1. Tổ chức thi hoa hậu là việc dễ gặp rủi ro và tốn kém. Vì sao báo Tiền Phong vẫn kiên trì tổ chức các cuộc thi trong gần ba chục năm nay?
Có nhiều lý do để Tiền Phong tiếp tục tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.
Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân trao vương miện cho Hoa hậu Việt Nam 2012 Thu Thảo. Ảnh: Hồng Vĩnh
Thứ nhất, đó là một nhiệm vụ chính trị - xã hội. Ban Bí thư T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nêu rõ khi giao nhiệm vụ tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cho báo Tiền Phong: “Tổ chức một hoạt động văn hóa nhằm định hướng giáo dục thẩm mỹ cho tuổi trẻ, tạo nên một sinh hoạt văn hóa mới, góp phần làm phong phú, đa dạng hơn đời sống văn hóa tinh thần của tuổi trẻ Việt Nam; thông qua đó lựa chọn những thiếu nữ Việt Nam có đạo đức tốt, có trình độ văn hóa, có vẻ đẹp tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam để trao danh hiệu Hoa hậu, góp phần tôn vinh người phụ nữ Việt Nam và đại diện cho phái đẹp Việt Nam tham dự các cuộc thi hoa hậu quốc tế”.
Thứ hai, cần tiếp cận cuộc thi thêm từ khía cạnh nó là một sự kiện truyền thông rất lớn mang lại hiệu quả kinh tế xã hội rõ rệt. Nó quảng bá mạnh mẽ tiềm năng, thương hiệu, hình ảnh của các địa phương đơn vị, doanh nghiệp tham gia. Cuộc thi quảng bá hiệu quả cho văn hóa và du lịch, là tác nhân góp phần tạo ra số của cải vật chất và tiền bạc lớn hơn nhiều kinh phí mà nó đòi hỏi. Thực tế là mỗi lần thi đều có nhiều tỉnh, thành phố, doanh nghiệp muốn tham gia ở vai trò đồng tổ chức, phối hợp tổ chức hoặc nhà tài trợ.
Thứ ba, cuộc thi đã có lịch sử dài lâu gần 30 năm với 14 lần tổ chức (năm 2016 là lần thứ 15) với bao công sức và tâm huyết của các thế hệ cán bộ, phóng viên, nhân viên Tiền Phong và các đơn vị, cá nhân phối hợp tổ chức, tài trợ, tham gia. Đây là một thương hiệu, một uy tín lớn.
2. Trình độ học vấn của các người đẹp thi hoa hậu là một vấn đề được quan tâm, dường như hiện nay khó để tìm ra một người “tài sắc vẹn toàn”. Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có đưa yếu tố học vấn lên hàng đầu không? Có phải phần thi ứng xử sẽ quyết định ai là hoa hậu?
Dàn Hoa hậu, Á hậu Việt Nam dự họp báo công bố Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. Từ trái qua: Các Hoa hậu Hà Kiều Anh, Ngọc Hân, Mai Phương Thúy, Thùy Dung, Kỳ Duyên, Thu Thảo; Các Á hậu Diễm Trang, Huyền My. Ảnh: Trường Duy
Điểm của phần thi ứng xử là điểm cấu thành kết quả chung và có vai trò như điểm ở các phần thi khác.
3. Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam thường đặt câu hỏi thế nào? BTC có đưa câu hỏi và đáp án cho thí sinh không?
Thường có hai cách làm câu hỏi: BTC tự đặt hoặc tổ chức thi đặt câu hỏi. Khi xây dựng các câu hỏi, BTC thường cố gắng để các câu hỏi không phải là loại kiểm tra hay đánh đố về mặt kiến thức mà đặt ra những tình huống để thí sinh có thể vận dụng khả năng trí tuệ, sự nhanh nhạy và khả năng ứng xử để trả lời. Chủ đề đa dạng thường là có ý nghĩa xã hội khá sâu sắc. Câu hỏi cũng được xây dựng ngắn gọn để thí sinh có thể nhanh chóng hiểu rõ trong điều kiện ngặt nghèo của phần thi, thường thì độ dài của câu hỏi không quá 100 chữ.
Ba người đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014. Ảnh: Phạm Hoài Nam
4. Thế nào là “chưa sống với ai như vợ chồng” như thể lệ cuộc thi? Hiện nay, giới trẻ có cách nghĩ khá phóng khoáng về hôn nhân, nhiều người sống thử hoặc có con trước khi cưới. Vậy quy định này có quá khắt khe? Và cả quy định chưa từng can thiệp phẫu thuật thẩm mỹ cũng vậy? Tại sao lại không cho những người nỗ lực làm mình đẹp hơn lên dự thi?
Câu hỏi “Làm thế nào?” được trả lời rất rõ tại một thông tư liên tịch của Tòa án NDTC, Viện KSNDTC và Bộ Tư pháp: Nam và nữ được coi là chung sống với nhau như vợ chồng nếu: “họ có đủ điều kiện để kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau; Việc họ chung sống với nhau được gia đình (một hoặc cả hai bên) chấp nhận; Việc họ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến; Họ thực sự có chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình”.
Như vậy, Thể lệ của Ban tổ chức chẳng phải là quá khắt khe. Một cô gái muốn dự thi Hoa hậu Việt Nam cần đáp ứng các quy định của pháp luật và các chuẩn mực đạo đức phổ quát của xã hội. Hiện tượng sống chung đúng là có trên thực tế nhưng không phù hợp với các quy định của pháp luật và chuẩn mực đạo đức của xã hội Việt Nam.
Về vấn đề can thiệp thẩm mỹ, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cũng như hầu hết các cuộc thi hoa hậu trên thế giới đều quy định thí sinh phải có vẻ đẹp tự nhiên, chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ. Đồng ý là nỗ lực làm mình đẹp hơn lên rất đáng trân trọng, tuy nhiên, cần có cuộc thi riêng cho những người như thế.
5. Ban Tổ chức có sợ lùm xùm không?
Thực tế, các cuộc thi hoa hậu, người đẹp thường nhạy cảm và dễ xảy ra chuyện lùm xùm. Đương nhiên, lùm xùm là chuyện đáng ngại vì nó ảnh hưởng đến uy tín. Làm sao tránh nó? Chỉ có cách thực hiện thật nghiêm các quy định của Nhà nước và cơ quan chức năng về thi hoa hậu, người đẹp, Đề án cuộc thi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, các quy chế, quy định của cuộc thi. Và đặc biệt là sự công tâm, đảm bảo quan trọng nhất giữ uy tín lâu dài cho cuộc thi. Khi công tâm và minh bạch thì ngay cả khi có mắc sơ suất thì cũng dễ được những người liên quan và công chúng cảm thông.