Một số nguyên nhân gây sa vùng chậu như mang thai, sinh đẻ, táo bón,…
Sa vùng chậu xảy ra khi các cơ quan vùng chậu như ruột, bàng quang hoặc tử cung, lồi ra khỏi âm đạo. Bệnh thường xảy ra khi mô hỗ trợ các cơ quan vùng chậu (thường là thành âm đạo) bị yếu đi. Đây có thể là do tổn thương dây chằng hỗ trợ tạng và có thể tăng khi mang thai hoặc sinh đẻ.
Các nguyên nhân dẫn đến sa vùng chậu cũng có thể bao gồm quá nhiều áp lực đè lên các cơ sàn chậu, như béo phì, ho, nâng vật nặng, hoặc táo bón.
Sa vùng chậu không có bất kì triệu chứng đặc trưng nào. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác một khối u “di chuyển xuống phía dưới”. Các triệu chứng khác như đau lưng, cảm giác nặng hoặc co kéo trong âm đạo. Những triệu chứng này nặng thêm khi bạn đứng hoặc ngồi trong thời gian dài hoặc vào cuối ngày và cải thiện khi bạn nằm xuống. Bạn có thể có cảm giác hoặc nhìn thấy khối u hoặc khối phồng. Trong trường hợp này, bạn nên đi khám bệnh vì khối sa có thể gây đau, lở loét hoặc nhiễm trùng.
Nếu bàng quang bị sa vào trong âm đạo, người bệnh đi tiểu nhiều lần và cảm giác bàng quang không hoàn toàn trống rỗng sau khi tiểu tiện. Người bệnh cũng tiểu són khi ho, cười, nâng vật nặng, có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc khó chịu khi "yêu".
Cả nam giới và nữ giới đều có thể bị sa trực tràng - khi một phần của trực tràng nhô ra khỏi hậu môn.
Nếu ruột bị sa, người bệnh có thể bị đau vùng thắt lưng, táo bón hoặc cảm giác ruột không trống rỗng.
Cơ sàn chậu là nhóm cơ bao quanh mặt dưới của bàng quang và trực tràng. Nếu cơ sàn chậu yếu, bạn dễ bị sa vùng chậu. Cơ sàn chậu có thể được tăng cường nhờ một số bài tập đơn giản. Tập luyện giúp cải thiện sa vùng chậu nhẹ hoặc giảm nguy cơ bệnh trở nên trầm trọng. Các bài tập sàn chậu cũng được dùng để điều trị tiểu tiện không tự chủ.