Những kẻ khùng khùng dễ thương

Ngắm chim trong rừng thông
Ngắm chim trong rừng thông
TP - Khi còn trai trẻ, Nguyễn Cử rời trường đại học để hành quân dọc đường Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Thời bình, anh lại lội bộ ngang dọc khắp núi rừng Trường Sơn để nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, trở thành một trong những nhà điểu học hàng đầu Việt Nam.

Phát hiện những loài quý hiếm bậc nhất thế giới

Năm 1972, đang là sinh viên năm 3, Nguyễn Cử nhập ngũ rồi được điều vào chiến trường B2. Hành quân dọc đường mòn Trường Sơn để vào Nam dưới mưa bom bão đạn, anh thấm thía chiến trường ác liệt, hiểm nguy đến mức nào. Vài tháng trước ngày Sông Bé được giải phóng, vị tướng Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Đinh Đức Thiện bảo Nguyễn Cử: “Chuẩn bị theo mình đi làm kinh tế”. Dẫu rất quý vị tướng dân dã, đậm chất lính nhưng anh đã từ chối và xin được trở về Hà Nội học tiếp năm cuối đại học, khoa Sinh vật.

“Giữa những cánh rừng chằng chịt hố bom, cây cối bị thiêu cháy, tưởng như mọi sinh vật đã bị hủy diệt, bỗng vang lên tiếng hót lảnh lót, du dương của chim ngũ sắc hoặc giọng luyến láy, lên bổng xuống trầm đầy cuốn hút của họa mi giúp mình xốc lại tinh thần, đồng thời khám phá ra rằng, Việt Nam rất giàu có chim rừng, thiên nhiên hoang dã chứa đựng nhiều bí ẩn và là nguồn cảm hứng vô tận.

Mặt khác, hình ảnh những tổ chim rách mướp rơi xuống đất, chim non đói rét run rẩy vì bố mẹ đã chết trong lửa đạn, thường xuyên ám ảnh thôi thúc mình tìm cách bảo vệ môi trường sống của những sinh vật xinh xắn, bé nhỏ, dễ bị tổn thương trong cuộc đấu tranh sinh tồn khốc liệt” - Nguyễn Cử tâm sự. 

Sau khi tốt nghiệp, anh về làm việc tại Viện Sinh thái & Tài nguyên Sinh vật, cùng các nhà nghiên cứu của các tổ chức bảo tồn chim trong nước và quốc tế như Jonathan Eames, Craig Robson, Lê Trọng Trải… Dấu giày anh in trên khắp các cánh rừng của Trường Sơn hùng vĩ. 

Anh kể: những năm 1996-1999, tại Tây Nguyên, bọn mình đã phát hiện ba loài chim mới, quý hiếm cho khoa học là Khướu vằn đầu đen, Khướu konkakinh và Khướu ngọc linh, góp phần làm cho Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn giới xem chim trên thế giới.

“Thật đáng ngạc nhiên chỉ trong vòng ba năm đã phát hiện ra ba loài mới. Đây thực sự là một thành tích đáng nể” - nhà xem chim người Anh là Richard Craik, ông chủ của Vietnam Birding, thán phục. Bọn mình còn tìm được Lách tách ngực nâu - phân loài khướu mới; phát hiện lại các loài đặc hữu như Khướu đầu đen, Khướu đầu đen má xám và đặc biệt là Mi langbian - loài quý hiếm bậc nhất thế giới ngỡ đã tuyệt chủng hơn nửa thế kỷ qua. 

Trong rừng Cát Tiên, anh cùng đồng nghiệp phát hiện lại loài đặc hữu nổi tiếng của Việt Nam nhưng đã mất tích suốt 64 năm là Gà so cổ hung. Loài này chỉ nhỏ bằng chim cút, sống thành cặp ở đồi tre và mỗi quả đồi chỉ có một cặp.

Còn ở Quảng Bình, tìm thấy loài chim mới, quý hiếm là chích đá vôi, đồng thời phát hiện lại loài đặc hữu rộng là Khướu đá mun từng bị cho là đã tuyệt chủng. Hầu hết các loài nói trên đều được đưa vào sách đỏ vì bị đe dọa mất môi trường sống.

Những kẻ khùng khùng dễ thương ảnh 1 Công múa

Nói thì đơn giản thế nhưng việc công bố một loài mới rất kỳ công, gian khổ, ít thì một năm mà cũng có khi kéo dài nhiều năm, bởi phải thu thập mẫu, nghiên cứu, tổng hợp tài liệu để có những bằng chứng thuyết phục.

Quá trình tìm kiếm các loài chim, nhiều lúc bị Fulro truy kích rất nguy hiểm. Qua sông gặp lũ phải dùng nhiều cọc chống đỡ để xe không bị trôi. Có lúc phải vượt qua con suối gọi là suối lạnh vì nước buốt tận óc.

Nhiều đêm mất ngủ vì phải chiến đấu với cơ man nào là ruồi vàng độc hại. Lắm lúc mưa kéo dài suốt tuần, sấm sét ầm ầm; biết rằng nằm dưới gốc cây to rất nguy hiểm nhưng buộc lòng phải mắc tăng võng vào cây mà ngủ chứ không còn cách nào khác.

Những gã điên điên khùng khùng dễ thương

TS Cử cho biết xem chim (bird watching) xuất hiện từ đầu thế kỷ 20 ở Anh rồi lan sang các quốc gia khác. Những ngày cuối tuần và ngày lễ, ở các nước Anh, Hồng Kông, Nhật Bản, Đài Loan…, người ta đi xem chim rần rần; đưa cả thuyền lên ô tô để đến các điểm ngắm chim.

Dụng cụ xem chim của họ còn hiện đại hơn thiết bị nghiên cứu chim của cán bộ mình. Nhiều người đầu tư số tiền rất lớn (trên dưới 10.000 USD) mua ống nhòm, microphone, máy ảnh.

Dùng microphone thu tiếng chim vào máy ghi âm, khi gặp những giống chim khó quan sát thì phát băng ghi âm giọng hót của cá thể cùng loài để dụ chim tới thật gần. Phải ghi âm giọng hót quyến rũ của chim trống gọi mái bởi nếu âm thanh thể hiện tâm trạng hoảng loạn, chim hoang dã sẽ không xuất hiện. 

Những kẻ khùng khùng dễ thương ảnh 2 TS Cử trên đỉnh núi ở Tây Nguyên

Chim quý thường ở rừng sâu, thường xuyên di chuyển, thoắt ẩn thoắt hiện nên các birder phải vượt núi băng rừng hàng chục cây số mỗi ngày, mồ hôi thấm ướt cả áo dù thời tiết trong rừng khá mát mẻ. Nhiều chuyến phải nằm rừng vài ngày, đôi ba tuần, thậm chí cả tháng trời mới tìm thấy chim.

Họ thường thức khuya dậy sớm, lắng nghe tiếng chim hót từ 4 giờ sáng, khi rừng còn giăng sương lạnh, tìm kiếm chim từ ngay sau khi mặt trời mọc cho đến gần trưa, còn buổi chiều từ khoảng 16 giờ cho đến lúc hoàng hôn. Với những loài chim ăn đêm thì âm thầm theo dõi trong bóng tối. 

Họ không mặc quần áo màu sáng, rực rỡ mà thường chọn màu ghi đá cho đồng sắc với môi trường xung quanh để không làm chim hoảng sợ bay đi mất. Đi rất chậm, khẽ khàng để không làm kinh động chim đang chuyền cành, tìm kiếm thức ăn. Nói nhỏ, hạn chế tối đa những âm thanh khiến chim giật mình. Không hút thuốc, không quấy rầy người khác khi quan sát chim.

Họ biết loài cây nào cho nước uống, trái cây nào có thể ăn được và với liều lượng bao nhiêu, cây nào giòn hoặc ngược lại để có thể leo trèo tìm chỗ nấp lý tưởng để chụp ảnh chim, ban đêm treo võng thế nào để khỏi ướt sương, đề phòng thú dữ, tránh muỗi, vắt…

Họ thường xuyên di chuyển nên hành lý rất gọn nhẹ, ăn uống đơn giản: lương khô, trái chuối, gói xôi, miếng bánh mì, chai nước khoáng… Ngày nào phát hiện được chim quý là đêm đến cả đoàn trò chuyện rôm rả, so kè nhau từng góc ảnh đẹp, nhại lại những tư thế hớ hênh, khó đỡ của bạn đồng hành trong lúc đi rừng khiến mọi người cười lăn lóc, vơi bớt mệt nhọc. Bởi thế, người ta hay dùng từ crazy lovely để nói về giới xem chim, nghĩa là điên điên khùng khùng nhưng dễ thương.

Khoảng trống du lịch xem chim ở Việt Nam   

Theo Birdlife quốc tế, Việt Nam có tới 900 loài chim, trong đó có 12 loài đặc hữu (đứng đầu Đông Dương về số lượng loài chim đặc hữu), 43 loài bị đe dọa toàn cầu và hàng chục loài hiếm gặp. Là một trong những nước có quần thể chim đa dạng hàng đầu thế giới, chỉ sau một vài quốc gia như Nam Mỹ, Peru…

Thế nhưng, do không có hướng dẫn viên bird watching chuyên nghiệp, dịch vụ lưu trú, ăn uống còn nhiều bất cập và khan hiếm tài liệu về các loài chim nên mãi đến những năm 1990 mới bắt đầu có vài nhóm du khách quốc tế đến Việt Nam xem chim. 

TS Cử cũng cho rằng số công ty bird watching ở Việt Nam rất hạn chế, có thể đếm được trên đầu ngón tay. Ở các điểm du lịch, rất ít người có nghiệp vụ, trình độ để hướng dẫn xem chim; nhiều hướng dẫn viên chủ yếu làm nhiệm vụ dẫn đường cho khách đến các địa điểm mà họ yêu cầu, sau đó thì nằm tại chỗ, để mặc cho khách tự khám phá các loài chim hoang dã.

Bởi thị trường bird watching nước ta còn bỏ ngỏ nên nhiều công ty lữ hành nước ngoài và một số birder giỏi của các nước xem đây là cơ hội tốt để tổ chức tour xem chim, thu về nguồn lợi đáng kể. 

Để trở thành những hướng dẫn viên giỏi như Craig Robson, Jonathan Eames… phải đam mê, lăn xả dữ lắm. Họ chẳng có bằng cấp gì liên quan đến lĩnh vực này, xuất phát điểm chỉ là mê chim và đi xem cho thỏa chí tò mò nhưng vì đam mê, ham học hỏi họ dần thành thạo, trở thành những nhà bảo tồn, viết sách, hướng dẫn viên, người tổ chức tour bird watching chuyên nghiệp.

Craig Robson có thể bắt chước tiếng hót để gọi vài chục loài chim về cho mọi người cùng xem. Mỗi lần sang Việt Nam, anh đều có chương trình xem chim riêng, ai muốn tham gia phải bỏ tiền ra để được nhập đoàn. Anh đã viết cuốn sách nổi tiếng Birds of Southeast Asea (Chim Đông Nam Á).

Nhiều người nước ngoài sẵn sàng bỏ ra hàng chục ngàn đô la để xem một vài con chim quý trong khi chúng ta lại không bảo vệ được môi trường khiến nhiều loài có nguy cơ hoặc bị tuyệt chủng. TS Cử trăn trở.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.