Tranh Việt đấu giá gần 1,5 triệu euro: Cú hích cho thị trường

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hai tác phẩm "Chơi bài" và "Xem bói" của cố họa sĩ Thang Trần Phềnh được bán với giá gần 1,5 triệu euro. Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung cho rằng đây sẽ là cú hích cho thị trường tranh Việt Nam.

Trong phiên đấu giá hôm 4/10 của nhà Lynda Trouvé diễn ra tại Trung tâm đấu giá Drouot (Paris, Pháp), hai tác phẩm của cố họa sĩ Thang Trần Phềnh được bán với giá gần 1,5 triệu euro (gần 36 tỷ đồng). Cụ thể, tác phẩm Chơi bài được bán với giá xấp xỉ 18,5 tỷ đồng và tác phẩm Xem bói được gõ búa với giá xấp xỉ 17 tỷ đồng).

Tranh Việt đấu giá gần 1,5 triệu euro: Cú hích cho thị trường ảnh 1

Thông tin đấu giá hai bức tranh trên trang web của của nhà Lynda Trouvé. Ảnh: CMH.

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, ban đầu nhà đấu giá cho rằng hai bức tranh là của Trần Bình Lộc vì đọc được chữ ký Trần Bình. Nhờ những thông tin về hai tác phẩm được giới thiệu trong cuốn Thang Trần Phềnh (NXB Mỹ Thuật, 2018, trang 28, phần I) của ông, nhà đấu giá kịp thời chỉnh sửa thông tin về tác giả.

Tranh Việt đấu giá gần 1,5 triệu euro: Cú hích cho thị trường ảnh 2

Bức tranh Xem bói với kích thước 60x76 cm. Ảnh: Lynda Trouvé.

Là một chuyên gia thẩm định tranh Đông Dương, ông Ngô Kim Khôi chia sẻ với Tiền Phong: “Việc thẩm định một bức tranh phải qua nhiều yếu tố, không chỉ là chữ ký, mộc hay lạc khoản, mà còn là phong cách, lịch sử và xuất xứ của tranh”.

Để xác định được chủ nhân của hai tác phẩm, ông Ngô Kim Khôi dành nhiều năm nghiên cứu tư liệu gia đình cố họa sĩ Thang Trần Phềnh, tìm hiểu thông tin từ lưu trữ ở Pháp, qua thư từ trao đổi giữa cơ quan tổ chức triển lãm bên Pháp (Đông Dương Kinh tế Cục) và Victor Tardieu (Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đông Dương).

Tranh Việt đấu giá gần 1,5 triệu euro: Cú hích cho thị trường ảnh 3

Bức tranh Chơi bài với kích thước 81x92 cm. Ảnh: Lynda Trouvé.

Nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung chia sẻ với Tiền Phong rằng hai bức tranh của cố họa sĩ Thang Trần Phềnh được bán với gần 1,5 triệu euro (xấp xỉ 36 tỷ đồng) là “tin vui” với thị trường tranh Việt Nam.

“Với mức giá như vậy đối với một tác phẩm của họa sĩ Việt Nam thì đây là một điều đáng mừng. Nó tạo cú hích để giá thị trường tranh Việt Nam cao hơn. Nếu người mua tranh là người Việt Nam, tranh sẽ sớm được mang về nước trưng bày để mọi người có thể thưởng thức giá trị nguyên bản của tác phẩm”, nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung nói.

Bên cạnh đó, nhà phê bình mỹ thuật Phạm Trung cũng cho rằng người mua tranh là người có tiền và họ mua tranh theo cảm xúc và khả năng tài chính. Vậy nên, giá trị thị trường của tranh chưa chắc tương đồng với giá trị nghệ thuật trong con mắt của giới chuyên môn.

Tuy nhiên, một số chuyên gia, nhà phê bình mỹ thuật bày tỏ sự thận trọng trước tính xác thực, độ tin cậy về xuất xứ của một số bức tranh mỹ thuật Đông Dương được đấu giá ở nước ngoài, bởi tình trạng sao chép tranh, buôn bán tranh giả vẫn tràn lan trên thị trường.

Thang Trần Phềnh (tức Trần Văn Bình, tự Đạt Siêu) có bố đẻ là ông Thang Thọ Ký người lai Trung Quốc, mẹ là Lê Thị Ngát người Việt Nam.

Ông nổi danh từ khi chưa vào học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và được xem là một trong những viên gạch đầu tiên tạo nền móng mỹ thuật Việt Nam cận đại. Ông cũng đóng vai trò là “người khai mở” và có đóng góp lớn cho mỹ thuật sân khấu Việt Nam.

Các tác phẩm như Chơi bài Tam Cúc (1930), Xem bói (1931 nhận bằng khen mỹ thuật Rome), Thiếu nữ dệt vải (1933), Xuống ngựa, Lý trưởng hỏi thăm đường (1934)... là những bức tranh lụa thời kỳ đầu của nền mỹ thuật Đông Dương, kết hợp hài hòa kỹ thuật vẽ phương Tây và bản sắc văn hóa dân tộc.

Theo một số tài liệu đã được công bố, khá nhiều tác phẩm của Thang Trần Phềnh sau đó đã được gửi sang triển lãm và bán ở châu Âu. Hiện nay, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đang trưng bày 2 tác phẩm nổi tiếng của ông là Phạm Ngũ Lão (sơn dầu, 1923) và Chân dung phụ nữ Lào (sơn dầu, 1927).

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.