Những con đường

0:00 / 0:00
0:00
TP - Những con đường không tự chia tay nhau/Chỉ những con người bỗng trở thành xa lạ/Những đoàn tàu đi về mọi ngả/Vẫn trở về tụ họp sân ga/Cả con tàu vũ trụ bay xa/Vẫn hẹn ngày trở về trái đất/Vì sao anh và em không bao giờ còn gặp mặt?!

Những con đường không tự chia tay nhau/Chỉ những con người bỗng trở thành xa lạ/Những đoàn tàu đi về mọi ngả/Vẫn trở về tụ họp sân ga/Cả con tàu vũ trụ bay xa/Vẫn hẹn ngày trở về trái đất/Vì sao anh và em không bao giờ còn gặp mặt?!

1. Tôi luôn bị thu hút bởi những con đường. Di chuyển ở trong nước hay ở nước ngoài, tôi đều thích ngồi ở ghế đầu xe để nhìn và chụp ảnh những con đường.

Không phải do có những mơ ước, khát vọng cao xa, viển vông gì. Đơn giản tôi nghĩ những con đường tất yếu dẫn đến những mái nhà. Nơi đó là những số phận, những cuộc đời với niềm vui - nỗi buồn, hạnh phúc - khổ đau.

Mỗi con người đều có mái nhà của mình và dù có đi xa đến mấy thì vẫn luôn có đó con đường dẫn ta trở về nhà.

Một năm, báo Tiền Phong đi thăm và giao lưu với phạm nhân ở một trại giam. Anh em không biết nên vẽ gì lên phông. Tôi bảo hãy vẽ một con đường với thật nhiều ánh sáng ở phía trước. Và ở cuối con đường đó là một ngôi nhà.

Phát biểu trước các phạm nhân, tôi chỉ con đường và nói: Cuộc đời các bạn đang đi vào một khúc quanh không mong muốn nhưng các bạn cần phải bước tiếp. Và các bạn nhất thiết phải đi về phía ánh sáng. Ở cuối con đường đó là mái nhà của các bạn.

Nhiều phạm nhân đã úp mặt vào tay khóc. Tôi cứ hi vọng là sau cuộc giao lưu đó, họ sẽ sống trong tù tốt hơn một chút.

Tôi thích nhất những con đường nhánh rẽ từ đường lớn về những làng quê, chạy qua đồng ruộng hoặc rừng. Những con đường như thế đặc biệt gợi nhiều liên tưởng và cảm xúc trong tôi những khi chiều tà hoặc hoàng hôn, lúc không thấy một bóng người. Trong một bài thơ về hoàng hôn, tôi viết: “Sương mờ vắng lạnh con đường/ Cánh chim độc vội bay dường sợ ai”.

Tôi nhớ và thích một bức tranh của một họa sĩ Liên Xô. Người lính trở về sau chiến tranh vừa xuống xe. Chiếc xe tải chở các đồng đội anh đã chạy tiếp một quãng xa. Người lính đứng giữa mênh mông, choãi hai chân, hai tay nắm hai quai ba lô, dường như anh đang hít căng lồng ngực. Trước mặt anh là con đường nhỏ dẫn về làng.

Tên của bức tranh: “Phía trước là cả CUỘC ĐỜI”.

Bài thơ “Những con đường” trên đây tôi làm nhiều chục năm trước, khi còn học ở Nga. Bắt nguồn từ một bài thơ Nga.

Thực ra đó là một bài thơ Nga nhiều chất sinh viên, đăng trên một ấn phẩm của sinh viên. Tác giả trách cứ những con đường, bởi chúng tách rời những số phận, mang những con người đi xa nhau.

Tôi cũng thích ý đó, nhưng lại nghĩ những con đường không hẳn có lỗi. Chắc lỗi chủ yếu là của con người.

Bài thơ “Những con đường” dựa trên tứ đó. Sẽ không có nó nếu tôi không đọc bài thơ sinh viên kia. Tôi coi nó là bài thơ phái sinh, gọi là bản dịch rất thoát, quá thoát (đến mức ngược với bài thơ gốc) cũng được. Nhưng là một trong những bài thơ tôi thích, trong số những bài đã từng viết. Bài thơ về những con đường!

2. Do công việc và duyên may, tôi được đi khá nhiều trên đất nước mình và trên thế giới. Biết bao nhiêu là đường đất đã đi qua, thật không tài nào nhớ hết.

Trong những con đường còn lưu giữ được trong trí nhớ, hẳn nhiên là phải có con đường đầu tiên, con đường nhỏ ở làng quê, con đường chạy từ đầu làng đến cuối làng, toả nhánh ra các xóm, có nhiều nét giống con đường nhỏ “Kéo nỗi buồn không dạo khắp làng” của Tế Hanh (tôi muốn thay mấy chữ “nỗi buồn không” bằng “những buồn vui”). Những năm tháng tuổi thơ, tôi đánh khăng, đánh đáo, lăn trong rơm rạ trên con đường đó.

Rồi con đường cũng nho nhỏ chạy ngang qua trước làng tôi. Nó được rải sỏi cứ nổ lạo xạo vui tai dưới bánh xe trâu, xe bò đóng đai sắt, nghe như trẻ con nhai kẹo giòn mà tôi lắng không bao giờ chán. Con đường đó hai bên trồng cây phi lao xanh tốt, được người làng gọi rất oai là “đường chiến lược”. Thật ra nó được làm như thế do là một đoạn trong tuyến đường nhánh dự bị cho các tuyến đường huyết mạch ra tiền tuyến phòng khi bị địch đánh phá cắt đứt. Chưa thấy con đường này được dùng vào nhiệm vụ vẻ vang đó bao giờ.

Thử hình dung lại, thằng bé con chừng 10 tuổi là tôi trong những buổi đi kiếm ăn ở những ruộng, những vũng ven hai bên con đường ấy thường đứng nhìn về phía con đê sông Chu cách đó chừng gần hai cây số, nơi có những bãi dâu ven sông, chính là địa điểm mà ngày xưa, năm 1961, người ta đã quay nhiều cảnh phim “Con chim vành khuyên” nổi tiếng một thời mà thủ vai chính là cô bé Tố Uyên – người sau này trở thành vợ đầu của nhà thơ Lưu Quang Vũ.

Nhưng hồi ấy tôi chưa biết chuyện đó. Tôi nhìn về phía đó là do những đám bụi thỉnh thoảng bốc lên khi có chiếc xe tải đi trên con đường đê. Những đám bụi đó, to đặc ở chỗ chiếc xe đang đi, nhỏ và loãng dần về phía xa sau nó, giống như một chiếc đuôi sao chổi ngược khổng lồ màu vàng đất, có lẽ từ khi ấy, đã gợi lên trong tôi những mơ ước mơ hồ và xa xôi về những chân trời mới.

Những con đường ảnh 1

Con đường ở Công quốc Liechtenstein, nhìn từ cáp treo

Hai con đường nhỏ và đám bụi mờ đó của tuổi thơ là thứ mà tôi đôi khi bất giác nhớ đến khi hình dung lại những con đường cao tốc miên man xuyên lục địa Âu già, hay men ven bờ Tây nước Mỹ; hay xuyên nước Anh, nước Nhật, nước Tàu, nước Úc, nước Thổ… với muôn vẻ đồng ruộng, núi non, sông ngòi, thành phố, làng quê cổ kính hoặc mới mẻ… đẹp đến lịm người; hay khi qua những con đường nước Nga chạy giữa cánh đồng rộng đến độ có khi xe bon cả tiếng còn chưa ra khỏi.

Con đường quê nhỏ bé cũng là thứ để liên tưởng khi nhớ về lần ngồi xe bon trên vùng bình nguyên cằn cỗi xứ Kazakhstan không thấy trồng trọt gì chỉ rặt những cây cỏ lúp xúp, lưa thưa mọc dại mà người dẫn đường nói rằng cứ chạy hết con đường khung cảnh không đổi này khoảng 800 cây số nữa là đến vùng Siberia lạnh giá của nước Nga…

3. Năm 1986, trở về nước từ Liên Xô, tôi đã cất công đạp xe khoảng 30 cây số từ Bình Đà (Hà Tây cũ), nơi tôi được phân về dạy học, lên xem cầu Thăng Long nối từ sân bay Nội Bài về nội đô Hà Nội được thông xe cách đó mới một năm. Rồi lại cất công đi Hải Phòng hồi đó bắt xe không dễ, ngoài mục đích chơi thăm nhà bạn thì còn để xem con đường 5 cũng vừa xây dựng xong (lúc đó cảm thấy nó rộng quá thênh thang dù nhiều đoạn đã có những dải phân cách trồng cây thấp ở giữa). Đi về có cảm giác phí phạm vì cầu, đường khi ấy thưa thớt xe qua, có lúc hàng chục phút chả có cái nào.

Giờ thì những con đường cao tốc của ta oằn mình dưới dòng lũ xe đi suốt ngày đêm không dứt. Đất nước đã đi được một thôi đường dài lên phía trước sau mấy mươi năm.

Mỗi con người đều có mái nhà của mình và dù có đi xa đến mấy thì vẫn luôn có đó con đường dẫn ta trở về nhà.

Tuy nhiên, những con đường cao tốc thường không gợi cho ta nhiều cảm xúc, khác với những con đường ở miền núi cao, rừng thẳm. Đi trên đường cao tốc, tôi thường ngủ nếu không phải lái xe (mà lái xe trên đó cũng thường rất buồn ngủ). Nhưng đi trên các cung đường miền rừng núi, tôi thường không dám nhắm mắt lấy một phút. Hoàn toàn không phải vì lo mất an toàn mà sợ sót lọt mất các cảnh sông sâu, núi cao, vực thẳm… hùng vĩ, hoang sơ để cảm thấy mình nhỏ bé nhưng hạnh phúc. Luôn là như thế dù trong nước hay ở nước ngoài.

Những con đường ảnh 2

Đường lên Sài Khao Ảnh: Mạnh Thắng

Tôi có lần qua con đường cheo leo trên dãy Hoàng Liên Sơn, bên núi, bên vực, từ Lai Châu đi Sa Pa trong một chiều mưa nhỏ lại mịt mù sương và khi hạ sơn rồi người lái xe mới thú thật là “sợ quá nhưng không dám nói sợ anh cũng sợ”. Lại nhớ đến những con đường cũng cheo leo trên dãy Andes ở Peru tận Nam Mỹ hay trên dãy Alpes ở Thụy Sĩ bên châu Âu mà mình may mắn đã được đi qua, nơi nào cũng lưu lại những kỷ niệm.

Nhất là cái lần ở Liechtenstein, cái công quốc trên vùng núi nằm lọt trong lòng Thuỵ Sĩ, một sáng tinh sương, khi những người trong đoàn còn ngủ say, tôi lẻn dậy chuồn ra mua vé cáp treo lên đỉnh một nọn núi say mê nhìn xuống con đường nhỏ mềm như một ruy băng lụa màu xám đậm chạy qua thảm cỏ xanh như ngọc với những ngôi nhà rất đẹp trông như những lâu đài tí hon rải rác đó đây. Cảnh tượng như cổ tích.

Mới đây, tôi lại đứng trên một tầng cao của núi rừng huyện Mường Lát biên ải Thanh Hóa, nhìn xuốn con đường lên Sài Khao ngoằn ngèo, trở đi trở lại giữa màu xanh của rừng, của núi mà khoảng 70 năm trước Quang Dũng tả các chiến binh Tây Tiến đi trên đó: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi”. Tức cảnh sinh tình, tôi cũng làm bài thơ có câu: “Hút nhìn từ tầm cao/ Con đường như tơ rối”. Con đường uốn lượn lằng nhằng trên núi ấy giờ đã được làm để ô tô có thể mang niềm vui lên tận bản Sài Khao.

Tôi nhớ và thích một bức tranh của một họa sĩ Liên Xô. Người lính trở về sau chiến tranh vừa xuống xe. Chiếc xe tải chở các đồng đội anh đã chạy tiếp một quãng xa. Người lính đứng giữa mênh mông, choãi hai chân, hai tay nắm hai quai ba lô, dường như anh đang hít căng lồng ngực. Trước mặt anh là con đường nhỏ dẫn về làng. tÊN BỨC TRANH: "pHÍA TRƯỚC LÀ CẢ CUỘC ĐỜI!".

Những con đường miền núi của nước mình hùng vĩ, đẹp lắm. Nhưng nhiều khi cũng dữ lắm. Tôi đã đến Yên Bái đứng cúi đầu ở chỗ con đường bị đứt bởi cây cầu Thia lũ vừa cuốn phăng một nhịp, kéo theo cả nhà báo Đinh Hữu Dư. Lại cũng đến chỗ con đường bị đứt đoạn bởi dòng sông Âm ở huyện Lang Chánh, Thanh Hóa để tưởng nhớ thượng tá Biên Phòng Cao Đăng Cường – một người mà tôi từng có duyên gặp một lần và đồng đội anh, đại uý Nguyễn Thành Chủng bị cơn lũ từ thượng nguồn ập về bất ngờ cuốn trôi khi xe các anh đang qua sông. Cũng từng vừa qua vừa vái những đống bãi đất đá ngổn ngang cắm dày những nén hương ở con đường huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam, nơi núi lở vùi lấp hàng vài chục mạng người…

Những con đường chứa cả vẻ đẹp, cả nỗi đau buồn như thế! Những con đường để lại những “vết xước” trong tim.

Những con đường ảnh 3

Con đê ngày bé tôi nhìn những đám bụi bốc lên khi có ô tô qua nay mặt đê đã được thảm khá tốt Ảnh: Lê Xuân Sơn

Nhưng những con đường dù ở chân trời góc bể, dù nơi non xanh, nước biếc, dù có đẹp, có chứa nhiều niềm vui, nỗi buồn đến đâu thì vẫn không thể nào sánh được với nó - con đường dẫn ta trở về nhà của mình sau mỗi chuyến đi.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.