Những điểm mới và cốt lõi trong báo cáo Chính trị của Đà Nẵng

Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Hiếu
Đà Nẵng nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Hiếu
TPO - Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng khoá 21 trình Đại hội đại biểu lần thứ 22 Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2020-2025) có nhiều điểm mới và cốt lõi. 

Ngày 6/10, Ban tuyên giáo Thành uỷ Đà Nẵng tổ chức hội nghị thông tin tuyên truyền Đại hội lần thứ 22, Đảng bộ Thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Phó ban tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho biết: Ngày 22/9 vừa qua, tại buổi làm việc với Đà Nẵng về dự thảo các văn kiện và phương án nhân sự trình Đại hội lần thứ 22 Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2020-2025), Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao công tác chuẩn bị văn kiện Đại hội của Đảng bộ thành phố, trong đó dự thảo báo cáo chính trị được chuẩn bị tốt, gọn, đủ điều kiện để trình tại Đại hội….

Bên cạnh những thuận lợi, việc xây dựng báo cáo chính trị của Đà Nẵng gặp không ít khó khăn như: Thành phố gặp nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh, đặc biệt, tình hình đại dịch COVID-19 với 2 lần bùng phát, trong đó lần thứ 2 Đà Nẵng là tâm dịch, đã tác động to lớn để việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ 21, cũng như đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo ông Vĩnh, trong báo cáo chính trị của Đà Nẵng có nhiều điểm mới và cốt lõi. Báo cáo có chủ đề “Xây dựng tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết và các động lực tăng trưởng; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn, là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”. Báo cáo  có cách tiếp cận mới, thể hiện việc đánh giá kết quả theo hướng làm rõ thành quả 4 năm đầu nhiệm kỳ 2016-2019 và nhìn nhận tác động to lớn và khó lường của đại dịch COVID-19 trong năm 2020, sau đó có những đánh giá chung cho cả giai đoạn của nhiệm kỳ 2015-2020. Việc đánh giá như vậy nhằm thể hiện rõ hơn, khách quan hơn thành quả trong cả nhiệm kỳ và lý do khách quan của đại dịch COVID-19.

Báo cáo chính trị của Đà Nẵng cũng đưa ra quan điểm phát triển là quán triệt, thực hiện xuyên suốt quan điểm phát triển đã được Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, xác định trọng tâm là: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ ngang tầm nhiệm vụ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng, tinh thần tiên phong, đoàn kết, khát vọng phát triển, năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường của người Đà Nẵng, xem đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố. Tập trung đổi mới căn bản mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu, kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý; phát triển nhanh và bền vững, có bản sắc riêng, tạo động lực và nguồn lực cho sự phát triển thành phố trong giai đoạn mới.

Báo cáo chính trị của Đà Nẵng cũng đề ra mục tiêu tổng quát đến năm 2025 sẽ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. Tầm nhìn đến năm 2030: Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống; người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo; quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được đảm bảo vững chắc.

Việc đưa ra quan điểm phát triển, cũng như đưa tầm nhìn đến năm 2030 vào mục tiêu tổng quát của Báo cáo chính trị lần này là một điểm mới so với Báo cáo chính trị nhiệm kỳ trước.

Báo cáo chính trị cũng đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Đó là xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.

Đồng thời, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 119 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đưa ra 14 chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020-2025.

Theo ông Vĩnh, điểm mới trong nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và cả chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 trong báo cáo Chính trị đều đưa xây dựng Đảng và hệ thống chính trị lên vị trí số 1, đáp ứng yêu cầu của Trung ương về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong tình hình mới, không chỉ nêu về đột phá kinh tế - xã hội như nhiệm kỳ trước đó.

Đại hội đại biểu lần thứ 22 Đảng bộ thành phố Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 20/10 đến ngày 22/10 tại Trường Chính trị thành phố.

Tổng số đại biểu chính thức dự Đại hội đảng bộ thành phố Đà Nẵng là 350 đại biểu. Trong đó, đại biểu đương nhiên là các Thành ủy viên khóa 21 có 47 người. Đại biểu được bầu tại Đại hội 16 đảng bộ trực thuộc Thành ủy là 303 người.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.