Những điểm vô cùng mới của kỳ thi THPT Quốc gia

Cảnh sĩ tử và người nhà phải vất vả tàu xe về Hà Nội dự thi như thế này sẽ không còn tái diễn, bởi bắt đầu từ năm nay tỉnh nào cũng có cụm thi đại học. Ảnh: Như Ý.
Cảnh sĩ tử và người nhà phải vất vả tàu xe về Hà Nội dự thi như thế này sẽ không còn tái diễn, bởi bắt đầu từ năm nay tỉnh nào cũng có cụm thi đại học. Ảnh: Như Ý.
TP - Điểm mới của kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 là thí sinh chỉ phải di chuyển nội tỉnh. Các trường ĐH chủ trì cụm thi ĐH sẽ phải di chuyển nhân lực của mình về các địa phương để tổ chức thi. Phương án này thuận lợi cho thí sinh, nhưng lại khá vất vả cho các trường ĐH.

Sáng nay, 30/6, hơn 880.000 thí sinh làm thủ tục dự thi THPT quốc gia tại 120 cụm thi (70 cụm thi ĐH và 50 cụm thi địa phương) trên toàn quốc.

Hà Nội: Giám thị phải  di chuyển 500 km đến cụm thi

Ông  Trần Mạnh Dũng, trưởng phòng đào tạo, Học viện Ngân hàng cho biết, 19h ngày 28/6, 150 cán bộ, giảng viên của trường đi xe giường nằm đến tỉnh Điện Biên, cách Hà Nội 500km. “Vì số lượng cán bộ, giảng viên đi quá lớn nên cũng không có kinh phí để đi bằng máy bay” – ông Dũng nói.

Năm nay, Điện Biên có trên 2.700 thí sinh đăng ký dự thi tại cụm thi ĐH và có 5 điểm thi tại TP Điện Biên. Theo ông Dũng, khoảng cách giữa các điểm thi của cụm thi ĐH tương đối gần, chỉ cách nhau 2km hoặc 3km nên rất thuận tiện.

Cũng phải di chuyển về địa phương để tổ chức thi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì cụm thi ĐH tại Hải Dương. Sáng 28/6, Học viện đã cử một đoàn đến trước gồm ban thư ký, điểm trưởng các điểm thi và ban cơ sở vật chất.  

Chiều 29/6 những cán bộ, giảng viên còn lại  “hành quân” đợt cuối đến TP Hải Dương. Trường cho biết, Hải Dương có trên 12.000 thí sinh thi tại cụm thi ĐH. Do đó, trường đã cử 500 cán bộ, giảng viên đi làm công tác coi thi. 

ĐH Công nghiệp Hà Nội được giao tổ chức cụm thi ĐH tại Nam Định. Ông Kiều Xuân Thực, trưởng phòng đào tạo của trường cho biết, cụm thi do trường chủ trì có khoảng trên 15.000 thí sinh dự thi. Với số lượng thí sinh lớn như thế nên trường phải cử tới 700 cán bộ, giảng viên tới Nam Định. Đến thời điểm này, chỗ ăn, chỗ ở của cán bộ, giảng viên đã được lo chu tất, ổn thỏa.

Ông Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng đào tạo ĐH Thủy lợi cho biết, trường là một trong 5 cụm thi ĐH của Hà Nội. Cụm thi này có 12.763 thí sinh của Hà Nội dự thi với 8 điểm thi. Sáng 27/6, trường đã tập huấn lần 1 cho toàn thể cán bộ tham gia công tác coi thi. Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường có 12.623 thí sinh dự thi tại 16 điểm thi thuộc 3 trường ĐH là ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Bách khoa và ĐH Xây dựng.

Những điểm vô cùng mới của kỳ thi THPT Quốc gia ảnh 1

Cảnh sĩ tử và người nhà phải vất vả tàu xe về Hà Nội dự thi như thế này sẽ không còn tái diễn, bởi bắt đầu từ năm nay tỉnh nào cũng có cụm thi đại học. Ảnh: Như Ý.

TPHCM: Hàng ngàn cán bộ, giảng viên lên đường

Từ 29/6, hàng ngàn cán bộ, giảng viên các trường đại học tại TPHCM đã lên đường “hành quân” về các tỉnh để làm nhiệm vụ tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2016. 8h30 phút sáng 29/6, 400 cán bộ giảng viên của trường Đại học Kinh tế TPHCM chia làm 3 đoàn lên Bình Phước làm nhiệm vụ coi thi cho các thí sinh tỉnh này. 

Ông Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Do trung tâm thị xã Đồng Xoài của tỉnh Bình Phước không đủ phục vụ cho hơn 9.000 thí sinh nên 400 cán bộ này sẽ chia làm 3 đoàn phụ trách coi thi ở ba nơi gồm thị xã Đồng Xoài, huyện Bình Long và Phước Long, cách nhau từ 60- 70 km”.

Trường Đại học Luật TPHCM được giao nhiệm vụ chủ trì cụm thi tỉnh Bến Tre cũng đã lên đường làm nhiệm vụ trong ngày 29/6. Hôm qua, 300 cán bộ coi thi của trường từ TPHCM đã có mặt tại Bến Tre để triển khai phương án thi và tập huấn cho cán bộ coi thi huy động tại chỗ. Về khâu in sao đề thi, đại diện nhà trường cho biết do Trường Đại học Sư phạm TPHCM đảm trách và vận chuyển về Bến Tre trong ngày 30/6.

Trước đó, với quãng đường hơn 300 km, toàn bộ đoàn công tác với gần 700 người làm nhiệm vụ kỳ thi quốc gia của trường Đại học Nông Lâm TPHCM đã lên đường đến Gia Lai. Cũng ngày này, công tác chuẩn bị và tập huấn cán bộ coi thi đã hoàn tất. Ông Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết đến trưa 29/6, mọi việc chuẩn bị cho 13 điểm thi của cụm Gia Lai do trường chủ trì đã sẵn sàng.

Còn tại TPHCM, ngoài 4 cụm thi do các trường gồm Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm chủ trì còn có thêm khoảng 2.000 thí sinh của tỉnh Long An do trường Đại học Sài Gòn tổ chức cũng sẽ lên dự thi tại TPHCM, nâng tổng số lên khoảng 67.000 thí sinh.

Ông Phan Tấn Hạ, trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cho biết, mọi công tác chuẩn bị cho thí sinh tại TPHCM do trường chủ trì đã hoàn tất. Với 15 điểm thi, trường đã huy động khoảng 1.600 người để coi thi, giám sát. Tương tự, trường đại học Sư phạm TPHCM cũng đã hoàn tất các khâu tổ chức thi khi hơn 1.200 cán bộ giảng viên của trường đã sẵn sàng phục vụ tối đa để kỳ thi hoàn thành tốt nhất.

Trong khi đó, trường Đại học Sài Gòn dù chủ trì cụm thi cho thí sinh tỉnh Long An nhưng cũng đã chia thành 2 địa điểm gồm thành phố Tân An (tỉnh Long An) và trường Đại học Sài Gòn (quận 5, TPHCM). Ông Mỵ Giang Sơn, trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, dù phải phân người tổ chức thi hai nơi nhưng mọi công tác đã hoàn tất.

Vận chuyển bài thi bằng máy bay

Trường ĐH có điểm thi duy nhất cách xa đất liền là ĐH Kiên Giang với điểm thi tại huyện đảo Phú Quốc, đề thi, bài thi của thí sinh sẽ được vận chuyển bằng máy bay.             

H.B

MỚI - NÓNG