ hơn (giảm thời gian làm bài thi từ 270 phút xuống còn 150 phút). Nội dung bài thi tiệm cận chương trình giáo dục phổ thông 2018.

MỚI - NÓNG