Sáng nay, 15/4, phản hồi lại yêu cầu của nhiều thành viên, thầy Văn Như Cương (nguyên hiệu trưởng THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) đã đăng tải đáp án đề thi Văn hài hước, phê phán nhẹ nhàng cách làm của Bộ GD-ĐT.
"Chú ý rằng đây là đề mở cho nên có nhiều đáp án khác nhau (thậm chí trái ngược nhau) nhưng vẫn có thể đạt điểm tối đa. Trước những lo sợ về việc ra đề theo kiểu mới sẽ khiến đa phần giáo viên không đủ năng lực chấm được bài văn của học trò, ông Hiển (Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) ví von “Qua sông thì phải lụỵ đò, chưa qua đã sợ có ngày chết oan”…
“Giáo viên chưa biết ra đề, chấm đề mở thì sẽ tập huấn, bồi dưỡng để quen dần. Chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu còn hơn chấm chính xác mà xa rời mục tiêu” - ông Hiển nhấn mạnh yêu cầu đối với việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn" (nguồn Vietnamnet).
Trả lời các câu hỏi :
1) Đoạn văn trên thuộc thể loại gì ?
Trả lời: Thể loại văn báo chí, thông tin.
2) Câu ví von “Qua sông………chết oan” có phải là thơ lục bát hay không? Anh/chị hãy sửa một vài từ để nó trở thành câu thơ lục bát mà không thay đổi nguyên ý.
Trả lời: Đó không phải là thơ “lục bát” ! (có thể là thơ “lục nồi” chăng). Có thể sửa: Qua sông thì phải lụy đò/ Chưa qua đã sợ thì cho chết liền.
3) Trong câu ví von trên, cái gì được ví với “sông”, cái gì được ví với “đò” , điều gì được ví với “chết oan” ?
Trả lời: “Kỳ thi” được ví với “sông”, “đề thi” được ví với “đò”, “trượt thi” được ví với “chết oan”.
4) Anh/chị hiểu câu “chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu” như thế nào? Cái gì tiếp cận mục tiêu?
Trả lời: Mục tiêu là bao nhiêu phần trăm thi đỗ! Vậy chấm không chính xác cũng tốt, miễn là bảo đảm được X% tốt nghiệp.
5) Hãy tìm trong văn bản một câu có cấu trúc so sánh và bình luận ngắn gọn về câu so sánh đó!
Trả lời: Đó là câu: “Chấm không chính xác nhưng tiếp cận mục tiêu còn hơn chấm chính xác mà xa rời mục tiêu”. Đây là chỉ đạo rất hay và đúng của Bộ GD-ĐT về nguyên tắc chấm thi".
Đề thi hài hước này được rất nhiều thành viên trên mạng quan tâm, thậm chí còn thử làm và thể hiện quan điểm cá nhân, đặc biệt là câu số 2. Một số đáp án hài hước:
- Qua sông chưa chắc cần đò/ Ngày nay đã có cầu to rất nhiều.
- Qua sông đâu cứ phải đò/ Chỉ cần cái tui nilon to chui vào.
- Qua sông thì phải luỵ đò/ Nếu muốn được việc có cò mới xong.
- Qua sông thì phải luỵ đò/ Chưa qua đã sợ đắm đò là sao?
- Qua sông thì phải lụy đò/ Nếu mà không lụy sẽ cho chết chìm (trượt).
- Qua sông thì phải luỵ đò/ "Tối trời" thì phải luỵ o bán dầu.
- Qua sông thì phải lụy đò/ Lần đầu không biết thì dò cho ra.
Với câu này, độc giả của Zing.vn cũng đưa ra những lời đối dí dỏm và thâm sâu:
- Qua sông thì phải lụy đò/ Đò ngang gãy cáng ước gì đừng qua (Mdel Nhi)
- Qua sông thì phải ngồi thuyền/ Đhông ngồi thì lọt thế là chết oan (Trương Huyền Trân)
- Qua sông thì phải vào bì (vào bao)/ Lỡ mà bì thủng thì là chết oan (Duongvides).