Những khoảng lặng thanh xuân: Xa vời an cư

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều gia đình công nhân vẫn sống trong những phòng trọ chật đến mức dịch chuyển là va vào nhau. Đa phần họ chưa dám mơ về một chỗ ở để cả gia đình cùng sinh sống, nuôi dạy con cái ổn định lâu dài, cho dù, họ có thể làm công nhân 10, 20 hay 30 năm nữa.

Năm người 20 mét vuông

Căn nhà rộng chừng 20 m2 ở khu My Điền, thị trấn Nếnh, Việt Yên, Bắc Giang được lợp tấm lợp xi măng, là nơi sinh sống gần chục năm trời của gia đình anh Dương Văn Công, công nhân Công ty TNHH Hosiden. So với những phòng khác cùng dãy trọ thì phòng của gia đình anh Công thuộc dạng phòng “VIP”. Tuy nhiên, do gia đình có 5 người (gồm hai vợ chồng, hai cháu nhỏ và bà nội lên trông cháu) nên vẫn trở nên chật chội và nóng bức.

Những khoảng lặng thanh xuân: Xa vời an cư ảnh 1

Loại hình khu nhà trọ được nhiều công nhân lựa chọn

Anh Công kể, năm 2013, khi vợ chồng anh chuẩn bị sinh con đầu lòng, cũng là lúc chủ nhà xây khu trọ 20 phòng, mỗi phòng tầm 10 m2. Xác định làm việc lâu dài, lại cần chỗ rộng rãi cho con ở, anh chị sang đặt riêng ông chủ ghép 2 phòng làm một cho vợ chồng anh thuê. Theo đó, 2 phòng được ngăn cách bằng vách ngăn, thông nhau bằng 1 lối đi.

Tại cuộc đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân hôm 12/6 tại Bắc Giang, ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho hay, hiện Bắc Giang đang có 19 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 14 dự án đang triển khai. Theo ông Thái, khúc mắc nhất với doanh nghiệp là phải trực tiếp ký hợp đồng với công nhân. Trong khi, nhiều trường hợp công nhân không làm việc ổn định, nhảy việc, chuyển chỗ ở nên rất khó khi doanh nghiệp thực hiện cho thuê. Ngoài ra, theo ông Thái, việc xác định giá cho thuê, hiện nay theo hướng dẫn của các bộ, ngành chưa cụ thể.

Phòng ngoài, ngay cửa ra vào là lối đi chung, cũng là chỗ trải chiếu ăn cơm. Diện tích còn lại kê chiếc bàn học cho con, chiếc phản nhỏ cho bà nằm và chiếc tủ nhỏ để giày dép. Phòng bên trong cũng chỉ đủ chỗ kê chiếc giường, tủ quần áo và chiếc bàn con con. Quần áo được cất trong chiếc tủ nhỏ góc tường. Những bộ áo quần không mặc tới anh chị cho vào trong vali để dưới gầm giường.

Đồ đạc được anh chị sắp xếp gọn gàng, nhưng nhìn vào vẫn có cảm giác bức bối.

Anh Công chia sẻ: “Thường ngày, vợ chồng tôi đi làm, các cháu đi học, mình bà ở phòng cũng thoải mái. Bất tiện nhất là những hôm vợ chồng tôi và các cháu cùng nghỉ. Năm người trong phòng, đi không khéo là va vào nhau. Phòng chật, nhà đông, mọi sinh hoạt đều rất khó khăn. Chuyện sinh hoạt vợ chồng nhiều lúc cũng vậy, chỉ tranh thủ ngày nghỉ bà về quê. Có lúc hai vợ chồng cũng muốn thuê nhà nghỉ nhưng ngại, tốn kém, nên thôi”.

Anh Công cho hay, cả khu trọ có 3 nhà vệ sinh, dùng chung cho hơn 40 người. Đến giờ làm, nhiều người chờ nhau, chỉ cần một “trục trặc” nhỏ có người sẽ không kịp đi vệ sinh để đi làm. “Vợ chồng tôi cũng muốn tìm thuê căn nhà rộng hơn, nhưng ở đây tìm được nhà như vậy rất khó, mà có tìm được thì giá cũng cao, tính đi tính lại đành chấp nhận ở lại đây để tiết kiệm tiền cho các cháu ăn học” - anh Công nói.

Những khoảng lặng thanh xuân: Xa vời an cư ảnh 2

Anh Nguyễn Văn Báu, một công nhân thuê trọ ở My Điền, Việt Yên, Bắc Giang nấu ăn trong căn bếp chật chội

Gần đó là chỗ ở của vợ chồng anh Lèo Văn Tiệp, quê Mường La, Sơn La. Bình thường, anh chị gửi con ở quê nhờ bà nội trông nom nhưng vừa rồi các cháu nghỉ hè, anh chị đưa các cháu xuống ở cùng. Căn phòng 10 m2 trước chỉ có hai vợ chồng thu xếp vẫn ổn, giờ 4 người thành ra chật chội. Anh Tiệp nói: “Chúng đang ở trên quê rộng rãi quen rồi, nay xuống đây cứ phải quẩn quanh trong nhà trọ bức bí lại không có chỗ chơi thấy cũng tội. Tôi định mua cái tivi cho các cháu xem hè mà phòng chật quá không có chỗ kê nên thôi”.

Ba người trong gia đình anh Lý Văn Toán, quê Lạng Sơn thì chọn thuê 2 phòng cạnh nhau ở My Điền. Trước đây, vợ chồng anh chỉ thuê căn phòng 12 m2. Căn phòng cũng chỉ kê được một chiếc giường, phần còn lại là bếp nấu ăn và nhà vệ sinh. Đầu năm nay, con trai lớn nhà anh chị cũng theo bố mẹ xuống Bắc Giang làm công nhân. Mấy hôm đầu, cháu cũng ở cùng anh chị. “Hai vợ chồng ở thấy ổn, nhưng ba người thì quá chật chội, sinh hoạt nhiều bất tiện nên tôi thuê cho cháu một phòng riêng ngay sát phòng chúng tôi. Biết là tốn kém nhưng đành chấp nhận, cháu nó lớn rồi, cũng cần không gian riêng” - anh Toán cho hay.

Muốn thuê nhà rộng…

Trong căn phòng chưa đầy 10 m2, anh Hoàng Văn Tuyên đang cặm cụi nấu ăn. Vợ anh, chị Bùi Thị Quyến mang thai được 5 tháng nhưng vẫn phải làm ca đêm nhiều, người xanh xao, mệt mỏi. Thương vợ, bữa nay, anh có mua thịt bò về tẩm bổ cho 2 mẹ con. Gia đình 2 bên đều khó khăn, nêu người nên đợt tới sinh con, chị sẽ nghỉ ở nhà. Khi chị đi làm, chưa biết tính gửi con ra sao?

Anh Tuyên lo lắng nói: “Ở nhà trọ công nhân này, dù có mất nhiều tiền hơn một chút thuê người cũng chưa chắc có ai dám nhận. Phòng chật chội, bí bách, mùa đông còn đỡ, mùa hè nóng bức, ngột ngạt, con quấy khóc, ai dám nhận trông?”. Khi được hỏi anh chị có dự định mua nhà ở xã hội tại Bắc Giang không, anh Tuyên dè dặt: Hiện tại, lương 2 vợ chồng trung bình được khoảng 16, 17 triệu/tháng. Trừ tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống và chi phí khác, hiện tại mỗi tháng cũng để ra 5-6 triệu. Nhưng sắp tới, vợ sinh con, chi phí sẽ tốn kém hơn nên số tiền tiết kiệm chẳng được bao nhiêu. “Nếu có khu nhà trọ hay nhà ở xã hội cho thuê đủ cho một gia đình sinh sống, giá cả phải chăng tôi sẽ cố gắng thuê. Còn việc mua nhà trả góp hàng tháng, hiện tại vợ chồng tôi cũng chưa nghĩ đến”, anh Tuyên cho hay.

Tương tự, vợ chồng anh Lã Văn Báu và chị Hoàng Thị Thanh quê ở Lạng Sơn cũng chưa dám nghĩ đến việc mua nhà. Vợ chồng anh chị cùng xuống Bắc Giang làm công nhân được gần 2 năm, con trai 5 tuổi ở nhà với ông bà nội. Hiện tại, thu nhập của hai vợ chồng trung bình mỗi tháng cũng được 15-16 triệu nhưng chi phí thuê nhà, điện nước, cỗ bàn, lại thêm tiền gửi hàng tháng về quê cho ông bà nuôi con nên tiết kiệm không được bao nhiêu. Bản thân anh chị xác định làm công nhân 20, 25 năm để có đủ điều kiện hưởng lương hưu, sau đó về quê sinh sống.

Trong vai người đi mua nhà, tôi tìm đến dự án nhà ở xã hội (NƠXH) Evergreen, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên. Tại đây, tôi được các nhân viên môi giới nhiệt tình chào mời về dự án nhà ở xã hội quy mô lớn nhất tỉnh Bắc Giang này. Theo giới thiệu của nhân viên môi giới, dự án xây dựng 6 tòa chung cư cao tầng gồm Từ G1 đến G6, mỗi tòa khoảng 400 căn. Hiện, các căn của tòa G1, G2 đã bán hết, tòa G3 mới làm xong móng, đang xin phê duyệt giá.

Trước đây, giá của tòa G1, G2 là 12,5 triệu/m2; môi giới sẵn sàng mua được cho khách nếu chịu chi thêm 1 triệu/m2. Khi thấy tôi nói mình là công nhân mua nhà để ở, nữ nhân viên môi giới bán hàng cười nói: “Em chưa thấy công nhân nào đến hỏi mua nhà ở đây”.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.