Nhức nhối tình trạng lao động nữ trên 35 tuổi bị sa thải

Nhiều lao động nữ trên 35 tuổi đối mặt nguy cơ bị sa thải. Ảnh minh họa - Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nhiều lao động nữ trên 35 tuổi đối mặt nguy cơ bị sa thải. Ảnh minh họa - Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - “Kết quả khảo sát ở một số doanh nghiệp cho thấy, có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc”, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung nêu con số tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới, ngày 13/9.

Báo cáo thực hiện mục tiêu quốc gia bình đẳng giới, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến 1/7/2017 lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính là 54,5 triệu người, trong đó lao động nam 28,3 triệu người chiếm 52%, lao động nữ 26,2 triệu người chiếm 48%. Theo ông Đào Ngọc Dung, chất lượng việc làm của lao động nữ chưa ổn định, thiếu bền vững do lao động nữ thường tập trung trong các lĩnh vực có trình độ chuyên môn thấp, hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao. Điều đó dẫn đến tình trạng lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương thấp hơn so với lao động nam.

Đáng lưu ý, tình trạng sa thải lao động độ tuổi 35 trở lên, trong đó phần lớn là lao động nữ đang là một vấn đề đáng báo động cho thị trường lao động hiện nay.

“Kết quả khảo sát ở một số doanh nghiệp cho thấy, có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Với lý do chính là cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt”, ông Dung cho hay.

Thẩm tra báo cáo về việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng nhấn mạnh, tình trạng lao động nữ trong các khu công nghiệp bị doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động khi đến tuổi 35 đang là một vấn đề nổi lên hiện nay. Cho ý kiến về việc này, nhiều đại biểu cũng đánh giá, đây là một thực trạng nhức nhối, đáng báo động, cần có giải pháp kịp thời.

Theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới chưa có nhiều chuyển biến lớn và vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức. Ủy ban thẩm tra đề nghị nên đưa báo cáo bình đẳng giới vào chương trình kỳ họp để Quốc hội thảo luận ít nhất 1 lần trong một nhiệm kỳ Quốc hội.

Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, người phụ nữ thường chịu khó, chịu khổ. Xã hội cũng đang tác động, gây khó khăn, áp lực cho phụ nữ, nên phải có giải pháp cụ thể. Ông Việt đề nghị các tiêu chí, mục tiêu đề ra về bình đẳng giới thì phải làm cho được. Chẳng hạn, Quốc hội bao nhiêu % nữ giới phải đạt được, phải thực hiện theo quy hoạch. “Phụ nữ nhiều người giỏi lắm, nếu có điều kiện, họ sẽ phát huy tốt hơn cả nam giới”, ông Việt nhìn nhận.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị phải nhìn vào tình trạng bạo lực nói chung, với trẻ em gái nói riêng và vấn đề bạo lực tình dục, trên cơ sở đó phải đánh giá thực trạng thế nào, giải pháp ra sao? Rồi thực trạng phá thai của trẻ vị thành niên cũng phải xem xét, đánh giá cụ thể.

“Kết quả khảo sát ở một số doanh nghiệp cho thấy, có nơi tới 80% phụ nữ tuổi trên 35 làm việc trong các khu công nghiệp bị buộc phải nghỉ việc hoặc tự bỏ việc. Với lý do chính là cơ cấu lại sản xuất hoặc tự nghỉ do không chịu được điều kiện làm việc khắc nghiệt”.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung

MỚI - NÓNG