Nhân 35 năm ngày thành lập báo Tiền Phong, báo đã mượn một số bộ phim "tham khảo" của Fafilm Việt Nam chiếu cho cán bộ, phóng viên xem. Trong những bộ phim đó, có Hoa hậu thế giới. Lần đó, Phon Thít, người Thái Lan đoạt vương miện Hoa hậu thế giới đã gây ra một cơn chấn động ở châu Á. Hôm hoa hậu thế giới Phon Thít đăng quang trở về nước, Thủ tướng Thái Lan lúc đó đã ra tận thang máy bay để đón. Ông phát biểu với giới báo chí: "Tôi đã đón nhiều bậc vua chúa, nhiều nguyên thủ quốc gia nhưng chưa lần nào run như lần này… khi đón Hoa hậu Phon Thít trở về với đất nước".
Từ phòng chiếu phim bước ra, nhiều người bàn tán sôi nổi. Một vài người thốt lên: "Sao ta không tổ chức một cuộc thi Hoa hậu nhỉ". Cuộc họp cơ quan sau đó, Phó Tổng biên tập báo khi đó là ông Dương Xuân Nam đã nêu ra ý kiến này, sau một lúc ngỡ ngàng, nhiều ý kiến lên tiếng ủng hộ.
Bước vào cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất (1988) Ban tổ chức không xin giấy phép (chẳng biết xin ai). Không nhà tài trợ. Không bán vé (chỉ có giấy mời), BTC chiếu băng ghi hình cuộc thi Hoa hậu thế giới năm 1988 cho thí sinh xem và luyện tập. Ban biên tập có sáng kiến thêm phần thi áo dài dân tộc vào, và cũng từ đó áo dài Việt Nam trở thành một phần thi gần như bắt buộc của các hội thi người đẹp.
Hoa hậu đầu tiên Bùi Bích Phương (giữa hàng đầu) trong đêm đăng quang.
Trong số trên 50 thí sinh dự thi lúc ấy, có một thiếu nữ ở TP Hồ Chí Minh, một ở Đồng Nai, một Đà Nẵng, một Thanh Hóa, một Tuyên Quang còn lại là thí sinh của Thủ đô. Cuộc thi diễn ra vào buổi chiều (trong 3 tiếng) tại Nhà Văn hóa Thanh niên phố Tăng Bạt Hổ, Hà Nội.
Toàn bộ khán giả đến dự gần 1 ngàn người (theo giấy mời của báo Tiền Phong) trong đó có Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh và đồng chí Vũ Quang (nguyên Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, lúc đó là Trưởng ban đối ngoại T.Ư Đảng).
Các thí sinh trình diễn áo dài, áo tắm và trang phục tự chọn.
Lần đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất, có những thiếu nữ mặc đồ tắm lên sân khấu. Ban tổ chức đã phải động viên rất nhiều các thí sinh mới ra trình diễn. Màn trình diễn được coi là "chưa từng có" đến thời điểm đó. Nhiều thí sinh vừa bước ra sân khấu đã vội chạy vụt trở vào. Bộ phận phụ trách hậu trường phải động viên mãi các em mới chịu bước ra...?
Cuộc thi đã gây ra một chấn động lớn không chỉ ở Thủ đô Hà Nội. Khi Bùi Bích Phương đăng quang Hoa hậu, hàng ngàn người đã vây kín hai con phố dẫn đến Nhà văn hóa Thanh niên. BTC phải nhờ xe cảnh sát mở đường mới đưa được Bùi Bích Phương về đến nhà.
Cuộc thi cũng được dư luận quốc tế rất quan tâm. Các hãng truyền thông lớn như BBC, CNN, NHK.., đều đưa tin. Họ coi đó là một tín hiệu đổi mới của Việt Nam.
Tết năm đó tấm lịch in hình hoa hậu Bùi Bích Phương được phát hành rộng rãi trong cả nước. Cuộc thi đã trở thành một sự kiện văn hóa có tác động đến hàng triệu người khắp Bắc, Trung, Nam.
Bước sang năm 1989, do tác động của cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất, hàng loạt địa phương trong cả nước tổ chức thi hoa hậu. Người đẹp Hội Lim; hoa hậu Hà Nội; người đẹp Đền Hùng; người đẹp Đồng Nai, người đẹp Tiền Giang… Đó là thời kỳ được coi là "loạn hoa hậu" và báo chí bắt đầu lên tiếng. Nhiều bài báo phê phán cũng có nhiều tờ báo ủng hộ chủ trương thi hoa hậu do báo Tiền Phong khởi xướng. Bản thân ông Dương Xuân Nam cũng như Ban biên tập báo Tiền Phong đã hứng chịu không ít "Búa rìu dư luận".
Cuối năm 1989, một cuộc họp liên ngành (các đại diện đến dự ở cấp thứ trưởng) được tổ chức do Bộ Văn hóa đứng ra chủ trì. Cuộc họp đã tranh cãi gay gắt và cuối cùng nhất trí ủng hộ việc thi hoa hậu ở Việt Nam và giao cho báo Tiền Phong soạn thảo một quy chế .
Đó là quy chế thi người đẹp đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất do báo Tiền Phong soạn thảo và được Bộ Văn hóa ban hành cùng năm. Chính nhờ quy chế đó mà các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam đã đi vào quỹ đạo, đã trở thành một sinh hoạt văn hóa lành mạnh thu hút hàng triệu bạn trẻ quan tâm.