Những ăn năn trước ngày đặc xá

Thiếu tá Hoàng Đức Giang chia sẻ cùng hai phạm nhân Anh và Thịnh. Ảnh: Ngô Bình
Thiếu tá Hoàng Đức Giang chia sẻ cùng hai phạm nhân Anh và Thịnh. Ảnh: Ngô Bình
TP - “Em nhớ lắm, thèm được về nhà nên cố gắng cải tạo tốt để được giảm án vào dịp 2/9 tới. Khi đó, em sẽ xin mẹ cho đi học lại, phải học để làm lại cuộc đời”, phạm nhân Nguyễn Phú Anh tâm sự trong ngân ngấn nước mắt.

Trả giá vì nghiện game

Nguyễn Phú Anh (SN 1996, quê Sóc Trăng) tại phân trại số 2 thuộc trại giam An Phước (Bộ Công an) ở Bình Dương đang thụ án 4 năm tù giam vì tội cướp tài sản từ năm 2011. Dáng người mảnh khảnh, đầu đinh và khuôn mặt non nớt, ít ai nghĩ Anh có thể tự mình cầm dao ra giữa đường chặn xe cướp tài sản.

Phú Anh là con út trong gia đình có ba anh chị em. Gia đình vốn sống một miền quê tỉnh Sóc Trăng. Lúc lên năm bố mất, gia đình chuyển lên huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương), nơi vùng kinh tế mới lúc bấy giờ với rừng cao su bạt ngàn. Là con út trong nhà nên Anh được cho đi học đàng hoàng.

Năm 15 tuổi, Anh bắt đầu mê game online. Dần dần nghiện khi nào không hay. “Thời gian đầu, đi học một buổi, còn một buổi về nhà phụ gia đình làm rẫy. Vài tuần sau, học một buổi, còn một buổi em vào tiệm game. Tối mới về nhà nói dối là đi học thêm”, Anh nhớ lại.

Từ trốn học chơi game rồi đến bỏ học. Suốt ngày Anh ngồi ngoài tiệm internet với những trò chơi bạo lực. Chơi mãi cũng hết tiền, xin gia đình không được nữa, Anh tìm cách đi trộm. Trộm được của mẹ một số tiền kha khá, tiếp tục bỏ nhà ra tiệm internet chơi, tiêu xài. Được gần một tuần sau thì số tiền lấy của gia đình cũng hết, nhà không dám về, đói, khát và thiếu tiền chơi game, Anh nảy sinh ý định đi cướp.

Nghĩ là làm. Một ngày cuối năm 2011, Anh lấy một con dao Thái Lan thủ trong người rồi đi tìm “con mồi”. Khi đến đoạn quốc lộ 13, tỉnh Bình Dương, thấy người phụ nữ đi xe máy một mình, Anh lao ra chặn đầu xe rồi rút dao, gí thẳng vào cổ nạn nhân hăm dọa rồi cướp chiếc xe máy, điện thoại di động và tẩu thoát. “Lúc đó vắng người nên em cầm dao chạy ra chặn đầu xe, gí dao vào cổ dọa. Lấy được tài sản em mang đến thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương bán được 6 triệu”, Anh kể.

Sau khi gây án, Anh coi như không có chuyện gì và tiếp tục mang số tiền có được từ cướp xe vào tiệm internet tiếp tục chơi game. Chỉ hơn một ngày sau khi cướp, công an ập vào tiệm game bắt cậu thiếu niên khi đang say sưa với trò chơi bạo lực trên mạng. Anh không ngờ được công an lại điều tra nhanh như vậy. Anh bị bắt khi mới 15 tuổi và TAND tỉnh Bình Dương tuyên phạt 4 năm tù giam vì tội cướp tài sản. Cái giá đắt mà một thiếu niên phải trả chỉ vì mê game. “Trong tâm trí em lúc đó không nhớ mình đã đi cướp để có tiền chơi game. Trong đầu chỉ nghĩ đến những cảnh đánh đấm máu me trong game. Khi về trụ sở công an em mới biết mình phạm tội”, Anh nói.

Cũng ngang tuổi, nhập trại giam cùng thời điểm với Anh, Nguyễn Hưng Thịnh (SN 1997, quê Bình Dương) bị TAND tỉnh Bình Dương phạt 4 năm 6 tháng tù về tuội mua bán chất ma túy. Nguyên nhân sâu xa khiến Thịnh phạm tội cũng vì mê chơi game.

Thịnh kể, thời gian chơi game ngoài tiệm internet, cậu có quen một số bạn và dần dần bị lôi kéo vào hút ma túy. Được vài tuần thì hết tiền mua thuốc, chơi game, Thịnh tìm cách kiếm tiền và được một số người chỉ cách bán ma túy kiếm tiền là nhanh nhất. Thèm thuốc, hết tiền chơi game, Thịnh quyết định đi lấy mỗi ngày một ít ma túy về bán lại cho những người nghiện khác, được vài ngày thì bị bắt.

Mơ ước hoàn lương

Hơn hai năm thụ án trong trại giam, Anh và Thịnh đã thấm thía hậu quả và cái giá phải trả cho những gì mình đã gây ra. Thế nên hằng ngày anh, Thịnh cố gắng cải tạo tốt để sớm được về với gia đình. Cả hai đã được xếp loại cải tạo tốt và được giảm án. Chỉ còn thời gian ngắn nữa là có thể trở về, hòa nhập cộng đồng và nuôi hi vọng tìm lại con chữ đã “đánh rơi” trong thời niên thiếu.

Những ăn năn trước ngày đặc xá ảnh 1

Phạm nhân Nguyễn Phú Anh mong mỏi sớm được trở về với gia đình, được đi học và làm lại cuộc đời sau những lầm lỗi

Khi chúng tôi hỏi đến chuyện học hành và con đường phía trước, ánh mắt cả hai bừng sáng. Anh ân hận: “Em nhớ lắm, thèm được về nhà nên cố gắng cải tạo tốt để được giảm án vào dịp 2/9 tới. Khi đó, em sẽ xin mẹ cho đi học lại, dù học nghề hay học gì đi nữa em cũng phải học để làm lại cuộc đời”.

Ở trại giam, công việc của Anh và Thịnh hằng ngày là bóc vỏ hạt điều, tách vỏ lụa và một số công việc khác theo phân công của cán bộ trại giam. “Thời gian mới vào trại em sợ lắm, xa gia đình bạn bè, luôn phải tiếp xúc với những người không quen biết, nên cứ hết giờ là em lên giường nằm, không nói chuyện với ai. Được các cán bộ trại giam quan tâm động viên, em quen dần. Mỗi tháng gia đình lên thăm, được gọi điện thoại về nhà nên đỡ buồn hơn. Ước mơ của em là sớm được trở về với gia đình, làm những việc lương thiện, có ích kiếm tiền phụ giúp gia đình, chuộc lại những lỗi lầm, nỗi đau mà mình đã gây ra”, Thịnh tâm sự.

Nhận xét về những phạm nhân trẻ tuổi đang thụ án tại phân trại của mình, thiếu tá Hoàng Đức Giang, Trưởng phân trại số 3 cho biết, những phạm nhân tuổi vị thành niên thường bồng bột, chưa suy nghĩ chín chắn nên khi vào trại chỉ cần lời qua tiếng lại là vi phạm nội quy. Trại cũng tạo điều kiện để quản lý, giáo dục tốt những người trẻ vị thành niên phạm tội, cho họ có cơ hội trở về xã hội, làm lại cuộc đời.

Thời gian đầu khi mới vào trại, cả Anh và Thịnh thuộc diện bất tuân kỷ luật, tính trẻ con bướng bỉnh. Cán bộ giáo dục của trại mất nhiều thời gian để giáo dục, tạo điều kiện tiếp xúc với gia đình để động viên các em cải tạo tốt sớm trở về nhà.

“Từ sự ân tình, kiên trì chỉ bảo giáo dục của những cán bộ phụ trách cả hai đã xác định được tư tưởng và cố gắng cải tạo tốt, nên đã được giảm án một lần. Nếu không có gì thay đổi thì trong đợt đặc xá lần này (2/9) cả hai sẽ được giảm thêm và trở về với gia đình trước thời hạn”, thiếu tá Giang cho biết.

Cũng tại phân trại số 2, trại giam An Phước, chúng tôi gặp phạm nhân Nguyễn Thị Lan (SN 1974, quê Củ Chi, TPHCM) đang thụ án 2 năm tù về tội đánh bạc. Câu chuyện của chị làm chúng tôi không khỏi bất ngờ. Năm 2010, chị bị bắt vì tội đánh bạc, khi đang mang thai đứa con thứ hai nên được cho tại ngoại chờ sau khi sinh mới thụ án. Lúc đó người con đầu của chị đã gần 20 tuổi.

Những ăn năn trước ngày đặc xá ảnh 2

Nụ cười của phạm nhân Nguyễn Thị Lan chấp hành tốt và được đặc xá trong dịp 2/9 này

Lo sợ việc phải đi tù, chị lên kế hoạch để “hoãn binh”. Sau khi sinh đứa thứ hai, chị lại mang thai tiếp để không phải thụ án. Cứ thế năm một, năm một chị sinh liên tục hai đứa trẻ trong vòng hai năm. Thấy “kế hoạch” hoãn binh hoàn hảo, chị tiếp tục mang thai đứa thứ ba vào năm 2013. Nhưng không, “âm mưu” của chị bại lộ và chị vào trại thụ án. “Lúc đó không bị bắt, chắc sinh xong tôi tiếp tục mang thai đứa nữa, sinh đến bao giờ hết sinh được thì thôi chứ đi tù sợ lắm”, chị nhớ lại.

Đến nay, Lan đã thụ án được hơn một năm và bé gái bụ bẫm cũng đã hơn một tuổi đang bập bẹ tập nói. Chị cũng được nằm trong danh sách đặc xá vào dịp 2/9 này. “Nhớ chồng, nhớ con lắm”- chị nói và cho biết, từ khi vào trại đến nay vẫn hằng ngày cố gắng cải tạo tốt để sớm được về với gia đình. “Lần này được đặc xá trở về có cho vàng tôi cũng không dám chơi bạc nữa”, chị Lan chia sẻ.   

“Ước mơ của em là sớm được trở về với gia đình, đi học nghề gì đó kiếm tiền phụ giúp gia đình, chuộc lại những lỗi lầm, nỗi đau mà mình đã gây ra cho gia đình”, phạm nhân Nguyễn Hưng Thịnh.

MỚI - NÓNG