Những kỹ sư của nông dân

Mô hình bay không người lái phun thuốc BVTV của kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa
Mô hình bay không người lái phun thuốc BVTV của kỹ sư Lâm Trọng Nghĩa
TP - Không chịu theo lối mòn, một số bạn trẻ ở Đồng Tháp mạnh dạn đưa công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp. Không chỉ tăng hiệu quả, giảm chi phí, những giải pháp công nghệ còn giúp nông dân bảo vệ sức khỏe khi trồng lúa.

Ứng dụng mô hình bay không người lái

Nheo mắt nhìn “con drone” (thiết bị bay không người lái) đang bay phun thuốc trên cánh đồng lúa bạt ngàn, kỹ sư trẻ Lâm Trọng Nghĩa (33 tuổi) - Tổ trưởng Tổ phun dịch vụ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) bằng drone thuộc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông (Đồng Tháp) chia sẻ, anh biết đến phương pháp xịt thuốc BVTV bằng thiết bị bay không người lái thông qua Internet. Anh quyết định đầu tư gần nửa tỷ đồng để sáng tạo ra thiết bị phun thuốc biết bay thay thế phun thuốc kiểu thủ công hiện nay.

“Nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp, tôi hiểu được những khó khăn của người nông dân trong việc sản xuất lúa hiện nay. Phần lớn các công đoạn trong sản xuất đã được ứng dụng cơ giới hóa nhưng riêng công đoạn phun xịt thuốc BVTV thì hầu như vẫn còn sử dụng thủ công là chính, khiến chi phí sản xuất cao. Để tìm lời giải cho những trăn trở này, tôi đã chọn giải pháp ứng dụng drone vào công đoạn trên” - anh Nghĩa chia sẻ.

Anh Nghĩa đánh liều đầu tư một con drone trị giá gần nửa tỷ đồng, bất chấp sự can ngăn của gia đình. Về nguyên lý vận hành, mỗi thiết bị drone sẽ mang theo một bình đựng thuốc dung tích 10 lít và 1 cục pin. Thời gian phun xịt 1 công lúa là 7 phút, máy chỉ cần thay pin là có thể hoạt động liên tục, hiệu quả gấp 20 lần so với phun xịt thủ công, đồng thời giúp nông dân tiết kiệm được 30% lượng thuốc BVTV trong một lần phun.

Qua thử nghiệm, đánh giá của các chuyên gia và người dân, mô hình máy bay không người lái đã giảm lượng thuốc sử dụng, tránh tồn dư hóa chất trên sản phẩm lúa sau thu hoạch. Không những thế, mô hình còn giúp tiết kiệm công lao động, bảo đảm an toàn, sức khỏe cho nông dân khi phun thuốc. Nhờ mô hình này, sản lượng lúa tăng thêm từ 150-200 kg/ha.

“Ban đầu nhiều nông dân lo ngại không dám cho thử nghiệm vì lo lúa sập, phun không đảm bảo cho cây lúa. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau mô hình đã thuyết phục được họ. Giờ nhiều nông dân rất tin tưởng mô hình này và thường xuyên đặt lịch”, kỹ sư Nghĩa nói và cho biết hiện có trên 200 khách hàng thường xuyên đặt lịch phun, giờ bay luôn kín mít.

Xe phun thuốc tự động

Cầm chiếc remote (thiết bị điều khiển từ xa) trên tay, kỹ sư Võ Hào Em (thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp) nhẹ nhàng điều chỉnh các chức năng. Từ xa, một chiếc xe có gắn động cơ mang theo bình thuốc trừ sâu từ từ lăn bánh, đồng thời mở rộng hai cần dài cả chục mét rồi nhẹ nhàng phun thuốc trên cánh đồng lúa.

“Chiếc máy này tôi và các cộng sự tự tìm tòi, sáng chế và đưa vào sử dụng đã được hai năm. Khâu phun xịt thuốc là độc hại nhất trong sản xuất nông nghiệp, rất khó tìm nhân công. Vì vậy, chiếc máy này ra đời nhằm giúp bà con phần nào vất vả, cũng như an toàn khi phun thuốc”, Hào Em chia sẻ.

Thoạt nhìn chiếc máy có vẻ đơn giản với các động cơ, thiết bị tự chế, bộ phun sương, 4 bánh xe, hộp số cùng với bình chứa thuốc BVTV… nhưng công dụng “không phải dạng vừa”. Chỉ cần cho thuốc vào bình chứa, sau đó điều khiển để cần phun bung rộng ra hai bên. Cần phun có thể điều khiển cao hay thấp tùy theo lúa lớn hay nhỏ hoặc khi có gió mạnh. Dung dịch được bắn dưới dạng sương mù, phủ đều trên ruộng.

“Với chiếc máy này, mỗi hecta lúa chỉ mất chưa đầy 30 phút để phun, giúp tiết kiệm 30% lượng thuốc, thay thế 10 lao động thủ công. Nếu chưa quen điều khiển bằng remote, người dùng có thể ngồi điều khiển trực tiếp bằng cách bấm nút và các cần gạt tích hợp ngay trên xe”, Hào Em cho biết.

Nhờ chiếc máy phun thuốc bằng công nghệ 4.0 của Hào Em và cộng sự, nông dân không còn phải oằn lưng vác bình thuốc đi phun xịt mà nó còn giúp giảm lượng thuốc, tăng hiệu quả phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, sức khỏe của nông dân được đảm bảo khi không phải trực tiếp phun thuốc cho lúa.

Đánh giá các ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp của một số bạn trẻ, anh Huỳnh Minh Thức, Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp cho hay, các ứng dụng có nhiều đổi mới, sáng tạo, bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tham gia thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. “Tỉnh Đoàn đã thành lập phòng Hỗ trợ khởi nghiệp dành cho thanh thiếu niên, các CLB thanh niên khởi nghiệp nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ mạnh dạn triển khai các dự án khởi nghiệp. Bên cạnh đó còn hỗ trợ các bạn vay vốn khởi nghiệp, thiết kế nhiều chương trình ưu đãi khác...”, anh Thức cho biết.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.