Những điều quan trọng cần biết khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Những điều quan trọng cần biết khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam
TPO - PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết, sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19 có thể xảy ra các phản ứng phụ. Chuyên gia này cũng chỉ ra những nhóm đối tượng chống chỉ định với vắc xin ngừa COVID-19.  

Theo bà Hồng, các phản ứng phụ phổ biến nhất (trên 10%) là các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau nóng tại vị trí tiêm ngừa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (phổ biến là sốt nhẹ, trên 38 độ C), ớn lạnh… Ngoài ra, có dưới 10% số người tiêm có biểu hiện sưng và đỏ tại vị trí tiêm. Vắc xin này tiêm bắp cho người từ 18 tuổi trở lên và không có độ tuổi giới hạn trên.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho hay, với các trường hợp nhiễm và khỏi COVID-19 phải sau 6 tháng mới được tiêm vắc xin vì cơ thể họ đã có một ít kháng thể ở trong người để phòng bệnh.

Trong bối cảnh hiện nay và chỉ dẫn của nhà sản xuất, vắc xin sẽ được ưu tiên tiêm cho các đối tượng chưa phơi nhiễm COVID-19. Những trường hợp không được tiêm là những chống chỉ định của vắc xin, cụ thể: người dị ứng với thành phần của vắc xin, có phản ứng nặng trầm trọng với mũi tiêm trước, những người được cán bộ y tế xác định chưa đủ điều kiện tiêm chủng như mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, đang điều trị các miễn dịch, hóa trị... sẽ phải tạm hoãn tiêm chủng.

Bộ Y tế yêu cầu cán bộ y tế các tuyến, khuyến cáo điểm tiêm chủng chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dây chuyền lạnh bảo quản… đảm bảo yêu cầu. Điểm tiêm chủng phải có hộp chống sốc. Bộ Y tế đã có hướng dẫn đầy đủ phác đồ phòng chống sốc cho người lớn.

PGS.TS Dương Thị Hồng lưu ý các cơ sở tiêm chủng tổ chức dưới 100 đối tượng tiêm chủng/điểm/buổi trong giai đoạn đầu để đảm bảo an toàn. Khám sàng lọc COVID-19, với người sốt, ho, khó thở chủ động không đến tiêm chủng. Các cơ sở cần thông báo cho những người thuộc đối tượng tiêm chủng về vấn đề này.

Đặc biệt, trước khi tiêm, cán bộ tiêm chủng phải trao đổi hỏi rõ tiền sử bệnh tật xem người tiêm có mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính, mãn tính phải điều trị, điều trị hoá trị, miễn dịch, có tiền sử dị ứng hay sốc phản vệ.

Đối với mũi tiêm thứ 2, phải hỏi người được tiêm có biểu hiện phản ứng trầm trọng của làn trước đó không để tạm hoãn tiêm hoặc hướng dẫn cụ thể.

Ba thứ trưởng giám sát các điểm tiêm

Ngày 8/3 Bộ sẽ tiến hành tiêm vắc xin tại Hải Dương và một số bệnh viện như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM. Bộ Y tế đã phân công 3 Thứ trưởng chỉ đạo các điểm tiêm vì đây là vắc xin lần đầu tiên tiêm, tiêm cho người lớn… Công tác triển khai tiêm chủng đảm bảo thận trọng, phải có theo dõi, giám sát, đánh giá và trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm thể từ đó tiêm trên diện rộng hơn trong thời gian ngắn nhất có thể.

“Quan điểm của Bộ Y tế là tiêm càng nhanh càng tốt, tăng độ bao phủ càng nhanh tốt. Riêng với vắc xin của AstraZeneca, Bộ Y tế lên kế hoạch tiêm mũi 2 cách mũi 1 sau 3 tháng để đảm  bảo tăng độ bao phủ của vắc xin này”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đặc biệt các cán bộ tiêm chủng thực hiện rất nghiêm theo hướng dẫn chuyên môn, vấn đề chống sốc, phòng vệ. “Các nước cũng để ý vấn đề này nhưng Việt Nam phải đặt lên hàng đầu, coi an toàn tiêm chủng, đảm bảo an toàn tối đa cho người dân là ưu tiên cao nhất cho giai đoạn hiện nay. Vì vậy thái độ xử lý phải rất nhanh và quyết liệt. Các địa phương phải chuẩn bị đầy đủ điểm tiêm chủng cần có gì. Phải thực hiện việc xử lý các trường hợp có thể sốc phản vệ nhanh nhất có thể, trong tình huống xảy ra phải rất quyết liệt, rất nhanh mới xử lý được”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người được tiêm vắc xin phải thực hiện nghiêm việc theo dõi 30 phút tại điểm tiêm, theo dõi tại nhà tiếp tục 24h. Đối với trường hợp cấp cứu thực hiện theo đúng hướng dẫn và theo dõi tiếp 24h tại cơ sở y tế. Theo kế hoạch tiêm chủng, Bộ Y tế cho phép bất kỳ cán bộ tiêm chủng, y tá có thể thực hiện tiêm Adrenaline ngay khi phát hiện người tiêm bị sốc phản vệ.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.