Những đứa trẻ sống giữa đại ngàn, nhìn thấy người chỉ cười và lắc

Vợ chồng A Dưởng và các con. Ảnh: Thiên Chương
Vợ chồng A Dưởng và các con. Ảnh: Thiên Chương
Nằm sâu trong lòng đại ngàn cách đường nhựa gần một ngày đi bộ, túp lều của cặp vợ chồng có 4 đứa con sống như "người rừng" ở Bình Thuận vừa được phát hiện.

Mất gần một ngày đi bộ từ trạm Bảo vệ rừng số 2, Ban quản lý rừng Tuy Phong, Bình Thuận, đoàn người phải vượt 5 ngọn núi cao thẳng đứng, lội qua hàng chục con suối với đường chằng chịt cỏ cây, gai góc mới có thể đến rừng phòng hộ Sông Mao. Khi ráng chiều vàng quạch dưới chân núi cuối cùng của chuyến hành trình, mọi người chợt nghe tiếng chó sủa và căn nhà nhỏ hiện ra giữa đám tre trúc vây quanh. Không quá hoang dã, căn nhà của anh Gịp A Dưởng có sự hiện diện của những vật dụng ở dưới xuôi nhưng vẫn ẩm thấp và tạm bợ.

Ngôi nhà chừng 30 m2 được dựng bằng tre nứa, mái tranh phủ bằng những tấm bạt cũ. Những thành viên trong gia đình anh Dưởng vẫn mặc quần áo chứ không đóng khố. Dưới bếp có nồi niêu chén đũa, trên vách có quyển lịch xem ngày tháng... song, sự cách biệt hơn 20 km đường rừng giữa ngôi nhà với “thế giới bên ngoài” đã khiến các con của A Dưởng hoàn toàn không được tiếp xúc với ai ngoài bố mẹ.

Những đứa trẻ sống giữa đại ngàn, nhìn thấy người chỉ cười và lắc ảnh 1

Căn nhà nằm giữa đại ngàn, không có hàng xóm. Ảnh: Thiên Chương

Nghe tiếng động, A Dưởng hé cửa bước ra, mặt thoáng ngỡ ngàng. Nhác thấy có người thợ rừng quen mặt, anh lúng búng chào. Nói tiếng Kinh thành thạo, anh Dưởng và bà xã Nguyễn Thị Lâm Tuyền mời khách vào sân, nơi có chiếc bàn nhỏ và hai băng ghế được ghép lại từ các mảnh cây rừng. Ngược lại với thái độ của bố mẹ, 4 đứa con của anh Dưởng vừa ló mặt ra khỏi cửa thấy người lạ lại vội nấp vào trong.

A Dưởng vốn là người dân tộc Hoa, bố mẹ sống ở thôn Hải Thủy, xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Nhà nghèo, không biết làm gì kiếm sống nên từ năm 1982, anh quyết định vào rừng nhặt củi hứng dầu mang ra huyện bán. Nơi anh chọn tìm kế sinh nhai là khu rừng sâu cách thôn khoảng 5 giờ đi bộ, tính theo cách đi thoăn thoắt quen chân của dân chuyên đi rừng. Cũng thời điểm này, A Dưởng lấy người vợ đầu tiên là Nguyễn Thị Quảng, ở với nhau có được một con trai thì chị mất.

“Vợ chết buồn quá, tôi trở về thôn gửi tạm con cho bố mẹ nuôi rồi lại trở về rừng", A Dưởng kể. Gần một năm sau, anh quen người vợ thứ hai tên Nguyễn Thị Phương - người vào rừng sống bằng nghề gánh dầu thuê. "Tôi ở với Phương có được một con gái thì vợ chết vì sốt nặng. Thương cảnh cháu còn nhỏ mồ côi, em gái Phương ở luôn trong rừng cùng tôi nuôi cháu. Từ đó chúng tôi sống như vợ chồng và có thêm được 4 con”, A Dưởng nói.

Người đàn ông 50 tuổi cho biết, trong suốt 32 năm ở rừng quá xa thôn làng nên mỗi lần vợ sinh là mỗi lần anh đỡ đẻ. “Nhắm gần đến ngày sinh, tôi ra trạm xá mua một liều thuốc kích thích đẻ và một liều thuốc khỏe rồi tự tay tiêm cho vợ. Trời thương, ngoài hai đứa con chết do bệnh, mấy đứa còn lại đều sống khỏe mạnh”, A Dưởng kể.

Những đứa trẻ sống giữa đại ngàn, nhìn thấy người chỉ cười và lắc ảnh 2

Chú chó nhỏ là bạn thân của mấy anh em nhà Xám Tày. Ảnh: Thiên Chương

Trong 6 người con, hai đứa con của hai người vợ đầu sau thời gian ở cùng A Dưởng và mẹ Tuyền do chịu không nổi cảnh thiếu thốn nên tự tìm xuống thôn để sinh sống. Hiện 4 con cùng sống trong rừng sâu với bố mẹ là Gịp Sám Tày, Diệp A Long, Diệp A Dậu và Diệp A Linh 2 tuổi rưỡi.

16 tuổi, có gương mặt đẹp, cơ thể phát triển như một thiếu niên nhưng Sám Tày gần như không biết giao tiếp. Thấy khách đến nhà, cậu chỉ biết bế em nấp sau cửa, cười. Dù mọi người cố nói thật chậm những câu đơn giản nhưng Tày không thể trả lời được câu nào trọn nghĩa. Còn A Long dù 11 tuổi, A Dậu 9 tuổi nhưng nhỏ nhắn như những em bé 5-7 tuổi ở phố huyện. Gần 3 giờ khách đến chơi, cả Long và Dậu vẫn không dám bước đến gần ai.

“Các con lại đây với mọi người, không ai làm gì các con đâu”, thấy con quá rụt rè, người bố phải gọi nhiều lần đám trẻ mới chịu bám vào nhau nhích từng bước một về phía người lạ. A Dưởng cho biết chúng đều biết nói tiếng Kinh nhưng trước những câu hỏi của khách, hầu như bọn trẻ chỉ biết cười hoặc trả lời “có” hoặc “không”.

“Giờ chúng nó như vậy là tiến bộ lắm rồi. Trước đây mỗi khi có thợ rừng ghé qua xin nước, mấy đứa nhỏ toàn la hét rồi bỏ chạy do hoảng sợ. Trừ thằng lớn biết được vài chữ do có mấy năm sau này được cho ra thôn, còn 3 đứa hoàn toàn không biết mặt chữ và cũng không biết ai ngoài bố mẹ”, chị Tuyền nói.

Cuộc sống của gia đình này dựa vào việc hứng nhựa thông mang về huyện bán. Nhưng khoản tiền này chỉ đủ cho A Dưởng mua mắm muối gạo thóc, mấy bộ quần áo cho con. Mỗi ngày, từ khi thức dậy đến chiều tối, niềm vui và cũng là công việc của anh em Sám Tày là vào rừng bắn chim hay xuống suối bắt cá rồi chờ tối đến lại được nghe đài. Chiếc radio chính là thứ duy nhất để những đôi chân nhỏ bé chưa đủ sức vượt rừng về xuôi, hướng đến thế giới bên ngoài.

Chiều ở rừng những ngày giữa tháng sáu trời trở lạnh vì các cơn mưa ào ào di chuyển từ triền núi này sang triền núi khác. Gió thốc liên tục trên mái nhà, giật tung đám cỏ tranh xếp lớp được chặn bởi mấy thanh tre. Gió cũng rung bần bật ngọn vải rừng trước sân và đám lồ ô sau nhà. Lùa vội đàn gà vào chuồng, lấy tấm nylon cũ đậy lại đống củi, Sám Tày líu ríu thúc các em bê nồi cơm vừa nấu chín rồi cả đám leo lên chiếc giường nhỏ bày ra ăn.

Sạc điện cho đèn pin là cả vấn đề nên chỉ trong bữa ăn anh em Sám Tày mới được phép bật điện. Đốm sáng từ chiếc đèn pin chỉ to bằng quả trứng treo lơ lửng ở cọng dây phía trên đủ rọi vào giữa mâm, nơi luôn chỉ có món cá trắng kho và canh rau rừng. Suốt bữa ăn, ngoài tiếng chép miệng, thi thoảng là tiếng đũa chạm nhau lách cách khi mấy anh em tranh nhau gắp thức ăn.

“Hơn hai chục nghìn hécta của khu rừng này không có ai ngoài gia đình tôi. Thi thoảng có vài thợ rừng hoặc mấy người chặt phá rừng ghé qua xin nước uống. Bây giờ thú dữ đã không còn nên đỡ sợ, chứ ngày xưa có khi sáng thức dậy còn thấy dấu chân cọp ở cạnh chòi, sợ lắm. Thương con, cũng muốn cho nó biết cái chữ, nhưng không có tiền để về thôn cất nhà nên đành chịu”, A Dưởng nói.

Anh Lê Văn Tự, Trưởng trạm Bảo vệ rừng số 2, thuộc ban quản lý rừng Tuy Phong - một trong số ít người phát hiện ra gia đình A Dưởng cho biết, nhìn các bé, anh thấy xót xa. “Lần đầu tôi gặp, các bé đã chạy trốn, quần áo rách bươm dơ bẩn như những người rừng”.

Chị Huỳnh Thị Ngọc Tuyết, phụ trách mảng chính sách hộ nghèo của xã Hải Ninh thừa nhận nhiều năm làm việc nhưng không biết trường hợp này. Qua kiểm tra, Gịp A Dưởng vẫn có hộ khẩu tại địa phương. "Có lẽ khi chúng tôi đi khảo sát hộ nghèo thì anh Dưởng không có mặt nên không thể xét và cũng không biết anh đang ở đâu để tìm", chị Tuyết cho hay.

Cũng bày tỏ xót xa trường hợp nhà A Dưởng, ông Nguyễn Lê Thái  Dũng, Phó chánh văn phòng UBND huyện Bắc Bình cho biết: "Mình tôi chưa thể quyết định được gì nhưng tôi hứa sẽ báo lại với cấp trên để trước mắt làm việc với địa phương và sẽ có hướng giúp đỡ cho anh Dưởng".

Theo Thiên Chương

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.