Những dấu hiệu bị sốt xuất huyết cực kỳ nguy hiểm

Khám cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: internet
Khám cho bệnh nhân bị sốt xuất huyết tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: internet
TPO - Thường ngày thứ 3 - 4, sốt xuất huyết rất dễ trở nặng, điều nguy hiểm là ở giai đoạn này, một số ca có dấu hiệu hạ sốt nên dễ bị lầm bệnh sắp khỏi. Thực tế, đây là lúc cần chú ý nhất để tránh biến chứng nguy hiểm.

Theo Cục trưởng Y tế dự phòng Trần Đắc Phu, ở giai đoạn đầu của sốt xuất huyết, người bệnh chỉ có biểu hiện sốt nên dễ nhầm với sốt virus. Do đó người dân khi có biểu hiện sốt, nghi ngờ sốt xuất huyết thì phải đến BV để khám, làm test nhanh.

Giai đoạn sốt nóng: Ở giai đoạn này người bệnh thường có biểu hiện là sốt có nhiệt độ cao đột ngột lên đến 39 – 40 độ. Liên tục trong vòng 3 – 4 ngày liền mà không dứt.Sốt xuất huyết thường khởi phát rất đột ngột nhưng lại tiến triển qua 3 giai đoạn chính đó là:

Giai đoạn xuất huyết (chảy máu) thường được bộc lộ ở nhiều dạng như: Trên da xuất hiện những vết chấm đỏ hay vết bầm. Có hiện tượng chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu nướu răng. Ói hoặc đi cầu ra máu tươi hoặc máu cá lợn cợn.

Giai đoạn sốc: Đây là lúc bệnh đã chuyển nặng thường rơi vào ngày thứ 3 – 6 của bệnh. Đặc biệt, lúc trẻ em đang hết sốt cao chuyển sang dấu hiệu xuất huyết rõ ràng. Dấu hiệu của sốc sẽ bao gồm: mệt mỏi, li bì hoặc vật vã. Chân tay lạnh.

Thông thường, ở giai đoạn sốt, người bệnh vẫn có thể tự điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thế nhưng, trong giai đoạn tiếp theo đó, thường là ngày thứ 3 - 4, sốt xuất huyết rất dễ trở nặng.

Điều nguy hiểm là ở giai đoạn này, một số trường hợp còn có dấu hiệu hạ sốt nên dễ bị lầm tưởng thành bệnh sắp khỏi. Tuy nhiên, đây cũng là lúc cần chú ý nhất và theo dõi thật cẩn thận để tránh tình trạng biến chứng nguy hiểm.

Khi có các dấu hiệu sau, người bệnh sốt xuất huyết cần được nhập viện điều trị ngay:

- Cơ thể bồn chồn hoặc kích thích, vật vã, li bì...

- Tình trạng nôn tăng.

- Đau bụng, tăng cảm giác đau ở các phần trên cơ thể (nhức hốc mắt, đau nhức cơ thể).

- Tiểu ít đi.- Xuất huyết bất kì chỗ nào: chảy máu chân răng, máu cam, đi tiểu, đại tiện...

Khi đến BV, BS sẽ đánh giá thêm 3 dấu hiệu nữa gồm: phù nề, tràn dịch; gan to; tiểu cầu giảm.

Các bác sĩ lưu ý, người dân tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch khi bị sốt. Nếu cần thiết phải truyền, BS sẽ có chỉ định với sự theo dõi sát sao của điều dưỡng về tốc độ truyền để tránh nguy cơ gây sốc.

Đặc biệt nguy hiểm là khi chưa test loại trừ sốt xuất huyết và có những dấu hiệu đau cơ, đau đầu... người dân tuyệt đối không tự ý mua thuốc aspirin và ibuprofen về dùng.

Trong phác đồ điều trị sốt xuất huyết, người dân chỉ nên dùng paracetamol để hạ sốt. Tổng liều không quá 60mg/kg cân nặng/24h (trẻ em dùng liều 10-15mg/kg), cứ 4 - 6 tiếng uống một lần khi sốt từ 38,5 độ trở lên.

Tuy nhiên nhiều bệnh nhân và phụ huynh sốt ruột khi paracetamol hạ sốt không sâu, tái sốt nhanh nên đã cuống cuồng tìm loại thuốc khác thay thế.

Thực tế, lượng tiểu cầu trên những bệnh nhân mắc sốt xuất huyết sẽ giảm nhanh, trong khi aspirin và ibuprofen cùng có tác dụng ngăn sự tập kết tiểu cầu, chống đông máu khiến bệnh nhân tăng nguy cơ chảy máu. Aspirin còn có tác dụng phụ gây loét dạ dày tá tràng và có thể gây xuất huyết dạ dày, ói ra máu.

MỚI - NÓNG