Cú điện thoại cứu hai mạng người
Khởi nguồn đánh dấu sự bắt đầu của câu chuyện cổ tích này là cuộc điện thoại của bác sỹ Dư Thị Ngọc Thu, Giám đốc Trung tâm điều phối hiến, ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy tới Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia (đóng tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội) thông báo ở Bệnh viện Chợ Rẫy có một bệnh nhân chết não và gia đình đồng ý hiến tạng vào ngày 3/9.
Cùng lúc, thông tin nêu trên được Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia chuyển đến các đầu cầu gồm: Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện 103, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Trung ương Huế. Qua rà soát, đối chiếu, các y, bác sỹ đã sàng lọc ra hai bệnh nhân hội tụ các điều kiện tương thích với tạng của người cho để tiến hành lấy ghép. Hai bệnh nhân may mắn sau quá trình rà soát là ông Trần Ngọc Hải (59 tuổi) bị ung thư gan và suy gan giai đoạn cuối và anh Nguyễn Văn Hải (37) tuổi bị bệnh suy tim giai đoạn cuối. Hai bệnh nhân này cùng ở Hà Nội, nằm trong danh sách chờ ghép từ trước nhưng không có tạng phù hợp để tiến hành lấy ghép.
Nhớ lại những thời khắc khó quên khi điều phối, kết nối các đầu cầu Bắc – Nam trong ca ghép thần kỳ nêu trên, ThS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia vẫn nhớ đến từng chi tiết. Theo ông, những ký ức đó không phải ai cũng có cơ may để được trải nghiệm. “Có những giây phút cam go đến ngột thở nhưng với khối óc, bàn tay, kinh nghiệm và nhiệt huyết cứu người, các y, bác sỹ đã cùng nhau vượt qua một cách ngoạn mục. Có cả những khoảnh khắc hạnh phúc tột đỉnh vỡ òa sau những phút giây hồi hộp khi ghép xong tim co bóp, gan tiết mật trong cơ thể của hai bệnh nhân”, ThS Nguyễn Hoàng Phúc cho biết.
Vậy là, 14h30 ngày 4/9, một đoàn bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức ngay lập tức lên đường, ra sân bay quốc tế Nội Bài để hành quân thần tốc vào miền Nam. Dẫn đầu đoàn là hai chuyên gia đầu ngành về ghép tạng của Việt Nam là GS Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia và PGS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch lồng ngực Bệnh viện Việt Đức. Đến 17h30 chiều cùng ngày, với sự hỗ trợ tận tâm của các y, bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy, ê kíp bác sỹ Bệnh viện Việt Đức đã lấy thành công khối tạng gồm tim, gan của bệnh nhân chết não hiến tặng.
Tạng được chuyển vào thiết bị bảo quản và đưa thẳng ra sân bay. Chuyến bay đặc biệt này hạ cánh tại sân bay Nội Bài vào lúc 23h30. Một xe cấp cứu đã được phép tiếp cận tận đường băng để đón đoàn sau đó xé màn đêm lao thẳng về Bệnh viện Việt Đức.
Tới nơi, không chút nghỉ ngơi, đoàn bác sỹ và hơn 60 y, bác sỹ khác tại bệnh viện này lại bắt tay vào thực hiện hai ca ghép cho hai bệnh nhân. Đến 5h sáng ngày 5/9, hai ca ghép tạng hoàn tất. Quả tim đã co bóp bơm dòng máu hòa vào cơ thể hồi sinh sự sống cho bệnh nhân suy tim. Còn lá gan sau khi được ghép xong cũng ngay lập tức tiết mật cứu sống bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối.
Những phương án cho giờ khắc sinh – tử
Các bác sỹ vận chuyển thùng chở tạng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: H.P
Đến thời điểm này, tiếp xúc với bệnh nhân Trần Ngọc Hải, người được ghép thay gan nhiều người khó có thể tưởng tượng ra sự thật cách đây không lâu ông đã phải đối diện với “cửa tử”. Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, da dẻ sắc hồng, giọng nói sang sảng, sống và sinh hoạt như… người bình thường là những gì mà bất cứ ai gặp cũng có thể ngay lập tức cảm nhận về bệnh nhân được ghép gan này. Ông cho biết, sau ca ghép 24 ngày ông đã được xuất viện và trở về với cuộc sống thường nhật. “Trước đó, sau cuộc phẫu thuật ít giờ, tôi đã tỉnh và biết mình đã được trở về với cuộc sống. Ít ngày sau, sức khỏe tiến triển tốt đến mức tôi có thể cảm nhận mình khỏe lên sau mỗi ngày trôi qua. Đây quả là điều kỳ diệu mà bản thân tôi không thể tưởng tượng nổi”, ông Trần Ngọc Hải cho biết. Đến nay ông đã trở lại với nhịp độ sinh hoạt bình thường, ăn tốt, ngủ tốt, tiêu hóa ổn. Đặc biệt, với tâm lý thoải mái khi biết mình đã “thoát án tử hình” đã khiến ông tiến triển tốt hơn về mọi mặt.
Thông tin ông Hải cung cấp cho thấy, cách đây 18 năm, ông được bác sỹ chẩn đoán mắc bệnh viêm gan B, men gan cao. Kể từ đó ông đều đặn điều trị, kiểm tra 6 tháng một lần và uống thuốc kháng virus. Tuy nhiên, đến tháng 7/2014, sau khi kiểm tra, Bệnh viện Bạch Mai phát hiện gan của ông xuất hiện một khối u nhỏ. Kết quả sinh thiết khối u, ông nhận hung tin bị ung thư gan. Khối u này đã được chỉ định đốt nhưng ít thời gian sau, một khối u khác lại xuất hiện. Sau khi có kết quả kiểm tra tại Bệnh viện Việt Đức, ông đã quyết định đưa tên mình vào danh sách những bệnh nhân chờ ghép tạng.
Nói về trường hợp của bệnh nhân Trần Ngọc Hải, GS Trịnh Hồng Sơn nhớ lại những giây phút phải đắn đo, cân nhắc. Theo đó, khi nhận được thông tin có người hiến gan và hoàn toàn phù hợp với bệnh nhân Hải vốn chờ ghép đã lâu, GS Trịnh Hồng Sơn đã liên hệ với bệnh nhân này. Theo giáo sư, đó cũng là thời khắc khiến ông phải cân nhắc, bởi dù mang bệnh ung thư gan nhưng bệnh nhân Hải vẫn sinh hoạt bình thường, vẫn đi làm như mọi người. Dù hội tụ đầy đủ mọi yếu tố để ghép như nguồn tạng, tay nghề, trang thiết bị máy móc nhưng quá trình ghép phát sinh vô vàn những trường hợp mà ê kíp các y, bác sỹ phải đối diện. Tuy nhiên, với niềm tin thành công, ông và Trung tâm điều phối đã liên lạc và kết nối thành công với bệnh nhân Hải.
Quá trình ghép cũng là lúc các y, bác sỹ phải đưa ra những quyết định mang tính sống còn. Song song với việc ê kíp di chuyển vào Nam để lấy tạng thì ở Bệnh viện Việt Đức, y, bác sỹ và bệnh nhân cũng phải chuẩn bị bàn mổ để loại bỏ tạng mang bệnh của bệnh nhân. Theo ThS Nguyễn Hoàng Phúc, chỉ riêng với bệnh nhân ghép gan, các y, bác sỹ cũng đã phải xây dựng nhiều phương án để ứng phó. Theo đó, khi quyết định mở bụng bệnh nhân ở Hà Nội để lấy gan, nếu đầu Sài Gòn gặp trường hợp bất khả kháng, thậm chí lá gan được đưa về Bệnh viện Việt Đức nhưng nếu kiểm tra không đủ điều kiện ghép thì sẽ tiến hành đốt khối u cho bệnh nhân Hải và điều trị theo cách từ trước tới nay vẫn áp dụng cho bệnh nhân này.
Tương tự, với trường hợp bệnh nhân Nguyễn Văn Hải được chỉ định ghép tim, các y, bác sỹ Bệnh viện Việt Đức cũng thể hiện tính sáng tạo khó tin. “Nếu ở nước ngoài, việc di chuyển sẽ được sử dụng phương tiện bay chuyên dụng, tuy nhiên, ở nước ta hiện chỉ có máy bay dân sự. Tạng tim sau khi được lấy ra, dung dịch bơm vào chỉ bảo quản tim được trong vòng 2 giờ. Trong khi đó, thời gian di chuyển từ TP HCM ra Hà Nội sẽ nhiều hơn thời gian bảo quản. Cùng đó, trên điều kiện máy bay dân dụng, thùng bảo quản tạng buộc phải để trong khoang hành khách nên việc mở thùng để thay dung dịch bảo quản sẽ gặp khó. Tuy nhiên, nếu không thay dung dịch thì tạng tim sẽ “chết” và không thể ghép. Để giải bài toán khó này, các bác sỹ đã sáng tạo ra phương pháp lồng ống dẫn vào túi chứa dung dịch bảo quản, khi cần thay chỉ cần rút và bơm dịch qua đường dẫn này”, ThS Nguyễn Hoàng Phúc cho biết.
Đối với bệnh nhân được ghép tim Nguyễn Văn Hải, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Hồng Vinh, Khoa Tim mạch lồng ngực Bệnh viện Việt Đức, người trực tiếp cùng đoàn đi lấy, tham gia ghép tạng cùng GS Nguyễn Hữu Ước và ê kíp bác sỹ cho biết, anh Hải vừa lên tái khám vào cuối tháng 12/2015. Sức khỏe và sinh hoạt của bệnh nhân Hải đã trở lại bình thường. “Nhà bệnh nhân Hải ở Ninh Hiệp, Gia Lâm, mấy lần hứa với anh ấy về Ninh Hiệp đi câu cá vừa thư giãn vừa biết hơn về điều kiện sống của bệnh nhân để điều chỉnh chế độ chăm sóc hậu ghép nhưng bận quá tôi chưa thể sắp xếp được”, điều dưỡng Vinh nói.
Hàng trăm người góp sức cho hai người sống sót
Bệnh nhân Trần Ngọc Hải sau khi được ghép gan. Ảnh: C.T
Trong quá trình tiếp cận thông tin để hoàn thiện bài viết này, tác giả đã có điều kiện gặp gỡ, trao đổi với những giáo sư, bác sỹ tham gia trực tiếp từ đầu đến cuối ca ghép. Tất thảy họ, tuyệt nhiên không ai “nhận” công về mình mà đều khẳng định chung một thông điệp cho rằng, thành công đến từ sức mạnh của tập thể. ThS Nguyễn Hoàng Phúc đánh giá nếu không có sự kết nối đến hoàn hảo giữa các ê kíp thì khó mang về sự thành công. Và chỉ cần một khâu trong toàn bộ quá trình gặp sự cố thì không dễ để có thành quả là sức khỏe của hai bệnh nhân như ngày hôm nay. Còn GS Trịnh Hồng Sơn khẳng định, thành công có được từ sức mạnh của tất cả những y, bác sỹ và hàng loạt các lực lượng khác trong quá trình di chuyển để nhận số tạng của người cho.
Ngoài những ê kíp nêu trên, các lực lượng khác cũng góp công không nhỏ vào cuộc chiến cứu người này chính là hai hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet. Khi ê kíp y, bác sỹ ở Hà Nội quyết định Nam tiến để lấy tạng thì cũng là lúc các hãng hàng không hết vé cho các chuyến bay trong ngày 4/9. Không có vé, con đường vào Nam của ê kíp y, bác sỹ cũng như con đường trở về với sự sống của hai bệnh nhân chờ chết sẽ khép lại. Cùng đó, tấm lòng, sự hy sinh cao cả của gia đình người cho tạng cũng không có cơ hội được thắp lên. Tuy nhiên, đến giờ chót, đoàn y, bác sỹ Bệnh viện Việt Đức cũng được bố trí đủ cơ số vé để bay vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Lực lượng Hải quan và an ninh hai đầu sân bay cũng đóng vai trò không nhỏ để việc vận chuyển tạng về đến đích. “Đây là sự kiện đầu tiên áp dụng phương thức vận chuyển đặc biệt cùng các vấn đề pháp lý liên quan đó là chở tạng người bằng đường hàng không dân dụng. Trước tình huống này, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia đã cấp tốc gửi hàng loạt văn bản đến cảng vụ hàng không, hải quan, công an hai đầu cầu Hà Nội và TP HCM. Nếu không nhận được sự giúp đỡ của các lực lượng này thì cuộc vận chuyển vốn phải tiết kiệm đến từng giây nhằm bảo quản tạng trong điều kiện tốt nhất sẽ đổ bể”, ThS Nguyễn Hoàng Phúc nói.
Người mẹ “anh hùng” cũng là một y tá
Có đầy đủ tri thức, trình độ, trang thiết bị máy móc nhưng không có người tự nguyện hiến tạng thì sẽ mãi không có sự sống mới được “thắp” lên, đây là khẳng định của hầu hết các y, bác sỹ khi nói về sự thành công của các ca ghép tạng. Trong ca ghép xuyên Việt nêu trên, gia đình và người phụ nữ được nhắc đến với sự quả cảm, sự hy sinh và tình yêu thương con người đến tột đỉnh là chị Mừng quê ở Lâm Đồng. Chị là mẹ của người hiến tạng để hồi sinh 4 người khác mang trọng bệnh, trong đó có hai bệnh nhân cùng tên Hải nêu trên. Chị là một y tá công tác trong ngành Y tế di cư từ Bắc vào Nam để công tác. Biết thêm về hoàn cảnh của chị để thấy được lòng dũng cảm và tình yêu thương người bệnh vô bờ bến của chị và gia đình. Cách đây một năm chị mất chồng, giờ đến lượt người con trai đang trong độ tuổi trưởng thành không may gặp tai nạn và không qua khỏi.
Sau khi chứng kiến những phút giây cảm động khi các y, bác sỹ tận tâm cứu chữa con mình và được thông báo tình trạng của người con, chị đã quyết định hiến tạng con mình vô điều kiện sau khi con qua đời chỉ với một ước nguyện là cứu người. “Người phụ nữ đó đã có một quyết định và việc làm như một người anh hùng. Chị đã biến nỗi đau mất con thành niềm vui cho người khác được sống. Nén đi nỗi đau tột cùng của mình cho những người không may suy tạng để có cơ hội được sống lại lần thứ hai. Nhờ quyết định lớn lao và đầy tính nhân văn của chị, 4 bệnh nhân khác đang chờ chết được hồi sinh từ sự ra đi của con trai chị. Càng đặc biệt hơn khi biết rằng, trong gia đình và nơi chị sống chưa từng có tiền lệ về việc hiến tạng. Đó cũng là người phụ nữ được Bộ Y tế vinh danh, được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tặng danh hiệu Vì sức khỏe nhân dân. Đến thời điểm này, khi biết những bệnh nhân suy tạng chờ chết đã hồi sinh và khỏe lại, chắc hẳn chị vẫn cảm nhận được rằng, con chị đang “sống hữu ích” trên cõi đời này. Không chỉ đem đến sự sống cho 4 người, hành động của chị đã thổi lên một ngọn lửa nhân ái sâu sắc và lòng thiện tâm vào phong trào hiến tặng mô tạng đang được phát động trên phạm vi toàn quốc. Từ những nền tảng này, chúng ta có quyền hy vọng hàng triệu tấm lòng nhân ái sẽ thức giấc, hàng triệu người bệnh đang cận kề cái chết sẽ có cơ hội hồi sinh. Đây có lẽ là “câu chuyện cổ tích” đẹp nhất được viết lên bởi những tấm lòng chứa đựng tinh thần nhân văn sâu sắc thời hiện đại”,ThS Nguyễn Hoàng Phúc cảm động nói.
Ông Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tạng đã mở ra hướng đi đúng đắn, đem lại sự sống cho nhiều người. Tuy nhiên, số lượng các ca ghép mô, tạng ở Việt Nam còn rất khiêm tốn: Khoảng hơn 1.000 ca ghép thận, hơn 30 ca ghép gan, 11 ca ghép tim, hơn 1.000 ca ghép giác mạc. Trong khi đó, hiện cả nước có khoảng 6.000 người bị suy thận mạn tính cần được ghép, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan và khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc....
Những đối tượng ưu tiên khi ghép tạng
Theo Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, các đối tượng nằm trong diện ưu tiên khi ghép tạng gồm: Trẻ em; Trường hợp cấp cứu nếu không được ghép là tử vong; Là người đã hiến tạng trước đó; Là người đầu tiên có tên trong danh sách chờ ghép quốc gia. Về công tác chuẩn bị trong thời gian tới để việc hiến, ghép được chuyên nghiệp, Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia sẽ dự kiến đề xuất chuẩn bị hệ thống xe cấp cứu đặc biệt có thể sẽ trang bị cả trực thăng, bởi hiện một số bệnh viện lớn ở Hà Nội đã có cả sân đỗ trực thăng trên nóc nhà. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Công an để có những cơ chế đặc biệt khi lưu thông tạng hiến tặng.