Nhức nhối vi phạm trật tự xây dựng: Mất tiền, mất cán bộ

0:00 / 0:00
0:00
Công trình 8B Lê Trực đang được hoàn thiện và đưa vào sử dụng sau khi “cắt ngọn”
Công trình 8B Lê Trực đang được hoàn thiện và đưa vào sử dụng sau khi “cắt ngọn”
TP - Chỉ trong 2 năm trở lại đây, Hà Nội đã xem xét kỷ luật gần 200 cán bộ vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng, xử phạt gần 1.000 công trình vi phạm với số tiền phạt và kiến nghị thu hồi hàng chục tỷ đồng. Nhiều công trình bị “cắt ngọn” như những “vết sẹo” trên bộ mặt đô thị Thủ đô.

Bài 1: Lợi ích ngầm và những “vết sẹo” đô thị

Sai phạm trật tự xây dựng (TTXD) kéo theo hàng loạt hệ lụy, đó là quy hoạch bị “băm nát”, người dân “bơ vơ” vì không được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. Cùng đó, hàng loạt cán bộ liên quan bị kỷ luật, khởi tố. Dù đã có nhiều chuyển biến trong công tác quản lý TTXD, nhưng người dân nhiều phường vẫn phản ánh tình trạng “chung chi”, bắt tay trong vi phạm xây dựng.

Ông T (người dân thuộc quận Tây Hồ) cho biết, tháng 10 vừa rồi, ông hoàn thiện công trình 5 tầng, 1 tum trên mảnh đất rộng gần 100m2. Đáng nói, nhà ông T nằm ở khu vực ngoài đê sông Hồng, chỉ được cấp phép tối đa 4 tầng (nếu có thỏa thuận với Chi cục Quản lý đê điều, Sở NN&PTNT Hà Nội). Theo ông T, để xây dựng được công trình này bắt buộc phải “chung chi” với lực lượng thanh tra xây dựng địa phương. Mỗi một tầng vượt giấy phép xây dựng sẽ phải “đi đêm” hàng trăm triệu đồng.

Những vi phạm này không khó thấy tại các tuyến phố, khu dân cư tại Hà Nội. Nhiều khu dân cư trồi lên những tòa nhà vượt quy hoạch, vượt chiều cao nhưng xử lý là vô cùng chậm trễ, hoặc bỏ qua mà người dân trong khu vực cho rằng có “bảo kê”.

Theo các chuyên gia, đất đai Thủ đô đang nóng kéo theo những lợi ích rất lớn từ lĩnh vực xây dựng. Đâu đó vẫn có tình trạng chung chi, bắt tay nhau, hợp tác xây dựng trái phép. Để ngăn chặn được tình trạng này, không thể chỉ trông chờ vào lực lượng thanh tra chuyên ngành, bởi họ đối mặt với cám dỗ rất lớn. Do đó, rất cần sự giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đơn vị chức năng (Ban giám sát nhân dân xã, phường; thanh tra nhân dân...) để phát hiện sớm, xử lý các vi phạm.

Một vi phạm điển hình tại Hà Nội là công trình 8B Lê Trực, khởi công năm 2012, nhưng 3 năm sau cơ quan chức năng của thành phố mới có kết luận kiểm tra và đình chỉ thi công dự án. Tới tháng 12/2020, công trình mới hoàn thành cưỡng chế.

Dự án chung cư CT6 tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông do Công ty cổ phần sản xuất - xuất nhập khẩu Bemes là chủ đầu tư, tòa chung cư này có dấu hiệu xuống cấp; toàn bộ 3 tòa của dự án với hàng nghìn căn hộ nhưng không có không gian chung. Nhiều người dân cho rằng, với kiểu nhà chồng nhà, mật độ cư dân quá lớn tại chung cư CT6 Kiến Hưng, khu đô thị này sẽ sớm trở thành “khu ổ chuột” trong tương lai gần.

Theo quy hoạch được duyệt, dự án có hai tòa chung cư gồm CT6A và CT6B, với tổng số 936 căn hộ chung cư cao tầng, 34 nhà thấp tầng, biệt thự liền kề. Nhưng chủ đầu tư đã xây thêm tòa CT6C, nâng tổng số căn chung cư không phép là 654 và 4 căn biệt thự liền kề, nhà thấp tầng.

Con voi chui lọt lỗ kim

Sai phạm tại tòa 8B Lê Trực mất gần chục năm để xử lý, tốn hàng chục tỷ đồng. So với giấy phép xây dựng, công trình vượt 5,5 m2; nhưng diện tích sàn tăng hơn 2.800m2.

Thảo luận tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân thẳng thắn chỉ ra những thực trạng đáng quan ngại khi để tồn tại công trình như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm và nhiều công trình sai phạm khác ở Thủ đô. “Thể chế không sai nhưng khâu tổ chức thực hiện đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng. Điều đáng nói là các điều khoản trách nhiệm của luật lại không biết gắn cho ai trong những sai phạm”. Vị đại biểu Quốc hội nhận định, nếu còn có sự thỏa hiệp, phạt cho tồn tại thì những 8B Lê Trực, HH Linh Đàm trong tương lai vẫn sẽ còn được đưa ra chất vấn tại nhiều kỳ Quốc hội.

Đối với công tác xử lý cán bộ liên quan, Chủ tịch UBND phường Điện Biên cùng nhiều cán bộ Thanh tra xây dựng phường, Sở Xây dựng bị khiển trách, hoặc buộc thôi việc. Với sai phạm tại dự án CT6 Kiến Hưng, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người đại diện pháp luật của Công ty CP Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bemes cùng hàng loạt cán bộ phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, nguyên tổ trưởng Thanh tra xây dựng phường Điện Biên cho biết, thời điểm về làm việc ở phường năm 2012, công trình 8B Lê Trực đã xây xong 4 tầng hầm không phép. Thời điểm đó tổ thanh tra xây dựng đã lập nhiều biên bản kiểm tra, tham mưu với lãnh đạo UBND phường, UBND quận ra quyết định đình chỉ, xử phạt công trình.

Nói về lý do công trình vẫn tiếp tục vi phạm pháp luật nghiêm trọng, ông Dũng lý giải: Chủ công trình “chây ì”, nhiều lần đóng cửa xây trộm bên trong, không đến họp theo giấy mời, không đóng phạt. Nhưng quan trọng hơn, thanh tra xây dựng thiếu quyết liệt xử lý công trình.

Cán bộ buông lỏng, tiêu cực

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc xử lý công trình, xử lý cán bộ vì các sai phạm liên quan đến TTXD là bài học đau lòng. Chưa công trình nào mà Thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo xử lý nhiều như 8B Lê Trực, từ đó bộc lộ sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng thực thi nhiệm vụ tại cơ sở.

Qua việc xử lý “cắt ngọn” tòa nhà 8B Lê Trực, ông Tùng nhận định: “Ở đây không chỉ thiệt hại cho người mua nhà, doanh nghiệp mà còn làm xấu đi hình ảnh, môi trường đầu tư của thành phố Hà Nội. Hơn lúc nào hết, người dân đòi hỏi Hà Nội siết lại kỷ cương trong lĩnh vực TTXD”.

Nhức nhối vi phạm trật tự xây dựng: Mất tiền, mất cán bộ ảnh 1

Chung cư CT6C Kiến Hưng xây dựng không phép khiến nhiều cán bộ bị xử lý kỷ luật

Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng Ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội nhận định, thời gian trước đây Hà Nội đã có nhiều bài học đau xót liên quan đến vi phạm TTXD. Công tác quản lý TTXD là vấn đề “nóng” đã được HĐND thành phố Hà Nội chất vấn, tái chất vấn nhiều lần. Tại phiên chất vấn HĐND khóa XV, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định: TTXD là nội dung đã chất vấn qua không ít phiên họp. Tuy nhiên vẫn tồn tại công trình vi phạm chưa xử lý, có cả vi phạm mới phát sinh. Nhiều vấn đề Thành ủy, UBND thành phố lưu ý nhưng chủ tịch các quận, huyện, xã, phường buông lỏng quản lý, xử lý chưa nghiêm các vi phạm.

Bà Ngọc cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến các công trình vi phạm tồn tại kéo dài là lực lượng Thanh tra xây dựng chưa làm hết trách nhiệm. 17 năm qua, Thanh tra xây dựng đã ba lần thay đổi mô hình, lúc thuộc sở, khi thuộc quận, huyện nhưng chức năng nhiệm vụ không thay đổi nên không thể đổ trách nhiệm cho ai. “Hộ dân xây nhà, chỉ đẩy một xe cát vào thanh tra xây dựng đã biết. Nhưng tại sao có những công trình xây to như con voi mà chúng ta không biết? Rõ ràng ở đây làm chưa hết trách nhiệm, chỉ lập biên bản chứ không xử lý”, bà Ngọc nhận định.

MỚI - NÓNG