Đêm thơ - nhạc - kịch Hoa cúc xanh diễn ra ngày 5-6/10 tại Nhà hát Lớn nhắc lại gần như trọn vẹn những dấu mốc cuộc đời, sự nghiệp, những bài thơ xuất sắc của Xuân Quỳnh.
Gia đình và ê-kíp làm chương trình chọn vợ chồng NSƯT Đỗ Kỷ và NSND Lan Hương thể hiện những lá thư của hai vợ chồng tài danh. Những lá thư yêu thương trích trong cuốn sách Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn - một trong ba cuốn sách được in nhân dịp kỷ niệm 80 năm Xuân Quỳnh.
Xin trích một số bức thư của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh được NSƯT Đỗ Kỷ - NSND Lan Hương thể hiện trong đêm Hoa cúc xanh:
Quỳnh thương yêu,
Em gắng đi về bằng máy bay cho khoẻ, không mua gì cũng được. Về với anh và con, về với nhà ta đi thôi. Về với phố Huế chật hẹp, với nhà trẻ nơi ta đón Mí, với quán cà phê Nguyễn Công Trứ, nơi ta uống cà phê 2 hào buổi sáng với những gã giáo viên còm, những người công nhân lam lũ và những tay thợ làm đạo cụ sân khấu, về với những con đường chúng ta vẫn đi, những công việc, với cái thành phố nghèo, nơi người ta sống rất khổ mà vẫn luôn tìm cách để sống cho thanh thản trong nỗi khổ ấy, sống thanh thản và yên tĩnh.
Những ngày này nhớ và thương Quỳnh lắm. Mùa đông này, về với anh, đi bên anh, nằm bên anh trong căn phòng đầy tranh của chúng ta. Và với Mí tuyệt vời của chúng ta. Và chúng ta sẽ viết chứ, sợ gì em nhỉ?
Nếu chúng ta là kẻ không có tài chi lắm, không viết được điều gì to tát, thì cũng sẽ viết được những trang sách về những năm tháng ta sống, về những cay đắng và những niềm yêu thương đơn giản của con người.
Hôn em rất lâu.
Vũ.
Mối tình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh còn được truyền tụng và ngưỡng mộ tới hôm nay. Ảnh: TL. |
Anh nhớ thương ơi,
Anh đi, hôm nay là đúng một tuần. Em ở nhà đếm từng ngày, từng giờ một. Em vừa mệt vừa buồn lúc nào cũng phấp phỏng, có cảm giác “không hiểu em có thực đã được sống với anh không?! Có thật chúng ta đã sống với nhau năm năm rồi chăng?”. Em càng yêu anh em càng phấp phỏng, lo sẽ không được sống với anh được lâu dài.
Xuân Quỳnh
Quỳnh nhớ thương
Em đi đã được một tuần. Nhớ em và buồn lắm. Mấy bố con ở nhà vẫn bình thường. Mẹ đi vắng. Mí cứ quấn bố, tối không chịu xuống bà. Hôm nào cũng bảo: Bố với em đi đón mẹ đi. Mí ăn được, ngủ được, vẽ thêm nhiều tranh mới. Tuấn Anh xuống bác, bà Tuấn Anh vẫn ở đây, ngày nào Tuấn Anh cũng về đi bơi, xong ăn cơm chiều với bà hoặc với anh rồi lại xuống bác. Kít thì vẫn về luôn.
Đời sống vợ chồng con cái mình rồi cũng đã ổn dần, miễn là mình viết được và in được.
Nhiều việc muốn làm quá, anh rất sốt ruột, sức khỏe thì có hạn. Anh cũng muốn làm xong mọi “com măng” để thư thả mà làm thơ. Anh muốn viết khác đi, hay hơn và chắc rằng sẽ viết được.
Mới đó mà đã giữa năm. Em về 2 vợ chồng sẽ đi đâu với nhau 1 chuyến. Em đi Liên Xô kỳ này, anh cũng rất mừng, sống với nhau, anh chỉ mong em sung sướng và làm việc được. Anh thì mãi mãi vẫn thế: Vẫn là anh của em với tất cả nhược điểm và ưu điểm mà anh có, nhưng sẽ mãi mãi yêu thương em, hơn cả những ngày qua cộng lại.
Hôn em. Nhớ em nhiều. Em ở bên đó xứ sở đẹp đẽ, giàu có, có nhớ đến gian buồng và cái sạp của bố con anh không?
Anh của em!
Vợ chồng NSƯT Đỗ Kỷ - NSND Lan Hương đọc thư của Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ. Ảnh: BTC. |
Anh nhớ thương của em,
Mấy hôm nay Mạc Tư Khoa rét lắm, từ 17 độ âm đến 20 độ âm. Quãng đường từ xe buýt tới trường thật là quãng đường gian khổ. Đi trên tuyết như lội trên cát, gió quất tuyết vào mặt bỏng rát. Lớp học nhiều đứa nghỉ, bọn nó lười và vô trách nhiệm, vậy nên em vẫn cứ phải cố gắng đi.
Ở đây, không ai có thể làm gì được. Không đọc, không viết ngay cả học cũng nhiều người bỏ. Họ chỉ tính toán và mua bán cả ngày. Người có ý chí nhất cũng tan biến cả. Ngay cả em, em chỉ có 3 việc: Đến lớp, nhớ nhà và mua hàng. Làm đủ được 3 điều ấy cũng là giỏi lắm rồi.
Thực sự thì bây giờ em cũng cạn tiền, phải chờ xem có lĩnh được nhuận bút sẽ tính mua thêm mọi thứ. Cô Ira phụ trách về Việt Nam ở hội nhà văn Liên Xô ấy thì nghỉ ốm đến hàng tháng nay nên không thể làm giấy cho mình lĩnh nhuận bút được. Nếu như được lĩnh có lẽ em cũng được thêm mấy trăm nữa tha hồ mua bán.
Tối về nhà, thằng Trần Đăng Khoa lên chơi, nó cứ toàn tiên đoán cho mọi người về điều gở.
Em buồn không thể tưởng được! Sáng nay có một cô giáo dạy văn học Anh cô giảng về Dickens và Thackeray.
Em buồn quá!
Buồn quá!
Con trai nhà thơ Xuân Quỳnh (thứ 2 từ trái sang) trong đêm nghệ thuật mừng 80 năm sinh của Xuân Quỳnh. Ảnh: BTC. |
Quỳnh thương yêu,
Anh vẫn bận bịu. Vở Chết cho điều chưa có ở nhà hát Tuổi trẻ đã công diễn. Vở Trương Ba 20 tháng này sẽ xong. Hôm qua chạy mộc trên sàn anh có mời anh Nguyễn Khải xem. Anh Khải thích lắm, bảo rằng là một vở kịch lớn. Anh mong em về xem, Trương Ba sẽ là sự kiện văn hóa trong những ngày tới. Anh Khôi, Trần Tiến, Bích Thu, chị Dung đều đóng các vai chủ chốt. Châu, Phương làm mỹ thuật và âm nhạc. Vợ Lê Hùng làm biên đạo múa. Vở Ngọc Hân anh Đức làm cũng hết tháng thì xong.
Anh vừa viết xong 1 vở cho kịch Hà Nội, sẽ khởi công vào giữa tháng này.
Anh mới nhận tặng thưởng kịch bản của Hội Nhà văn (tiếng thì oai nhưng giải có 10.000 đồng). Tập kịch em biên tập anh Kiên, anh Nam đề nghị anh đưa thêm vở Trương Ba, thay cho một trong 2 vở của anh. Anh đã rút vở Nguồn sáng ra để thay Trương Ba vào. Hiện đã đưa nhà in. Tập thơ anh hiện cũng bắt đầu vào nhà in. Mọi việc nói chung ổn thoả, tốt đẹp.
Anh nhớ thương
Có thể anh không mong thư em, em vẫn viết cho anh. Vì trước tiên là nhu cầu của em, em muốn được trò chuyện với anh.
Anh mới đi có 2 ngày mà em buồn quá. Con và em lại ốm. Hôm nay con đã ăn được tý cơm, em đã đỡ ho. Trời nóng, nhọc mệt nhiều. Chỉ muốn ở bên anh cho đỡ khổ.
Cuộc sống ngắn ngủi, con người chỉ đi qua cuộc đời như một vệt sáng rồi biến mất, vĩnh viễn.
Sống với nhau 12 năm mà ngắn quá dù có vài chục năm nữa ở bên nhau cũng chẳng là dài. Em và anh ngày càng già đi, càng buồn nhiều khi trông thấy những người thân mình ra đi. Em mong và sẽ cố gắng sao cho những năm sống của chúng ta vui và đỡ nhọc nhằn hơn. Em thương anh nhiều lắm. Anh vất vả chẳng có phút nghỉ ngơi. Làm sao mà đỡ đần sự nhọc nhằn được cho anh!
Nhớ giữ gìn sức khoẻ và tình yêu của anh cho em và cho các con. Đừng ở lâu ở Sài Gòn. Em và các con mong anh lắm.
Em đây.