Công trình vi phạm trật tự xây dựng: 'Cắt chức' cán bộ, không chỉ 'cắt ngọn'

Công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực ở Ba Đình - Hà Nội
Công trình vi phạm trật tự xây dựng 8B Lê Trực ở Ba Đình - Hà Nội
TP - Thảo luận về Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), ngày 27/11, nhiều đại biểu chỉ đích danh nguyên nhân khiến vi phạm trật tự xây dựng càng ngày càng nghiêm trọng là sự thỏa hiệp, phạt cho tồn tại.

Bày tỏ ủng hộ sự nghiêm khắc trong xử lý các sai phạm trật tự xây dựng, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, nếu chỉ dừng ở mức “cắt ngọn” các công trình sai phạm thì cũng chỉ là một dạng “phạt cho tồn tại”, rất dễ sinh ra tiêu cực. Vì thế, ông đề nghị sửa luật làm sao để ngăn chặn sớm, triệt để và nghiêm khắc hơn việc xây dựng sai.

“Cử tri đề nghị, nếu có công trình xây dựng sai thì trước hết phải kỷ luật những người có trách nhiệm đã để xảy ra những vi phạm đó. Chúng ta hy vọng từ nay trở đi sẽ không có biện pháp “cắt ngọn” vì có công trình xây dựng sai trái nữa”, ông Trí nhấn mạnh.

Nhắc lại hàng loạt công trình thách thức dư luận, như 8B Lê Trực, HH Linh Đàm cùng nhiều dự án, nhà thương mại, chung cư cao tầng mọc trên nền của một số cơ quan, tổ chức sau khi di dời trong nội đô Hà Nội, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, đây chính là sự yếu kém của các cơ quan quản lý.

Vị đại biểu này cũng bày tỏ sự băn khoăn không biết cơ sở nào để giải thích cho việc tăng hơn 16.000 tỷ đồng của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 và đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. “Tất cả những vấn đề trên có vi phạm nguyên tắc minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và đảm bảo về an ninh, quốc phòng hay không”, ông Nhân đặt câu hỏi.

Cho rằng sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết, song theo ông Nhân điều cần thiết hơn có lẽ là sửa đổi, bổ sung ngay chính đạo đức công vụ của việc tổ chức thực hiện. “Việc phạt cho tồn tại, hay quy hoạch phải chạy theo dự án trong xây dựng đã chỉ ra rằng kỷ cương, phép nước chưa nghiêm. Nếu còn có sự thỏa hiệp, phạt cho tồn tại và quy hoạch còn phải chạy theo dự án vì một lý do nào đó thì 8B Lê Trực, HH Linh Đàm có lẽ sẽ tiếp tục được chất vấn ở nhiều kỳ Quốc hội nữa”, ông Nhân cảnh báo.

Báo cáo giải trình với các đại biểu Quốc hội về nội dung trên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà khẳng định, sẽ không còn việc phạt cho tồn tại. “Tất cả các công trình vi phạm quy hoạch, giấy phép xây dựng đều bị cưỡng chế tháo dỡ phần vi phạm”, ông Hà cho biết.

Nước sạch đang rất bức xúc, sao luật không điều chỉnh

Đề cập vấn đề sản xuất, tiêu thụ nước sạch, ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng, đây là vấn đề đang rất bức xúc, nhất là trong tháng 10 vừa qua đã xảy ra việc hàng triệu người ở Hà Nội phải uống nước bị nhiễm dầu thải. “Cần thiết phải có những hành động đồng bộ, kịp thời để ngăn chặn sự lặp lại tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm ở tất cả các địa phương”, ông Trí kiến nghị.

Qua nghiên cứu Luật Xây dựng năm 2014 và dự thảo sửa đổi dự luật lần này, ông Trí cho rằng, các quy định liên quan đến nước sinh hoạt vẫn vô cùng mờ nhạt, nếu không muốn nói là không có. Vì thế, theo ông lần sửa đổi này, Chính phủ nên xem xét bổ sung vào luật này một chương về nước sạch dùng cho sinh hoạt, trong đó quy định thật đầy đủ các nội dung có liên quan từ việc chọn khu vực để lấy nước, công trình đường ống vận chuyển, nhà máy xử lý, công tác bảo vệ nguồn nước. Bổ sung các chỉ tiêu mới và công nghệ tốt nhất để kiểm tra chất lượng nước, công tác quản lý, giám sát để có được an ninh, an toàn vệ sinh về nước sinh hoạt.

“Tai nạn nhiễm bẩn đã xảy ra rồi. Người dân đã phải dùng nước bẩn là có thật rồi. Vậy, xin đừng bỏ qua dịp sửa đổi luật này khi chúng ta vẫn còn khoảng 6 tháng nữa để sửa lại dự thảo trước khi trình ra Quốc hội xem xét thông qua”, ông Trí kiến nghị.

Trong khi đó, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) kiến nghị bổ sung các quy định để xử lý triệt để tình trạng tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến chung cư cao tầng “như nêm” tại các trung tâm thành phố, gây quá tải, kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm không khí, mất an toàn cháy nổ. Bên cạnh đó là tình trạng những công trình đắt nhất thế giới, công trình thất thoát, lãng phí kép và việc đấu thầu hình thức, “bảo kê” trúng thầu và bán thầu.

“Nhiều cử tri cho rằng lĩnh vực đầu tư xây dựng, sử dụng vốn nhà nước là anh em song sinh với tham nhũng trên lĩnh vực đất đai, xây dựng nhưng nhiều công trình sai phạm vẫn trơ trơ tồn tại. Tuy nhiên, những hậu quả trên không ai chịu trách nhiệm hoặc chịu trách nhiệm chung chung đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của nhân dân và doanh nghiệp”, ông Vượt nêu ý kiến.

Đại biểu “than” bị ném đá vì đề xuất “cấm để xe dưới tầng hầm”

Nhắc lại đề xuất về việc không cho đỗ xe tại tầng hầm các chung cư, cao ốc tại phiên thảo luận hội trường của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014- 2018 (ngày 13/11), ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, sau khi ông nêu ý kiến đã bị “nhiều người dân phản ứng” và bản thân ông cũng bị “ném đá” dữ dội. “Tôi chỉ đưa ra kiến nghị là cân nhắc việc đỗ xe dưới tầng hầm vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ chứ không phải cấm ngay”, ông Phương nói.

MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.