Từ đô thị kiểu mẫu…
Trong buổi làm việc gần đây với Bộ Xây dựng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chỉ ra một loạt bất cập trong quản lý quy hoạch và trật tự đô thị tại các thành phố lớn. Ông Dũng cũng đã dẫn ví dụ về Khu đô thị Linh Đàm xảy ra tình trạng quy hoạch bị “phá nát” và rơi vào cảnh “nuôi rồng thành giun”.
Hơn 10 năm trước, khi vẽ nên Khu đô thị Linh Đàm, những người làm quy hoạch đã rất tự hào vì xây dựng được một bán đảo đẹp, đáng sống với những khu chung cư xinh xắn, trong một khu đô thị xanh hơn 200 ha, trong đó có 74 ha diện tích mặt nước, cùng những công viên có mật độ cây xanh lên tới 13 m2/người. Nhưng chỉ một vài năm gần đây, quy hoạch khu vực bị buông lỏng đã phá nát khu bán đảo. Không chỉ vậy, rất nhiều tòa nhà, dự án khác cũng đang biến Khu đô thị Linh Đàm trở thành “khu đô thị bất quy tắc” như cách gọi ngao ngán của nhiều người dân sống tại đây.
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hồng Thục - một trong những người được mời thiết kế Khu đô thị Linh Đàm từ đầu, chia sẻ, cho tới nay, khu nhà ở Bắc Linh Đàm nguyên bản vẫn là một mô hình rất bền vững. Một khu đô thị vẫn giữ được phố của người Việt trong khu khi cư dân có phố, vừa có sân trong, khu sinh hoạt chung. Quy hoạch chung với 60% diện tích khu là sân chơi, sinh hoạt cộng đồng, vườn hoa; nhà ở chiếm 23%.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, khu đất HH bị phá vỡ quy hoạch ban đầu và biến thành Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với khoảng 8.000 căn hộ. Công trình do Công ty tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư với 4 tổ hợp nhà từ 35 đến 41 tầng (khoảng 20 căn hộ/tầng) trên khu đất khoảng 3 ha. Mỗi tổ hợp lại gồm 3 đơn nguyên nhà A, B, C. Tổng cộng khu HH có tới 12 tòa nhà chung cư cao tầng, mật độ xây dựng trên 50%.
Khu đất VP6 được quy hoạch là khu nhà ở thấp tầng nằm phía bắc bán đảo Linh Đàm, cạnh đường vành đai 3. Tuy nhiên, thực tế khu đất biến thành tòa nhà cao tới 35 tầng, án ngữ một vùng đô thị bán đảo Linh Đàm.
Theo KTS Khuất Tân Hưng, giảng viên Đại học Kiến trúc Hà Nội, hai tòa nhà đã bị chuyển đổi thành đất ở với hệ số chiếm đất lên tới trên 90% và chiều cao 33 tầng (vượt 8 tầng so với quy hoạch). Quy hoạch khu văn phòng trung tâm bị phá vỡ hoàn toàn cấu trúc không gian. Điểm nhấn của khu đô thị giờ tạo hình ảnh lộn xộn, không tuân theo quy hoạch và cảnh quan ban đầu được thiết kế.
“Thường thì quy hoạch dự kiến theo sự phát triển. Trong trường hợp tốt nhất là thực hiện đúng theo quy hoạch đó. Tuy nhiên, sự điều chỉnh như ở Linh Đàm tạo ra một tiền lệ để công chúng thấy việc quy hoạch không còn ý nghĩa gì”, KTS Vũ Quốc An nhận định.
Cùng tâm trạng này, GS. TS. KTS. Hoàng Đạo Kính, Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cảm thấy tiếc nuối về việc khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm - niềm tự hào một thời của ngành xây dựng - giờ đã thay đổi theo hướng tiêu cực so với quy hoạch so với ban đầu.
Kế đến là Khu đô thị Vĩnh Hoàng (Hoàng Mai, Hà Nội), theo phản ánh của người dân, khu biệt thự song lập ở đây đang bị phá vỡ quy hoạch nhưng chủ đầu tư và chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý. Cụ thể, khu biệt thự song lập được xây dựng nằm bên cạnh hồ Vĩnh Hoàng theo 1 mẫu thiết kế đồng nhất về hình thức, chiều cao, tỷ lệ diện tích tạo thành 1 quy hoạch kiến trúc đẹp và hoàn chỉnh. Mỗi lô đất của khu biệt thư song lập rộng 205m2, trong đó diện tích xây dựng là 105m2, diện tích lưu không là 100m2.
Tuy nhiên, mấy tháng nay, một gia đình tại căn biệt thự số 3 đã phá vỡ thiết kế theo quy định khi cho xây dựng lên hầu như toàn bộ phần đất lưu không. Phía sân mặt trước nhìn ra hồ được xây thêm 5 tầng, phía sau xây 2 tầng. Mái ngói trong thiết kế đã bị cắt bỏ để làm thành tum. Việc đổ bê tông, đóng dầm để xây thêm nhà đã gây ảnh hưởng rất lớn đến các nhà bên cạnh.
Không những vậy, tòa nhà số 3 che khuất luôn không gian của các gia đình xung quanh. Một người mua nhà ở đây cho rằng, việc xây dựng này đã gây ảnh hưởng kiến trúc chung của toàn bộ dãy biệt thự song lập, đứt mạch kiến trúc, làm xấu không gian tổng thể của khu đô thị Vĩnh Hoàng.
“Chúng tôi mua biệt thự song lập ở đây vì thấy cảnh quan và kiến trúc đẹp. Nay kiến trúc bị phá vỡ thì mua nhà về đây còn ý nghĩa gì nữa”, một người dân trong khu bức xúc.
Hay một dự án tên tuổi khác chính là Khu đô thị thành phố Giao Lưu nằm trên mặt đường Phạm Văn Đồng, theo phản ánh của người dân, khu vực này cũng đang bị phá vỡ quy hoạch bởi 3 căn biệt thự đơn lập đã tự ý thay đổi thiết kế, cơi nới làm cho tổng thể đô thị vị lồi lên một cách bất thường.
Tương tự, Khu đô thị 31 ha ở Trâu Quỳ, Gia Lâm cũng rơi vào cảnh bị “băm nát” khi nhiều cá nhân đã xây dựng sai phép, tự ý vượt chiều cao, vượt tầng; nhiều công trình còn xây sai thiết kế được duyệt, sai mật độ, biến tầng lửng thành tầng hầm. Cùng với đó là một loạt nhà xưởng được xây dựng kiên cố, trên bắn mái tôn được đưa vào sử dụng nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương chưa có biện pháp xử lý quyết liệt.
…Đến những vi phạm tràn lan của người dân
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, sai phạm về trật tự xây dựng là do công tác chỉ đạo điều hành của UBND các quận, huyện, thị xã còn buông lỏng quản lý, thiếu hiệu quả trong việc xử lý vi phạm; đội thanh tra xây dựng còn thiếu tinh thần trách nhiệm.
Tuy nhiên, trên thực tế, có tình trạng các cấp chính quyền địa phương và cơ quan quản lý “nhường” trách nhiệm cho nhau khi đề cập đến những sai phạm xây nhà sai phép, không phép của người dân. Bởi trên thực tế, với sự “sâu sát” của rất nhiều lực lượng trên địa bàn, không thể nói là… không phát hiện ra khi công trình vi phạm được sửa chữa, xây dựng trong hàng tuần, hàng tháng.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội rất phổ biến và tồn tại dưới dạng: xây dựng sai phép, xây dựng không phép, xây dựng công trình không theo quy hoạch… Đơn cử như “vùng lõi” Thủ đô là khu làng Yên Phụ thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Theo phản ánh của người dân, khu vực này là “điểm nóng” của sai phạm về trật tự xây dựng, từ nhà dân đến các tổ chức, doanh nghiệp.
Theo phản ánh của người dân, một trong những thủ tục họ được “vẽ đường” cho nâng tầng, cơi nới là làm đơn trình báo về tình trạng xuống cấp, nhu cầu sử dụng và xin “chữ ký” xác nhận của hàng xóm và mang lên phường (?!).
Tuy nhiên, điều bất bình thường là khi chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện chính quyền phường Yên Phụ cho rằng, họ không có bản đồ quy hoạch, không có quy định về mật độ xây dựng trên địa bàn và chỉ quản lý trên giấy phép xây dựng do quận cấp. Hơn nữa, trong một số trường hợp người dân “trình báo” nhà của họ bị xuống cấp nghiêm trọng nhưng không hiểu sao cấp chính quyền sở tại vẫn cho nâng tầng? Bởi nếu đúng nhà xuống cấp mà nâng tầng thì sự nguy hiểm còn tăng lên gấp nhiều lần!
Nội thành đã vậy, tại các địa phương xa trung tâm như Đông Anh, Thanh Trì, Hoàng Mai hay Mê Linh cùng nhiều quận huyện khác, sai phạm về trật tự xây dựng diễn ra còn tràn lan hơn. Đơn cử, xã Hải Bối (Đông Anh), hàng loạt nhà xưởng, công trình xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp, cạnh sông Hồng. Dọc bờ tả sông Hồng địa phận xã Duyên Hà (Thanh Trì), hàng chục ngôi nhà công trình xây dựng được mọc trên đất công…
Trước thực trạng trên, TP. Hà Nội cũng đã chỉ đạo các địa phương mạnh tay xử lý về sai phạm trong trật tự xây dựng và siết chặt việc thực hiện quy hoạch đô thị của thành phố. Tại những cuộc giao ban, làm việc với các ngành, địa phương, lãnh đạo Thành phố thường đem chủ đề vi phạm trật tự xây dựng để bàn thảo, chỉ đạo, nhắc nhở các đơn vị, chính quyền cần rốt ráo xử lý, khắc phục sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Không chỉ giao việc, lãnh đạo TP. Hà Nội còn nhiều lần kiểm tra và tái kiểm tra công tác quản lý trật tự xây dựng tại các quận, huyện.
Tuy nhiên, dư luận Thủ đô cho rằng, có tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trong việc quản lý trật tự xây dựng. Với những vụ việc vi phạm bị phát hiện, những cán bộ bị xử lý quá nhẹ so với những vi phạm khủng mà họ trực tiếp hoặc gián tiếp để chủ đầu tư gây ra như nâng tầng chiều cao tòa nhà, tăng mật độ xây dựng, phá vỡ quy hoạch tại các khu đô thị... đang để lại những hậu quả nặng nề chưa biết bao giờ giải quyết được.