Đây rồi Sài Khao! Cái tên Sài Khao tiếng Thái nghĩa là cát trắng! Có phải trong cấu trúc địa chất ở Mường Lý nói chung, phân bổ chủ yếu dạng đất pha cát với thành phần cát thô mà có tên ấy? Cách huyện Mường Lát khoảng 30 km, bản Sài Khao núi non hiểm trở, mây mù quanh năm bao phủ. Bản không có điện, không sóng điện thoại, đường sá đi lại khó khăn. Bản nhỏ bé, yên bình.
Chúng tôi nghiêm ngắn dâng hương trước bia lưu niệm Tây Tiến. Câu chuyện trước đó của cô giáo Bùi Phương Thảo (nhân vật đã đề cập ở kỳ trước), Trưởng Ban liên lạc Tây Tiến về Công trình bia lưu niệm nằm bên sườn đồi, cạnh đường liên xã, xung quanh có Trường Tiểu học Tây Tiến và Trường Mẫu giáo Sài Khao khá hấp dẫn. Lại nhuốm chút như huyền thoại tâm linh. Thời điểm cuối năm 2020, để đưa được tấm phù điêu bằng đá xanh đặc hữu xứ Thanh cao 2,2m, rộng 2,8m, nặng hơn 5 tấn lên đây là cả một kỳ công! Gặp vô số khúc cua gập ghềnh như thơ Quang Dũng dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm. Nhiều đoạn cua xe đột nhiên lịm máy. Bên cạnh là vực sâu. Theo lời dặn của Phương Thảo, cánh lái xe lặng lẽ thắp hương thầm cầu khấn các bác Tây Tiến ơi hãy giúp chúng con… Thế mà lạ thay, trót lọt cả.
Bia Lưu niệm Tây Tiến ở Sài Khao |
Sài Khao có 90 hộ người Mông với 552 nhân khẩu, tổng diện tích đất canh tác hơn 73 ha. Hầu như tất tật là hộ nghèo!
Vậy mà có cái lạ, Sài Khao là điểm sáng về giáo dục của xã Mường Lý với số con em đi học các cấp ngày một đông. Có 3 em đã tốt nghiệp đại học là Vàng A Giàng, Vàng A Mai và Vàng A Chua. Nhiều năm nay ở Sài Khao không còn tình trạng cán bộ biên phòng, các thầy, cô giáo cắm bản phải đi từng nhà vận động học sinh đến lớp.
Tôi ngắm hình ảnh 3 chiến sĩ Tây Tiến khoác súng, trong đó có một chiến sĩ mặc trang phục đồng bào dân tộc. Trên thớ đá xanh hằn đậm các dòng chữ “Tinh thần Tây Tiến đời đời bất diệt”. Phía dưới khắc hai câu thơ “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/Mường Lát hoa về trong đêm hơi”.
Tôi ngồi với thầy Nguyễn Xuân Hùng, Hiệu trưởng điểm trường PTCS Sài Khao. Thầy lên Sài Khao đã hơn 20 năm. Quê thầy mãi dưới xuôi huyện Triệu Sơn. Tốt nghiệp trường Sư phạm 10+2 Thanh Hóa thầy Hùng được điều lên đây. Thầy vẫn nói vui mình là người dân tộc thiểu số. 26 giáo viên đa số là người Mông, Thái. Điểm trường có 94 cháu tất cả là người Mông từ lớp Một đến lớp Năm. Qua vẻ mặt khắc khổ của thầy, tôi cũng thoáng biết những gian nan tất tả của thầy và đội ngũ giáo viên ở một điểm trường của một địa phương có tỷ lệ hộ nghèo và đói thuộc diện cao nhất nước, nhưng đã phải gắng gỏi đến như thế nào để neo giữ được học sinh đến lớp không bỏ học… Và vợ thầy, cũng là một cô giáo cùng quê cùng dạy học trên vùng cao này. Tiếng là cùng huyện Mường Lát nhưng xa cách xã phải hơn 60 cây số đường rừng. Ngay như xã Mường Lý đây, từ bản xa đến trung tâm xã cũng trên 20 cây số!
Thầy Hùng kể cho tôi nghe thêm về những dấu tích mà bộ đội Tây Tiến khi dừng chân, lập căn cứ để lại. Đó là những vườn bưởi trồng trên sườn núi, khu ruộng bậc thang và bờ đá kè suối. Bây giờ vườn bưởi cùng ruộng bậc thang ấy sau khi chia tách nay thuộc bản Trung Thắng, cũng xã Mường Lý. Vườn bưởi ngày nay vẫn còn và dưới vườn bưởi là khu ruộng bậc thang khoảng hơn 1ha vẫn là chân đất thượng đẳng điền của dân Mông ở Mường Lý.
Từ hiện thực trần trụi đến thơ trong Tây Tiến hình như chả diệu vợi là bao? Bồi hồi khi lần lại ký ức của Quang Dũng khi ông bộc bạch trong bài viết “Đoàn binh Tây Tiến - Đoàn Võ trang Tuyên truyền Biên khu Lào Việt” (mới xuất bản năm 2019) thì địa danh Mường Lý chỉ xuất hiện gần cuối, khi ông kể đến thời điểm Đoàn Võ trang Tuyên truyền di chuyển từ Hồi Xuân (Quan Hóa) sang Mường Khiết rồi Mường Lý, “rậm rạp, lau cao, cỏ tranh mọc cao hơn đầu người”.
Tặng quà Tết cho các cháu ở Sài Khao |
…“Mường Lát. Sông Mã ở đây réo ầm ầm như thác. Rải rác quãng đường biên giới, thỉnh thoảng những nấm mồ đất mới đắp, còn những vòng hoa rừng đã úa hắc. Sự im lặng của những nấm mồ gợi cho chúng ta tưởng đến cái nghĩa cao cả hi sinh của những bạn chiến đấu đã nằm xuống”.
Khoát một vòng tay về phía đại ngàn sương, thầy Hùng chất giọng như tiếc rẻ rằng phải được hôm trời trong thì trên đỉnh Sài Khao này có thể ngó thấy dãy Pha Luông kỳ vĩ ẩn hiện trong mây trắng. Đại ngàn Pha Luông có độ cao gần 2.000m, án ngữ khu vực biên giới Việt - Lào, nằm ở phía Đông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cách thị trấn Mộc Châu khoảng 30km.
Phút bay bổng hiếm hoi của thầy Hùng khiến người nghe bất giác liên tưởng đến vế đối kỳ vĩ, nơi này Sài Khao kia Pha Luông! Pha Luông như tôn thêm điểm nhấn cho Sài Khao, những địa danh kỳ vĩ của trời Tây xứ Thanh cùng miền Tây nước Việt.
Có lẽ dứt khoát không và chưa bao giờ là phù thủy ngôn từ lẫn uốn éo điệu đà trong thơ? Nhưng một Quang Dũng chí cốt máu thịt với miền Tây nước Việt đã khoát hoạt tạo nên một thông điệp độc đáo về địa danh để nhắc nhở hậu thế một thời bi thương bi hùng của cuộc chiến tranh vệ quốc.
Vậy nên Tây Tiến đã được đưa vào giảng dạy trong giáo dục ở Việt Nam. Sách giáo khoa lớp 12 hệ phổ thông đàng hoàng có Tây Tiến! Và Tây Tiến đã xuất hiện trong đề thi đợt 2 môn Ngữ Văn, kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Viết đến đây chợt nhớ một chuyện. Cữ áp Tết đã lâu lắm, hơn mười năm trước, đến Tòa báo An ninh Thế giới thấy Tổng Biên tập, nhà văn Hữu Ước đang quát loạn cả lên. Thì ra ông đương hối giục nhà thơ Hồng Thanh Quang tiến hành nhanh một việc thiện mà ông thi sĩ này lại làm chậm. Ấy là việc đến thăm chúc Tết bà Thạch vợ nhà thơ Quang Dũng khi ấy đương đau yếu. Hôm sau gặp lại Hồng Thanh Quang, khí sắc thi sĩ hồ hởi hẳn lên khi kể lại chuyện. Phu nhân nhà thơ Quang Dũng vốn đau yếu lâu nay, trí nhớ gần như đã cạn kiệt bỗng thoắt tỉnh táo khi nghe chất giọng hào hứng và cảm động của MC Hồng Thanh Quang đọc nhiều bài thơ của Quang Dũng trong đó có Tây Tiến. Bà khóc, cầm mãi tay Hồng Thanh Quang nghẹn ngào thì ra các anh không quên Quang Dũng…
Quên sao được Tây Tiến. Quên sao được nhà thơ Quang Dũng cùng thời thương khó, liệt oanh! Và đương mong lắm những tấm lòng thiện nguyện của nhiều nhà báo như như Hữu Ước, như Thiện Tâm của VinGroup và những hằng tâm hằng sản khác chung tay với cô giáo Bùi Phương Thảo với Ban liên lạc Tây Tiến để ngọn lửa truyền thống Tây Tiến mãi ấm và thắp sáng các thế hệ lương dân Việt!X.B