Lý do khiến cho ông Nhung hiện đang gặp nhiều khó khăn vì nhiều yếu tố như tàu trục trặc, hư hỏng thời tiết bão gió bất thường, chi trả lãi và gốc cho ngân hàng (theo hàng quý) là rất lớn...
Ông Nhung cho biết, tàu mang số hiệu TH- 93979 TS của ông, do Công ty CP Đại Dương (tỉnh Thái Bình) đóng, đưa vào sử dụng trong năm 2016. Sự cố mà tàu ông gặp phải là hệ thống đèn trên tàu đã làm cho toàn bộ thuyền viên, lao động trên tàu bị đỏ mắt, rát da.
Ngay khi phát hiện điều này, ông Nhung đã thông báo cho công ty đóng tàu. Đến nay, phía công ty đã lắp lại 120 bóng đèn (tổng số 300 bóng) số còn lại, ông chưa biết khi nào phía công ty mới tiếp tục lắp cho đủ.
Ngoài hệ thống bóng đèn không đảm bảo, tàu của ông Nhung cũng gặp sự cố hệ thống đường thoát nước không thải được ra ngoài. Thuyền viên phải khắc phục bằng cách dùng máy bơm bơm nước ra ngoài.
Ông Nhung tạm thời sử dụng biện pháp này để cho tàu ra khơi vì nếu tàu liên tục nằm bờ sửa chữa thì các chi phí khác và nợ ngân hàng cứ thế độn lên. Tuy nhiên, nền hệ thống thoát nước trên tàu vẫn không sử dụng được thì ông chưa biết được mức độ ảnh hưởng sẽ ra sao.
Tổng trị giá con tàu của ông Nhung hơn 17 tỷ đồng, ngoài tiền mặt gần 900 triệu đồng, số tiền hơn 16 tỷ đồng ông Nhung vay ngân hàng. Mỗi quý, ông phải đóng cả gốc và lãi gần 300 triệu đồng.
Từ khi tàu đi vào hoạt động đến nay, quý đầu tiên, ông Nhung chỉ lo được tiền lãi để trả ngân hàng, số tiền gốc ông không lo được. Ngoài ra, tiền lương hàng tháng của các thuyền viên, lao động trên tàu ông đang còn phải vay mượn để chi trả.
Trong khi đó ông Nguyễn Duy Muộn, chủ của tàu TH-93968 TS, vốn đầu tư hơn 17,7 tỷ đồng (vay ngân hàng 17 tỷ đồng) do Công ty CP Đại Dương đóng chung nỗi lo. Sau nhiều lần hư hỏng, sửa chữa, giữa tháng 6/2017, con tàu tiếp tục nằm bờ để xử lý máy phát điện hư hỏng.
Chi phí hao tổn cho mỗi chuyến đi ra khơi khai thác lớn, tàu liên tục gặp sự cố. Ông Muộn gặp nhiều khó khăn chi trả tiền cho ngân hàng (270 triệu/quý), tiền công cho lao động và cuộc sống cho chính gia đình của mình. Ngày 16/6/2017, ông Muộn đã có báo cáo gửi cơ quan chức năng kiểm tra, hỗ trợ khắc phục hư hỏng.
Cụ thể, vỏ tàu được đóng bằng tôn Hàn Quốc (theo thiết kế) chất lượng tốt nhưng sơn vỏ tàu kém phải sơn lại; máy chính hoạt động tốt nhưng 2 máy phụ phát điện thì là máy cũ, hoạt động không đảm bảo, hỏng 2 lần; hệ thống lái trục thủy lực không đảm bảo, các mố hàn không đảm bảo liên tục hư mối hàn dẫn đến hư chân vịt và phải lên đà sửa chữa; ngoài ra hệ thống neo tàu cũng không đảm bảo, thép làm neo không đúng thiết kế dẫn đến 2 neo bị gãy khi neo đậu...
Thời điểm này, nhiều tàu vỏ thép khác được đóng theo Nghị định 67 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng gặp tình trạng hư hỏng. Tàu của ông Lê Văn Lực (xã Hoằng Trường, Hoằng Hóa), số hiệu TH-91709 TS; Tàu của ông Trần Văn Thượng (xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia) đều do Công ty TNHH đóng tàu Đại Nguyên Dương đóng...
Ông Nguyễn Đức Cường - Phó Chi cục trưởng Chi cục khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Thanh Hóa cho hay: Trong số 23 tàu cá vỏ thép đưa vào sử dụng có một số tàu hư hỏng, gặp sự cố. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi đến các cơ sở đóng tàu yêu cầu tiếp nhận, sửa chữa, khắc phục sự cố.