Những lá thư hoàn lương

Những lá thư hoàn lương
TP - “Hãy cho con một cơ hội để làm lại”. Đó là lời em Nguyễn Trần Thiên Ân khi viết thư xin lỗi gửi đến ông bà ngoại của mình ở Biên Hoà- Đồng Nai. Ân từng là một trẻ hư, từng cầm kéo đâm bị thương ông ngoại.

> Đường hoàn lương của tướng cướp một thời lầm lỗi
>Nữ tướng cướp hoàn lương

Khi trẻ hư hối lỗi

Như nhiều đứa trẻ được đưa vào trường giáo dưỡng, ban đầu Ân tỏ ra khá bất cần. Bố mẹ chia tay, cả hai đều có gia đình riêng và đều khó khăn nên ít chăm lo cho Ân. Ân sống với ông bà ngoại nhưng ông bà ngoại cũng nghèo nên phải lo bươn chải, ít quan tâm đến đời sống tâm lý của cháu. Đang học lớp 7, Ân đã theo bạn bè hư đàn đúm, quậy phá xóm làng. Một lần Ân lại bỏ học đi bụi, khi tìm về ông ngoại đã lớn tiếng la Ân. Sẵn bực tức, Ân cầm kéo đâm vào ngực ông ngoại.

Dù vết thương không nặng lắm nhưng hành động hỗn xược và nguy hiểm của Ân đã khiến chính quyền phải ra tay. Ân được đưa vào trường giáo dưỡng số 4. Hơn 5 tháng ở trong trại, từ một đứa trẻ hung hãn bất cần đời, Ân đã có những thay đổi. Trong lá thư được viết khá nắn nót, Ân trải lòng: “Những ngày lên trường con rất hối hận, đêm đêm khi mọi người đã ngủ thì con lại bị dằn vặt bởi hình ảnh mình cầm kéo đâm ông ngoại. Con tự hỏi tại sao con lại làm như vậy với những người đã hết lòng vì con, liệu có cách nào nói lên được để làm giảm bới sự dằn vặt đó không? Con ngàn lần xin lỗi ông bà ngoại. Ông bà hãy tha thứ cho con để con có cơ hội được để làm lại.”

Cô bé Nguyễn Xuân Phụng lại có hoàn cảnh khác với Ân. Phụng sống trong gia đình hạnh phúc tại Tân Bình- TPHCM. Gia đình buôn bán, có của ăn của để và Phụng là con gái lớn trong nhà nên cũng được chăm lo hết mực. Không phụ lòng cha mẹ, Phụng là học sinh giỏi nhiều năm liền. Bi kịch bắt đầy xảy ra khi hết năm lớp 10, Phụng lọt vào mắt một kẻ giang hồ trẻ tuổi. Hắn tìm cách tiếp cận cô bé.

Tuổi mới lớn, bố mẹ lại lo buôn bán ít để ý đến con nên dần dần, cô bé đã ngã lòng vào tay kẻ săn tình từng trải, bắt đầu lừa dối cha mẹ để lao vào những cuộc chơi đêm bất cần. Bị bố mẹ cấm đoán, thay vì ăn năn hối lỗi, Phụng bất chấp, lao vào cuộc tình như con thiêu thân.

Trong một lần, để tìm cách lôi kéo người tình nhí đi chơi, kẻ giang hồ kia đã sai đàn em tới nhà báo tin bố Phụng bị tai nạn để mẹ Phụng đi tìm. Chỉ chờ có thế Phụng trốn nhà theo người tình mấy ngày trời mới chịu về.

Đứt ruột thương con nhưng bố mẹ Phụng vẫn cắn răng làm đơn xin cho Phụng đi trường giáo dưỡng, chỉ mong trường sẽ giúp Phụng thay đổi và quên đi kẻ giang hồ. Những ngày đầu, Phụng khóc và oán trách cha mẹ rất nhiều, nhưng thời gian và cuộc sống nơi đây đã giúp Phụng dần nhận ra sự nông nổi của mình.

Lá thư xin lỗi của Phụng với cha mẹ đẫm nước mắt với những lời ăn năn. Phụng bảo: “Em chỉ tiếc đã không nhận ra sự yêu thương của cha mẹ lớn chừng nào. Hơn một năm ở trường, em nhớ bạn, nhớ thầy cô và thấu hiểu ra bố mẹ gửi em vào trường là mong tốt cho em. Em ân hận lắm!”.

Trường hợp giống nhau là Phạm Hùng Vĩnh và Hồ Tấn Thiện. Cả hai cùng ở xã Bàu Đồn- Gò Dầu- Tây Ninh, bị công an bắt do cầm đầu hai “băng đảng” tỷ thí với nhau bằng mã tấu. Ông Nguyễn Cao Trí- trưởng công an xã Bàu Đồn cho biết cả Vĩnh và Thiện đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cùng là đối tượng lêu lổng, chỉ ham chơi game và quậy phá xóm làng.

Trong một lần tranh tài game online chưa đã, hai băng hẹn xử nhau bằng mã tấu. May là công an phát hiện và giải tán nên chưa xảy ra án mạng. Hai “thủ lĩnh” vì đã vi phạm nhiều lần nên xã quyết định đưa đi trường giáo dưỡng.

Hôm nay, Vĩnh và Thiện cùng viết thư xin lỗi công an xã. Ông Trí bảo: “Chúng tôi hoàn toàn bất ngờ bởi đây là lần đầu tiên, chúng tôi nhận được lá thư xin lỗi từ những đứa trẻ hư. Chúng tôi đã đưa bức thư này cho phường ấp, tổ nơi các em cư trú và ai cũng vui mừng vì các em đã có thay đổi nhất định. Vì thế tôi đã thay mặt xã lên động viên các em học tập tốt.”

Buổi gặp gỡ đầy xúc động

Buổi gặp mặt tại trường giáo dưỡng số 4 có rất nhiều nước mắt. Phụ huynh khóc vì thấy con em của mình thay đổi, các em thì khóc vì được tha thứ, được thương yêu.

Bà Trần Thị Ánh Tuyết ôm chặt đứa cháu ngoại mà bà tưởng đã mất nó mãi mãi, nghẹn ngào: “Khi nó cầm kéo đâm ông ngoại nó, tôi cứ tưởng sẽ từ mặt nó luôn. Ai dè nó đã thay đổi khi biết viết thư về xin lỗi, biết ăn năn. Ông ngoại nó đang bệnh nên không tới, nhưng ổng nhờ tôi nhắn với nó là ổng tha thứ cho nó rồi. Giờ nó cố gắng học cho tốt để sớm ra trường về với ông bà ngoại”.

Còn Ân thì khoe: “Ngoại ơi con đang học nghề rồi, mai này con sẽ về để chăm sóc ông bà ngoại”. Ông Trí xuýt xoa khi gặp hai kẻ ngỗ nghịch ngày nào: “Tôi không ngờ hai đứa (Vĩnh và Thiện) lại thay đổi nhanh đến thế. Hồi đó chúng húi tóc hai bên rồi bôi trét vàng đỏ như bờm ngựa. Mặt mày lúc nào cũng láo liên, ngổ ngáo. Vậy mà giờ chúng hiền lành ngoan ngoãn, gặp mình một hai điều chào chú, cám ơn chú. Chúng nói với tôi mai này con về con sẽ xin chú cho con tham gia dân phòng để giúp các chú. Nghe mà nhẹ cả lòng. Về nói chuyện này chắc hàng xóm vui lắm”.

Nhưng có lẽ vui nhất là cha mẹ của cô bé Phụng: do có thành tích tốt trong học tập, cô bé đã được ra trường trước hạn. Ngày gặp mặt, cô đã về nhà và đi học được hơn một tuần. Nhưng bố mẹ vẫn đưa Phụng, lên trường chỉ để cho cô bé được giãi bày với mọi người lần nữa. Mẹ Phụng nói: “Tôi mừng vì con đã trở lại như ngày xưa. Nhưng tôi tin sau vấp ngã này cháu sẽ tự đứng trên đôi chân mình để vượt qua sóng gió cuộc đời.” Hai mẹ con cùng ôm nhau nghẹn ngào.

Hoạt động “Gửi lời xin lỗi” được trường giáo dưỡng số 4 (Đồng Nai) phát động từ tháng 7/2013. Chỉ sau 3 tháng phát động đã có 638 em trên tổng số 674 học sinh tại trại tham gia viết thư. Thượng tá Nguyễn Thọ Hải- hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ khi có đợt phát động viết thư này, công tác giáo dục trong trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Các em ý thức hơn trong việc chấp hành nội quy, phấn đấu học tập và rèn luyện. Ba tháng nay số em được chấm hạnh kiểm loại tốt đã tăng vọt và số bị đánh giá kém đã giảm đi rất nhiều.”
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG