Chiếc máy bay không người lái phát nổ khi bị vô hiệu hoá ngay trên nóc Cung Thượng viện thuộc Điện Kremlin ngày 3/5. (Ảnh: RT) |
Video này xuất hiện hôm 3/5 trên mạng xã hội Nga. Điện Kremlin sau đó ra tuyên bố gọi đó là một vụ “tấn công khủng bố có kế hoạch”, một nỗ lực chủ ý nhằm ám sát ông Putin.
Điện Kremlin nhấn mạnh Tổng thống Putin vẫn bình an, đồng thời tuyên bố bảo lưu quyền đáp trả, vào thời điểm và bằng phương tiện phù hợp.
Tổng thống Ukraine cũng nhanh chóng phản ứng: “Chúng tôi không tấn công ông Putin hay Mátxcơva, chúng tôi chiến đấu trên đất của chúng tôi”.
Một nhà ngoại giao cấp cao đã nghỉ hưu của Mỹ cho rằng diễn biến này rất đáng kể: Sau hàng loạt vụ tấn công bí ẩn vào đất Nga, giới chức Ukraine nhanh chóng khẳng định không biết gì về vụ này.
Nếu vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Điện Kremlin là khó tin, thì cách nó xảy ra và điều sắp đến có thể còn kỳ lạ hơn.
Vài tháng trước, giới chức Nga bắt đầu lắp các hệ thống phòng không phía trên Bộ Quốc phòng và các toà nhà hành chính ở Mátxcơva.
Điện Kremlin là một trong những khu toà nhà chính phủ được bảo vệ nghiêm ngặt nhất thế giới. Biên giới của Nga với Ukraine cũng được bảo vệ chặt chẽ. Nếu hai chiếc máy bay không người lái đó bay sang từ Ukraine, làm sao chúng có thể vượt qua các lớp bảo vệ? Có phải các hệ thống phòng thủ của Mátxcơva đã thất bại? Làm cách nào để hai phương tiện đó bay gần Điện Kremlin đến vậy?
Các quan chức ở Kiev cho rằng đây có thể là chiến dịch “cờ giả”, và Nga có thể dựa vào vụ tấn công này để triển khai các cuộc tấn công dữ dội hơn vào Ukraine.
Một khả năng nữa được nêu ra là những người đối lập đã thực hiện cuộc tấn công lần này từ bên trong nước Nga.
Cựu chính trị gia Nga Ilya Ponamarev nói với CNN rằng vụ tấn công lần này là hành động của “một trong những nhóm đảng phái ở Nga”, nhưng không nói cụ thể vì nhóm đó chưa công khai nhận trách nhiệm.
Thời điểm xảy ra vụ tấn công lần này cũng gây chú ý. Ngày 9/5, Nga sẽ kỷ niệm Ngày Chiến thắng, để ôn lại chiến thắng của Hồng quân Liên Xô trước Đức quốc xã trong Thế chiến 2.
David Silbey, phó giáo sư ngành lịch sử tại ĐH Cornell, Mỹ, nói với Newswek rằng những nỗ lực ám sát lãnh đạo khá phổ biến trong chiến tranh.
“Mỹ bắt đầu Chiến tranh Vùng Vịnh năm 2003 với nỗ lực hạ bệ Saddam Hussein. Đã có những nỗ lực rõ ràng nhằm loại bỏ ông Zelensky trong cuộc chiến này”, ông Silbey nói.
Nhà nghiên cứu này cho rằng cuộc tấn công ngày 3/5 có thể là “một nỗ lực thực sự của người Ukraine nhằm vào ông Putin với hy vọng người thay thế ông sẽ không tiếp tục cuộc xung đột nữa”.
Tuy nhiên, Thiếu tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu John Spencer nói với Newsweek rằng, ông cảm thấy Ukraine sẽ “gặp bất lợi rất lớn nếu tấn công Mátxcơva và khiến người Nga càng ủng hộ chiến dịch quân sự ở Ukraine”.
Ông Spencer cũng cho rằng những máy bay không người lái bị phát hiện gần Mátxcơva có thể do một số tổ chức hoặc cá nhân đối lập triển khai.