Những hy sinh thầm lặng
Trao đổi với PV Tiền Phong, anh Dương Văn Trường, cán bộ kỹ thuật đội truyền tải điện Châu Đốc, Truyền tải điện miền Tây 3 (Công ty truyền tải điện 4) cho biết, so với các đồng nghiệp khác trong ngành, công việc của người thợ truyền tải có phần đặc thù, nếu không muốn nói là khổ cực hơn rất nhiều. Như huyện Tịnh Biên (An Giang) hiện có 2 tuyến đường dây 220kV đi qua với tổng số 89 trụ điện trải dài trên địa bàn nhiều xã, thị trấn. Do tuyến đường dây đa phần nằm ở khu vực ruộng lúa với nhiều kênh rạch chằng chịt, việc đi lại kiểm tra tương đối khó khăn, đặc biệt là vào mùa lũ.
Những người lính truyền tải điện miền miền Tây 3 đi kiểm tra tuyến đường dây mùa nước nổi
“Theo kế hoạch, một tháng chúng tôi đi kiểm tra bốn lần. Mùa nước nổi, nước có thể dâng cao vài mét nên các phương tiện thuỷ có thể gặp nguy hiểm khi đi qua các đường dây cao áp. Khó khăn nhất là một số nơi có đò để đi thì dễ. Còn những nơi khác chỉ ngập nông khoảng 1m, anh em phải bỏ hết quần áo, bơi ra để kiểm tra. Đi kiểm tra đường dây gặp sóng lớn, lật xuồng, anh em trong đoàn ướt như chuột là việc từng xảy ra”, anh Trường kể.
Anh Hồ Trần Hải Đăng, Đội trưởng đội truyền tải điện Châu Đốc (An Giang) cho hay, Tịnh Biên là huyện biên giới nằm trong vùng ĐBSCL, có tuyến đường dây 220kV Châu Đốc-TaKeo cung cấp điện cho nước bạn Campuchia. Dù dân cư ổn định nhưng vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm đến an toàn của công trình lưới điện.
Theo anh Đăng, từ khi tuyến đường dây đóng điện vận hành, cán bộ công nhân truyền tải điện đã thường xuyên phối hợp với công an, bộ đội biên phòng và người dân địa phương thực hiện các chương trình tuyên truyền, tuần tra bảo vệ đường dây. Những chuyến tuần tra thường xuyên đã giúp phát hiện kịp thời các trường hợp người dân trồng cây, làm nhà vi phạm hành lang an toàn lưới điện. “Hoàn thành công việc, đảm bảo an toàn là yếu tố chúng tôi đặt lên hàng đầu. Còn làm việc dưới nắng nóng oi bức của thời tiết mùa hè, mưa xối xả khi chuyển mùa, đi kiểm qua ngày hay đêm là công việc chúng tôi đã quá quen. Chúng tôi chỉ quan tâm làm sao để bà con đi lại, sinh sống an toàn mỗi khi mùa lũ về”, anh Đăng chia sẻ.
Nhiều biện pháp bảo vệ an toàn lưới điện
Ông Châu Sóc Kha, Phó Giám đốc Truyền tải điện miền Tây 3 cho biết, thời gian qua, công tác bảo vệ hệ thống lưới điện được sự quan tâm hỗ trợ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể, các ngành nên thu được nhiều kết quả tốt. Nhiều năm qua, Truyền tải điện miền Tây 3 đã phối hợp với chính quyền địa phương có đường dây cao thế đi qua tổ chức công tác bảo vệ, tuyên truyền cùng nhân dân tham gia bảo vệ an toàn cho hệ thống lưới điện như không trộm cắp, tháo dỡ phụ kiện lưới điện, không xây dựng nhà cửa, các công trình trong hành lang đường dây không đạt theo Nghị định của Chính phủ, không đốt nương rẫy trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện, không thả diều, ném các vật gây sự cố cho đường dây, không sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động mạnh hoặc gây hư hỏng cho công trình lưới điện...
Theo ông Kha, với việc bám sát địa bàn, nắm rõ đặc điểm từng tuyến đường dây và xây dựng được mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền và người dân địa phương, các cán bộ công nhân truyền tải đã xây dựng được mạng lưới thông tin xuyên suốt trong việc đảm bảo việc truyền tải điện.
Tuy nhiên, do đường dây trải dài, rộng khắp 3 tỉnh, thành qua nhiều địa hình khá phức tạp và khó khăn cho việc đi lại kiểm tra nên vẫn còn tồn tại những khó khăn trong quá trình bảo vệ hệ thống lưới điện. Tính đến tháng 10/2016 có 6 căn trong đó có 4 căn thuộc địa bàn huyện Châu Thành, Kiên Giang và 2 căn thuộc địa bàn huyện Tịnh Biên, An Giang vi phạm Nghị định bảo vệ an toàn lưới điện cao áp. Tồn tại này là do các công trình đầu tư xây dựng mới, các chủ đầu tư chưa xử lý triệt để và do người dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.
“Các cán bộ, công nhân viên Truyền tải điện miền Tây 3 đã nhiều lần vận động, tuyên truyền người dân hiểu và tham gia bảo vệ an toàn hành lang lưới điện. Đến nay, đã có một số hộ tự tháo dỡ nhà di dời và có hộ cải tạo lại vật liệu của nhà bằng những vật liệu khó cháy. Để hỗ trợ người dân, Truyền tải điện miền Tây 3 cũng đã đóng tiếp địa các nhà có phần kết cấu kim loại chưa được nối đất”, ông Châu Sóc Kha cho hay.
Truyền tải điện miền Tây 3 đang quản lý đường dây 220kV: 807.309 km – 1.266 trụ gồm 18 tuyến đường dây 220kV đi qua địa bàn các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, An Giang và 4 trạm biến áp 220kV, 8 máy biến áp tổng dung lượng 1.625MVA.