'Những đô thị lớn đang rất cần phát triển các tuyến đường sắt đô thị'

0:00 / 0:00
0:00
'Những đô thị lớn đang rất cần phát triển các tuyến đường sắt đô thị'
TPO - Trong hoạt động đầu tư công, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, có ba lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng, trước tiên là đường sắt. Những đô thị lớn nước ta đang rất cần phát triển các tuyến đường sắt đô thị; với địa hình đất nước kéo dài, tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng cần phát triển sớm.

Cấp thiết áp dụng cơ chế và thủ tục đặc thù

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, để thúc đẩy quá trình tái khởi động, phục hồi nền kinh tế trong 2 năm tới, bên cạnh các chính sách tài khoá, tiền tệ và an sinh xã hội, cần cấp thiết có gói giải pháp phi tài chính, hay nói khác đi, là gói giải pháp về cơ chế và thủ tục đặc thù. Quốc hội đang bàn về cơ chế đặc thù cho các địa phương, Chính phủ đã có dự kiến áp dụng các thủ tục hành chính rút gọn, sao chúng ta không ban hành cơ chế đặc thù cho đầu tư, kinh doanh toàn xã hội trong 2 năm phục hồi nền kinh tế?

“Tính đến nay, trên 22 ngàn đồng bào đã tử vong, cán bộ, chiến sỹ hi sinh trong đại dịch COVID-19. Để tưởng niệm những hi sinh mất mát trên, tôi đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên lấy 1 ngày tưởng niệm đồng bào tử vong vì COVID-19, và tôi đề xuất là ngày 27/4 - tức ngày bùng phát đại dịch lần thứ 4, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và sinh mạng của người dân. Và đây cũng là mong muốn của cử tri”, đại biểu Nguyễn Hữu Thông.

Trên cơ sở đó, đại biểu đang là Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đề nghị rút gọn thủ tục, quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện tối đa trên nền tảng trực tuyến, và không ban hành bất cứ chính sách nào có thể làm phát sinh thêm gánh nặng về thủ tục và chi phí cho người dân, doanh nghiệp (DN). “Nhất cử lưỡng tiện, việc áp dụng cơ chế đặc thù, rút gọn trong 2 năm phục hồi kinh tế cũng là bước thử nghiệm cần thiết cho những cải cách thể chế đột phá được kỳ vọng trong những năm tiếp theo”, ông Lộc cho hay.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội), qua 4 tháng cách ly nghiêm ngặt phòng chống dịch, kinh tế Việt Nam đã rơi thẳng đứng, từ mức tăng trưởng dương 6,61% quý II xuống âm 6,17%. Hàng chục nghìn DN đã phải đóng cửa sau mỗi một tháng và hàng ngàn DN mất việc làm phải rời bỏ về quê hương…

“Điều đó cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế rất yếu, tiềm lực của các doanh nghiệp đang bị suy kiệt. Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi của kinh tế thế giới, các doanh nghiệp không chỉ cần thêm nguồn lực để phục hồi trở lại mà còn phải vượt lên đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bổ lại chuỗi cung ứng”, ông Cường bày tỏ.

Để làm được điều này, theo đại biểu, cần chính sách cấp bù lãi suất để các doanh nghiệp được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó bù được các chi phí lãi suất vay cao như thị trường.

"Nếu ngân sách dành ra khoảng 40 nghìn tỉ để cấp bù, chúng ta sẽ có khoảng 1 triệu tỉ tiền vốn lãi suất thấp để giúp cho các doanh nghiệp phục hồi. Kèm theo đó, phải có cơ chế kiểm soát để tất cả các doanh nghiệp có nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh đều được tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ, không để tiền vay ngân hàng chạy vòng quanh trở thành tiền gửi để kiếm lợi từ chênh lệch lãi suất, hoặc không để tiền vốn giá rẻ đổ vào các lĩnh vực đầu cơ tài sản như bất động sản, chứng khoán”, ông Cường nêu.

'Những đô thị lớn đang rất cần phát triển các tuyến đường sắt đô thị' ảnh 1

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội). Ảnh Như Ý

Rất cần phát triển các tuyến đường sắt đô thị

Trong hoạt động đầu tư công, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, có ba lĩnh vực cần ưu tiên đặt hàng, trước tiên là đường sắt. Những đô thị lớn nước ta đang rất cần phát triển các tuyến đường sắt đô thị; với địa hình đất nước kéo dài, tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng cần phát triển.

“Chúng ta không thể cứ đi vay tiền về để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng các tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ. Hệ luỵ không chỉ là những vướng mắc nhãn tiền như vừa qua mà đang để lại hậu quả lâu dài do tính không đồng bộ, thiếu khả năng kết nối và phải phụ thuộc lâu dài vào các nhà cung cấp nước ngoài. Nếu được Chính phủ đặt hàng và cam kết dành thị phần, các nhà đầu tư trong nước sẽ hợp tác hoặc mua lại công nghệ của nhà đầu tư nước ngoài kết hợp với các thành tựu của nền công nghiệp 4.0, chúng ta sẽ có ngành công nghiệp đường sắt hiện đại của riêng mình”.

Ưu tiên thứ hai theo ông Cường là kinh tế biển, lĩnh vực đầy tiềm năng chưa được khai thác. Theo ông, Chính phủ cần đặt hàng để hình thành các tổ hợp đầu tư phát triển công nghiệp hậu cần vận tải biển; bắt tay kết nối với các cảng quốc tế bên bờ Thái Bình Dương, biến Vân Phong trở thành trung tâm trung chuyển vận tải biển quốc tế có lợi thế không thua kém so với Singapore và còn có lợi thế hơn nhiều các cảng khác ở khu vực Đông Bắc Thái Bình Dương. “Đó không chỉ là tiền đề để khai thác tiềm năng kinh tế biển mà còn là cơ sở quan trọng để bảo đảm an ninh và chủ quyền trên Biển Đông”, ông Cường nhấn mạnh.

Ưu tiên thứ ba, để thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia và bứt phá vươn lên của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, theo đại biểu, cần có hạ tầng công nghệ số của riêng mình để đi trước trong chuyển đổi số và chủ động kiểm soát bảo đảm an toàn cho tài sản số quốc gia. “Phát hành trái phiếu Chính phủ để vay nợ công là giải pháp nên được lựa chọn, không chỉ để khai thác các nguồn lực đầu tư trong nước mà còn thu hút các dòng tiền nhàn rỗi, góp phần kiểm soát lạm phát”, đại biểu nêu.

Cần gói hỗ trợ đủ lớn và kịp thời

Trước sự quay trở lại hoạt động của doanh nghiệp khá mạnh, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) cho rằng, mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% có thể đạt được, nhưng phải có sự quyết tâm thật lớn, từ trung ương đến địa phương.

Bên cạnh những giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo, ông đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH và các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành những văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp nêu trong Nghị quyết của Chính phủ; kiểm tra tiến độ và thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng…. “Các gói hỗ trợ cần đủ lớn và kịp thời để bắt kịp thời cơ phục hồi”, ông Thông nhấn mạnh.

Đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ lập quỹ bảo đảm cho doanh nghiệp vay và cần quy định điều kiện vay được nới lỏng để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn được dễ dàng; khẩn trương triển khai nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số giải pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân chịu tác động bởi dịch COVID -19.

“Tôi đánh giá đây là nghị quyết hết sức kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy sự chủ động và đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong phòng, chống dịch COVID -19 và phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh hiện nay”, đại biểu nhìn nhận.

Báo cáo của Chính phủ có nêu dự kiến cả năm tổng số tiền các cấp ngành thực hiện miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó khoản gia hạn là 115 nghìn tỷ, tỷ lệ các khoản miễn giảm là 3 nghìn tỷ đồng. Theo đại biểu, khoản này quá thấp, chưa tương xứng với đóng góp của doanh nghiệp, cho công tác phòng chống dịch. Đại biểu đề nghị Chính phủ và các địa phương cần có gói hỗ trợ lớn hơn, xem đây là nguồn đầu tư trở lại cho doanh nghiệp và giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.

“Tôi nghĩ, nếu chúng ta bỏ 1 đồng cho doanh nghiệp có thể tạo thêm công ăn việc làm, doanh thu từ đó kích thích phục hồi kinh tế nhanh hơn. Quá trình đó, cần quan tâm đến đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ vì đây là những doanh nghiệp chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các doanh nghiệp hiện nay và là nơi có nhiều lao động nhất”, đại biểu kiến nghị.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".